Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:17 (GMT +7)
Phấn đấu đạt mục tiêu việc làm tăng thêm cho người lao động
Thứ 5, 10/10/2024 | 09:51:36 [GMT +7] A A
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tạo 30.000 việc làm tăng thêm cho người lao động. Để đạt mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương có nhiều giải pháp cụ thể nhằm giải quyết hiệu quả việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2023, tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho hơn 23.400 lao động (đạt 117,2% kế hoạch), trong đó, số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ước đạt 1.207 người (đạt 301%). Thời gian qua, với vai trò nòng cốt, Sở LĐ-TB&XH đã nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu về đào tạo nghề để các địa phương xây dựng triển khai các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ về việc làm. Trong đó, lồng ghép các chính sách tuyển dụng, thu hút lao động, thông tin thị trường lao động, đặc điểm và xu thế của thị trường lao động trong, ngoài nước, các thị trường lao động truyền thống, thị trường lao động mới và các chương trình xuất khẩu lao động…
Năm 2024, TP Hạ Long được giao chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm nhiều nhất tỉnh với 8.500 việc làm tăng thêm. Các phiên giao dịch của Sàn giao dịch chính và các Sàn giao dịch vệ tinh của Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh đã được nhiều người lao động tin tưởng tìm đến với hy vọng có được một công việc tốt, phù hợp với trình độ của bản thân.
Có mặt tại một phiên giao dịch cuối tháng 9 vừa qua, chị Lê Thị Lạc (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long), chia sẻ: Tôi nhận được thông tin về phiên giao dịch hôm nay có sự tham gia của 92 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đăng ký tuyển dụng trên 4.600 lao động. Ngoài ra, còn có hàng trăm doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc tham gia sàn trực tuyến. Xác định đây là cơ hội tìm việc rất tốt, nên tôi đến nộp hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp với doanh nghiệp. Tôi đã tìm được công việc phù hợp với mình trong lĩnh vực dịch vụ.
Ông Đồng Văn Lá, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Thương mại GaLa, cho biết: Lâu nay, các phiên giao dịch của Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh là một trong những kênh chủ yếu để chúng tôi tìm kiếm lao động. Doanh nghiệp của tôi đang có nhu cầu mở rộng quy mô nhà hàng nên cần tuyển dụng thêm lao động và có chủ trương ưu tiên các lao động bị ảnh hưởng mất việc sau cơn bão số 3.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại Sàn giao dịch việc làm định kỳ, TP Hạ Long đã tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển để tăng cơ hội giải quyết việc làm, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thành phố còn phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề khảo sát mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động dân tộc thiểu số trên địa bàn; chỉ đạo các trường nghề chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để phối hợp đào tạo nâng cao năng lực nghề cho người lao động, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập nghề; chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chủ động tự đào tạo nghề. Đến nay, TP Hạ Long đã tạo việc làm tăng thêm cho 7.000 lượt người lao động, đạt 82,3% kế hoạch tỉnh giao.
Ước 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 23,5 nghìn lượt lao động, đạt 78,3% kế hoạch năm 2024, tăng 1,8 nghìn lượt người so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 680 người, đạt 113,3% kế hoạch năm 2024. Toàn tỉnh cũng tổ chức 98 phiên sàn giao dịch việc làm định kỳ có kết nối online các địa phương trong tỉnh, 13 buổi sàn giao dịch việc làm online với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để gia tăng cơ hội tìm kiếm và duy trì việc làm bền vững cho người lao động.
Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh (Sở LĐ-TB&XH), nhấn mạnh: Trung tâm tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch trực tiếp và trực tuyến tại trụ sở trung tâm, các phiên giao dịch lưu động tại cấp xã, phường, qua đó cũng nắm bắt được nhu cầu lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan, đào tạo nâng cao kĩ năng nghề cho người lao động phù hợp với nhu cầu dịch chuyển ngành nghề và các nhu cầu việc làm mới; phối hợp chặt chẽ doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt nhu cầu, số lượng vị trí việc làm cần tuyển dụng, từ đó kết nối với các địa phương trong toàn quốc, đáp ứng lực lượng lao động cho doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn vị còn phân tích những xu hướng, thông tin về thị trường lao động để có những tham mưu giải pháp sát với thực tiễn.…
Giải quyết việc làm là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, cải thiện thu nhập, đời sống người dân. Trong nỗ lực tạo 30.000 việc làm tăng thêm cho người lao động năm 2024, tỉnh tiếp tục tập trung chủ yếu ở khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch. Ngoài ra, tiếp tục tạo cơ hội việc làm cho lao động trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi thông qua tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()