Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:13 (GMT +7)
Phấn đấu giảm 50% số người chết và bị thương do TNGT vào năm 2030
Thứ 3, 19/07/2022 | 14:16:40 [GMT +7] A A
Theo Tổ chức y tế thế giới, TNGT đường bộ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên toàn cầu.
Thương tích do TNGT là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên
Ngày 19/7, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp tổ chức Hội nghị quốc gia với các bên liên quan về An toàn giao thông đường bộ (ATGTĐB) nhằm rà soát lại quá trình triển khai Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự ATGTĐB giai đoạn 2021-2030, đồng thời thảo luận cách thức Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác quốc tế có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai Chiến lược này.
Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGTĐB giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ phê duyệt ngày 12/12/2020 với mục tiêu hàng năm giảm 5-10% số người chết và bị thương do TNGT một cách bền vững.
Trên cơ sở Chiến lược quốc gia này, Kế hoạch Hành động quốc gia đã được xây dựng với sự điều phối của UBATGTQG và các bộ ngành liên quan, đồng thời lồng ghép nội dung Kế hoạch Toàn cầu về Thập kỉ hành động vì ATGTĐB giai đoạn 2021-2030 vào bối cảnh của Việt Nam.
Bà Socorro Escalante, Quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia tham gia Sáng kiến Bloomberg vì An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (BIGRS) giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu là hỗ trợ xây dựng chính sách quốc gia nhằm cải thiện tình hình an toàn giao thông đường bộ dưới sự dẫn dắt chuyên môn và hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới.
Năm 2018, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm, TNGT đường bộ gây ra 1,3 triệu ca tử vong có thể phòng tránh được và ước tính có khoảng 50 trường hợp bị thương tật, khiến TNGT đường bộ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên toàn cầu. 9/10 trường hợp tử vong do TNGT đường bộ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, 1/4 trong số đó là người đi bộ hoặc đi xe đạp.
Tổ chức Y tế Thế giới sẽ tiến hành rà soát một lần nữa, dự kiến kết quả sẽ được công bố vào Quý 4 năm 2023, và đó sẽ là dữ liệu cơ sở cho giai đoạn 2011-2030.
Theo WHO, mặc dù có nhiều tiến bộ, những số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy thương tích do TNGT đường bộ vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên độ tuổi 10 - 39 tuổi ở Việt Nam.
Thương tích do TNGT đường bộ cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở trẻ em từ 5-9 tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, năm 2019 có tới 29.475 người chết do TNGT đường bộ ở Việt Nam.
Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, tai nạn thương tích từ giao thông đường bộ đã gây ra những quan ngại y tế công cộng sâu sắc, xuất phát từ thực tế đó, Tổ chức Y tế Thế giới và các Ủy ban khu vực của Liên hợp quốc phối hợp với các đối tác khác xây dựng và triển khai Kế hoạch Toàn cầu về Thập kỉ hành động vì ATGTĐB giai đoạn 2021-2030.
Phấn đấu vì mục tiêu giảm 50% số người chết và thương tật do TNGT vào năm 2030
Theo WHO, kế hoạch trên nhằm hướng dẫn các quốc gia đạt được mục tiêu giảm 50% số người bị chết và thương tật do TNGT đường bộ vào năm 2030.
Kế hoạch Toàn cầu kêu gọi Chính phủ các nước và các bên liên quan áp dụng cách tiếp cận mới - cách tiếp cận không những cứu sống mạng người và phòng ngừa thương tật mà còn có tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống từ sức khỏe trẻ em, môi trường, giới, nghèo đói, công bằng, đổi mới sáng tạo tới giao thông, làm giảm gánh nặng kinh tế - xã hội từ những nguyên nhân có thể phòng tránh được.
Và Việt Nam có thể sử dụng kế hoạch này để hoàn thiện thêm chiến lược hiện tại nhằm xác định các hành động chủ chốt cho việc triển khai chiến lược.
Theo thống kê từ WHO, ở Việt Nam, năm 2019, ước tính tỷ lệ tử vong do TNGT đường bộ cao nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO với 30,6 ca tử vong trên 100.000 dân so với tỷ lệ bình quân của khu vực là 16,4 và toàn cầu là 16,6 ca tử vong trên 100.000 dân.
“Quan trọng hơn, khi nhìn vào các con số thống kê cần suy nghĩ rộng hơn về nỗi khổ đau của con người do TNGT đường bộ gây ra. Nạn nhân của TNGT đường bộ và gia đình họ cũng phải chịu gánh nặng kinh tế nặng nề do chi phí khám chữa bệnh do tại nạn gây ra và mất đi khả năng lao động, hoặc thậm chí trở thành người khuyết tật. TNGT đường bộ cũng tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế quốc gia, làm mất đi 3% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm”, đại diện WHO nhấn mạnh và cho biết, Hội nghị sẽ góp phần giải quyết những khó khăn thách thức bằng các kế hoạch hành động rõ ràng.
Đánh giá cao thành công trong việc xây dựng thể chế nhằm thúc đẩy ATGT đường bộ tại Việt Nam thời gian qua, Tổ chức y tế thế giới cũng nhấn mạnh: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ và Luật đảm bảo Trật tự, an toàn Giao thông đường bộ được dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét lần đầu vào kỳ họp Quốc hội năm 2022, được xây dựng dựa trên thành công của Việt Nam trong việc nâng cao ATGTĐB trong những năm qua, nhằm mục tiêu thu hẹp những khoảng trống pháp lý và có thể giúp cứu sống hàng ngàn sinh mạng.
Để nâng cao ATGT đường bộ, WHO khuyến nghị các Luật này cần điều chỉnh các nội dung, như: Quy định về tốc độ, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các xe và giảm tốc độ ở các khu vực đặc thù như khu vực trường học, bệnh viện và bến xe buýt; Cấm sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe; Người điều khiển phương tiện và người ngồi trên xe ô tô phải thắt dây an toàn khi có thể.
Đồng thời cho biết, Việt Nam cũng cần cân nhắc tham gia các quy định Phương tiện của Liên hợp quốc về an toàn và sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.
“Chúng tôi hi vọng với sự điều chỉnh mới này cho Luật sửa đổi sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng cường hơn nữa các quy định về ATGT đường bộ và sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia và cứu được nhiều mạng người hơn”, đại diện WHO chia sẻ.
Tổ chức y tế thế giới đánh giá cao thành công Nghị quyết của Chính phủ Việt Nam về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy và Luật Phòng chống tác hại của Rượu bia năm 2019, Tổ chức y tế thế giới cho biết, Nghị quyết bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, cùng với các biện pháp thực thi và tuyên truyền cho nhân dân đã mang lại kết quả rất tích cực, làm tăng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm từ 40% lên tới trên 90% năm 2011. Uống rượu bia khi tham gia giao thông được cho là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên đường bộ ở Việt Nam, và kể từ khi Luật phòng chống tác hại của Rượu bia có hiệu lực tháng 1 năm 2020, báo cáo qua các phương tiện truyền thông cho thấy hơn 6.200 trường hợp đã bị cảnh sát giao thông xử phạt do vi phạm quy định uống rượu bia khi tham gia giao thông. Việt Nam đã thực hiện theo dõi việc triển khai các quy định này của Luật và áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết những bất cập trong quá trình triển khai, trong đó có các biện pháp bắt buộc cài dây mũ bảo hiểm, bảo vệ trẻ em tốt hơn, và tìm các giải pháp giải quyết vấn đề thiếu mũ bảo hiểm an toàn. |
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()