Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:42 (GMT +7)
Phấn đấu hết năm 2021 có 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi
Thứ 6, 19/11/2021 | 08:48:24 [GMT +7] A A
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine phòng COVID-19, phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho người từ 18 tuổi trở lên và trẻ em từ 12 tuổi đến 17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Ngày 18/11, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai nhiệm vụ theo Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Triển khai nhiệm vụ theo Báo cáo số 516/BC-CP ngày 12/11/2021 về giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine phòng COVID-19, phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho người từ 18 tuổi trở lên và trẻ em từ 12 tuổi đến 17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin cho nhân dân trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó đặc biệt chú trọng phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, lao động an toàn, thông suốt, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Khẩn trương kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân, thúc đẩy triển khai đúng quy trình, quy định, bảo đảm kịp thời, tránh tiêu cực, lãng phí, không vì tiến độ mà bỏ qua quy trình, thủ tục cần thiết, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công.
Đồng thời, tháo gỡ ngay vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... Rà soát, kiên quyết điều chuyển vốn, không để tình trạng dàn trải, lãng phí. Khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện hiệu quả các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, người lao động thực hiện mọi biện pháp cần thiết để trước mắt (từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022) thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong thời gian sớm nhất gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số; tạo nền tảng vững chắc cho đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế, phù hợp với những điều chỉnh của kinh tế thế giới trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()