Tất cả chuyên mục

Đây là một trong những nội dung quan trọng được hầu hết các đại biểu (ĐB) nhấn mạnh trong phiên thảo luận tại tổ và hội trường, kỳ họp lần thứ 18, HĐND tỉnh khóa XII diễn ra hôm nay (10-12).
![]() |
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ Hạ Long-Hoành Bồ |
Đồng bộ, quyết liệt hơn các giải pháp phát triển kinh tế năm 2015
Tại phiên thảo tại luận tổ và hội trường, nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2015 đã thu hút được nhiều ý kiến tâm huyết.
Cụ thể, theo ĐB Vũ Ngọc Thân, Tổ ĐB Cô Tô khẳng định: Trong năm 2014, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và phát triển ngày càng bền vững hơn. Đó là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2015.
![]() |
ĐB Đỗ Thị Lan, Tổ Ba Chẽ tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Tuy nhiên, theo ĐB Vũ Ngọc Thân, nhìn một cách tổng thể thì trong năm 2014, một số ngành kinh tế của tỉnh như thủy sản, du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là do các phương tiện đánh bắt nhỏ, kỹ thuật khai thác chủ yếu dựa vào truyền thống; sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch còn ít và thấp…
Để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, ĐB Vũ Ngọc Thân đề nghị tỉnh cần có các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho ngư dân nâng cấp phương tiện, thiết bị đánh bắt, đồng thời có chế độ hỗ trợ để ngư dân tiếp cận với các công nghệ khai thác hiện đại. Đối với kinh tế du lịch, ĐB Vũ Ngọc Thân đề nghị, tỉnh tiếp tục có chính sách phù hợp hơn để đa dạng sản phẩm du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
Đồng quan điểm này, ĐB Hồ Văn Vịnh, Tổ TP Hạ Long cũng cho rằng, Quảng Ninh có nhiều lợi thế về thủy sản, do đó cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân đầu tư cả về bề rộng và chiều sâu với những bước đi phù hợp. ĐB Hồ Văn Vịnh cũng đề nghị, tỉnh cần tập trung phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhưng phải phát triển một cách chọn lọc, trong đó lấy việc đóng góp ngân sách, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động làm thước đo để có sự hỗ trợ, tạo điều kiện hợp lý trong việc thu hút các doanh nghiệp.
ĐB Nguyễn Thành Phố, Tổ TP Uông Bí thì cho rằng, ngành dịch vụ du lịch đã có chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế với mức tăng trưởng từ 38,9% năm 2013 lên 44,2% năm. Như vậy, chỉ trong 1 năm đã tăng được 5,3%, đây là mức tăng trưởng rất cao, điều đó chứng minh sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện của tỉnh là đúng hướng và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Do đó, trong năm 2015, để tiếp tục phát triển lĩnh vực này, tỉnh cần đề nghị Trung ương cho tái lập lại Sở Du lịch để có điều kiện xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế động lực về dịch vụ-du lịch.
ĐB Nguyễn Thành Phố cũng đề nghị tỉnh cần tập trung triển khai các nhiệm vụ chiến lược để tạo nền tảng động lực, trong đó, chú trọng huy động vào các vùng trọng tâm, nên ưu tiên vào các trọng điểm có nhiều lợi thế để dẫn dắt các vùng khác cùng phát triển; tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh chỉ đạo sản xuất thâm canh, sản xuất hàng hóa nông nghiệp…
Cũng liên quan đến các giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế năm 2015, ĐB Nguyễn Quang Điệp, Tổ TP Móng Cái cho rằng, những kết quả về chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2014 đã phản ánh đầy đủ, khách quan công tác điều hành của UBND tỉnh trên các mặt lĩnh vực. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Quang Điệp cũng cho rằng, trong năm 2014, còn một số chỉ tiêu chưa đạt như: Kim ngạch xuất nhập khẩu, lĩnh vực du lịch, chưa có nhiều khởi sắc; mức đầu tư cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, nên chưa có nhiều đột phá so với sự phát triển chung của tỉnh… ĐB Nguyễn Quang Điệp đề nghị, trong năm 2015, tỉnh cần phải có sự đầu tư cân đối hài hòa giữa các khu vực, để từ đó các địa phương có điều kiện bứt phá vươn lên.
ĐB Đỗ Thị Lan thì đề nghị cần có giải pháp quyết liệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa thông qua việc xây dựng một số cơ chế cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, từ đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động ở địa phương…
Xây dựng cơ chế phù hợp, hiệu quả hơn để đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới
Năm 2015, tỉnh đặt ra mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới (NTM), nên các giải pháp về giải ngân nguồn vốn thực hiện chương trình này được đông đảo ĐB quan tâm, nhất là những địa phương khu vực miền Đông của tỉnh.
ĐB Vi Thị Bích, Tổ Hải Hà chỉ ra rằng, bên cạnh những thành tích chung về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2014 đã tạo ra diện mạo mới trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thì thực tế đang diễn ra là tốc độ phát triển kinh tế, đời sống, thu nhập của dân cư ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của tỉnh còn nhiều khó khăn dẫn đến khoảng cách về đời sống vật chất, tinh thần giữa khu vực này với thành thị tiếp tục rộng hơn.
Một phần của nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là việc giải ngân chương trình xây dựng NTM trong năm qua đạt thấp. Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực vùng sâu, vùng xa, ĐB Vi Thị Bích đề nghị: Cần phải tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM với những bước đi hiệu quả hơn để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương sớm hoàn thiện các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho các thôn, bản khu vực đặc biệt khó khăn cả về xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ giống chất lượng cao đến hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
ĐB Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ Cẩm Phả thì khẳng định: Chính sách trong thực hiện chương trình xây dựng NTM là một vế quan trọng, nhưng vế không kém phần quan trọng nữa chính là sự vận hành ở cơ sở. Bởi nếu chỉ đổ do lỗi về cơ chế, chính sách thì vô hình dung “quả bóng” lại được đẩy về cấp trên.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn này thì trước hết, cán bộ ở cơ sở phải tiếp tục tự hoàn thiện về năng lực lãnh đạo, điều hành triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu, nhất là cần phải lựa chọn những xã điểm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Mặt khác, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có chính sách về đầu tư về sản xuất nông nghiệp tập trung, đồng thời, cơ cấu lại nguồn vốn thông qua việc giao cho cấp huyện chủ động đầu tư cho sản xuất nông nghiệp tập trung một cách có trọng tâm, trọng điểm. ĐB Đặng Huy Hậu cũng khẳng định, với việc xây dựng cơ chế vận hành tốt, năm 2015, chắc chắn việc giải ngân sẽ thực hiện được tốt hơn…
ĐB Đỗ Thị Lan, Tổ Ba Chẽ đề nghị, Trung ương, tỉnh có cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ trực tiếp cho vùng nghèo, hộ nghèo để tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững, thiết thực tham gia vào thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM. Về nguồn vốn năm 2015 để thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều ĐB đã cho rằng không nên giảm mà cần phải có lộ trình thực hiện.
Cụ thể, theo ĐB Phạm Văn Hoài, Tổ Tiên Yên đề nghị: Năm 2015, tỉnh cần bố trí tối thiểu 300 triệu đồng để hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Điều chỉnh hợp lý chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Tại các phiên thảo luận, các ĐB sôi nổi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017.
![]() |
Các ĐB Tổ Hạ Long-Hoành Bồ sôi nổi thảo luận về các vấn đề liên quan |
ĐB Lê Thị Bích Hường, Tổ Quảng Yên cho rằng: Về chính sách thu hút, Quảng Ninh đã có sự vượt trội, cao hơn hẳn so với các địa phương khác về mức hỗ trợ một lần cho các đối tượng thu hút. Còn về việc hỗ trợ nhà ở, nếu hỗ trợ tiền đất lên đến 4,5 tỷ là quá cao so với các địa phương khác, cần phải tính đến sự bền vững của chính sách. Do đó, nên phải bố trí một khu nhà công vụ, theo kiểu căn hộ chất lượng cao, hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà nếu các đối tượng thu hút không có nhu cầu ở nhà công vụ. Ngoài ra, độ tuổi thu hút nhân lực được đặt ra quá cao. Vậy nên sẽ không có lớp nhân lực kế cận chất lượng cao. Bởi, nguồn nhân lực chất lượng cao thu hút theo chính sách này chỉ có thể cống hiến khoảng vài năm.
ĐB Phạm Thị Thu Hà, Tổ Hạ Long bày tỏ rất đồng tình với dự thảo Nghị quyết này. Bởi những ưu đãi đặc biệt để thu hút đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao về công tác tại Trường Đại học Hạ Long trong những năm đầu thành lập là hết sức cần thiết và quan trọng, đặt nền tảng cho hoạt động đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, trong Dự thảo nghị quyết có đề cập đến việc thu hút 1 tiến sĩ Quản lý dịch vụ du lịch và lữ hành, 1 tiến sĩ Quản lý khách sạn, 1 tiến sĩ Quản lý dịch vụ nhà hàng và ăn uống.
ĐB Phạm Thị Thu Hà cho rằng, Nghị quyết không nên chỉ đích danh tiến sĩ các chuyên ngành này mà nên nghiên cứu để chuyển thành nhóm các chuyên ngành gần, phù hợp với các chuyên ngành trên, cùng thuộc khối ngành du lịch để Nghị quyết khả thi hơn, phù hợp với thực tế. Bởi, hiện nay, ở Việt Nam chưa có đào tạo tiến sĩ về các chuyên ngành trên. Còn đối với nguồn tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, cũng có thể có các chuyên ngành này nhưng số lượng rất ít và có thể chưa có học hàm. Như vậy, nguồn cung của chúng ta là khá hiếm và nếu có cũng sẽ khó thu hút.
Bên cạnh đó, ĐB Phạm Thị Thu Hà cũng cho rằng, cần phải sửa lại chính xác tên các mã ngành đào tạo của Trường Đại học Hạ Long. Chẳng hạn như: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, chứ không phải là cụm từ Quản lý như trong Dự thảo Nghị quyết ghi. Đối với nguồn lực tại chỗ là giảng viên của trường thì cần có chính sách khuyến khích riêng cho đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
Liên quan tới vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Huân, Tổ Đông Triều đề nghị không cần đưa việc xử lý các đối tượng thu hút về công tác tại Trường ĐH Hạ Long sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được thu hút vào Nghị quyết. Bởi hành vi đó đã vi phạm pháp luật. Còn về việc xử lý bồi hoàn kinh phí (tại mục b, xử phạt vi phạm chính sách) nên theo các mức 100%, 80%, 60%,30%. Trong đó, những năm đầu giảm 20% và năm cuối giảm 30%.
ĐB Vũ Liên Oanh, Tổ Cẩm Phả cũng cho rằng cần phải xây dựng lộ trình phù hợp, hiệu quả hơn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về Quảng Ninh công tác . Bởi thực tế hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho Trường Đại học Hạ Long của tỉnh chưa đáp ứng được, do đó quá trình thực hiện, rất cần những người có trình độ vừa cao vừa phù hợp với giảng dạy các chuyên ngành khi Trường Đại học Hạ Long đi vào hoạt động…
Tại các phiên thảo luận, các ĐB còn tích cực tham gia nhiều vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh khác, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội năm 2015 và những năm tiếp theo của tỉnh.
Quang Minh - Lưu Linh
Ý kiến ()