Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:42 (GMT +7)
Phân cấp nhiều hơn để Trung ương chủ đạo, địa phương chủ động
Thứ 3, 24/05/2022 | 22:24:24 [GMT +7] A A
Thảo luận tại tổ Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: "Nếu tất cả các tỉnh, thành phố đều đề xuất cơ chế chính sách đặc thù với cùng nội dung thì cần xem xét. Cũng cần phân cấp nhiều hơn để làm sao mang tính chủ đạo ở Trung ương và mang tính chủ động của địa phương".
Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự thảo luận tại tổ 4, gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ, Điện Biên, An Giang và Kon Tum.
Nhỏ nhưng ý nghĩa lớn
Nêu quan điểm về chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Phan Huỳnh Sơn (An Giang) cho rằng, trong số 11 chính sách có tới 8 chính sách nhiều tỉnh đều mong muốn.
Chẳng hạn như 4 cơ chế chính sách về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, trong đó có chính sách hỗ trợ về tài chính từ ngân sách Trung ương thì địa phương nào cũng muốn "hỗ trợ được đồng nào thì tốt đồng đó"; hay như cơ chế về quản lý quy hoạch phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đại biểu Phan Huỳnh Sơn nêu thực tế, thời gian qua, các địa phương phản ánh vướng mắc khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo trình tự phải qua nhiều bộ, ngành, rồi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất mất thời gian. Vì vậy việc điều chỉnh phân cấp cho địa phương thực hiện việc này sẽ tạo thuận lợi cho địa phương rất nhiều.
Đối với 2 chính sách về quản lý đất đai, đại biểu tỉnh An Giang cũng cho rằng việc ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng sẽ giúp địa phương chủ động đáp ứng được tình hình, nhiệm vụ chính trị đặt ra.
Tương tự, cơ chế về tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công cũng có nhiều địa phương mong muốn.
Từ đó, ông Sơn đề xuất 8 chính sách nằm trong cơ chế đặc thù mà nhiều tỉnh khác đều có mong muốn, Chính phủ, Quốc hội nên nghiên cứu, nếu không mang tính đặc thù thì nên áp dụng chung để tạo sự lan tỏa trong cả nước.
Chia sẻ với quan điểm của đại biểu Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng "điều này rất đáng suy nghĩ. 10 tỉnh xin cơ chế chính sách như vậy cả thì trở thành phổ biến rồi, không còn là đặc thù nữa rồi. Ví dụ như việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án; phân cấp về quản lý đất đai, diện tích đất rừng, diện tích đất lúa, phân cấp liên quan đến khu công nghiệp là những cơ chế chung".
Thủ tướng phát biểu: "Điều gì thực tiễn đặt ra mà chúng ta nhận thấy thì cần phải làm. Nếu tất cả các tỉnh, thành phố đều đề xuất cơ chế chính sách đặc thù với những nội dung này thì cần xem xét. Cũng cần phân cấp nhiều hơn để làm sao mang tính chủ đạo ở Trung ương và mang tính chủ động của địa phương".
"Nếu các địa phương khi đề xuất cơ chế đặc thù đều muốn điều này thì chúng ta phải suy nghĩ, Chính phủ, các cấp chính quyền đều phải suy nghĩ, đề xuất. Trên cơ sở đó các cấp thẩm quyền xem xét quyết định. Nhỏ nhưng ý nghĩa lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, "Chính phủ đang phân công nhau để quản lý từng lĩnh vực một, liên quan quản lý đất đai, quản lý nông nghiệp, quản lý rừng. Làm sao Trung ương thực hiện đúng quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dưng cơ chế chính sách, thể chế; tăng cường kiểm tra giám sát; phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm; theo dõi đôn đốc, kiểm tra, tổng kết đánh giá, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt".
Không để dự án đường Hồ Chí Minh bị cắt khúc nữa
Phát biểu về việc thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng qua 18 năm thực hiện nghị quyết triển khai dự án đường Hồ Chí Minh mà chúng ta vẫn chưa thông được toàn tuyến đường như mục tiêu đã đề ra, nên cần được phân tích, làm rõ rằng sự chậm trễ trong việc thực hiện dự án đã làm giảm bao nhiêu phần trăm hiệu quả dự án, hiệu lực đầu tư của nhà nước, ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước cũng như các địa phương, vùng miền mà dự án đi qua.
"Những thiệt hại này có thể định lượng được không, có biểu hiện của lãng phí không? Tôi nghĩ cơ quan chủ trì dự án cần có câu trả lời trước Quốc hội", đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Đại biểu tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kể cả phải sử dụng dự phòng để hoàn thành toàn bộ 171 km còn lại để thông tuyến vào năm 2025, không để dự án bị cắt khúc nữa.
Cũng theo đại biểu Tạ Thị Yên, các địa phương có dự án đi qua hiện đang thi công hay chuẩn bị thi công thì cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì dự án, sớm giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ, đồng thời quản lý tốt hành lang an toàn giao thông đường bộ..
Theo Baochinhphu.vn
- Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV - Thảo luận nhiều nội dung quan trọng
- Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm ban hành Luật về công tác dân tộc
- Lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật đất đai (sửa đổi)
- Đã xử lý được hơn 380 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42
- Ngày 24/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nhiều nội dung quan trọng
Liên kết website
Ý kiến ()