Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:37 (GMT +7)
Phác họa văn học Hàn Quốc đương đại
Thứ 2, 06/03/2023 | 22:22:27 [GMT +7] A A
Các tác giả đương đại Hàn Quốc đã có những thay đổi, khác biệt lớn trong phong cách sáng tác so với thời kỳ trước đó, đi sâu vào tâm thức con người và thực trạng xã hội.
Từ những năm 70, 80 của thế kỉ XX, đất nước Hàn Quốc đã có nhiều biến động về kinh tế - chính trị, tiêu biểu như kỳ tích phát triển kinh tế và phong trào dân chủ Gwangju - sự kiện được nhắc đến trong nhiều tác phẩm văn chương Hàn Quốc đương đại. Bối cảnh xã hội Hàn Quốc giai đoạn này được nhận định có điểm tương đồng với Nhật Bản những năm 1960, nhưng sự khác biệt trong văn hóa, tư tưởng truyền thống đã đem lại diện mạo văn học đương đại hoàn toàn khác biệt giữa hai đất nước cùng khu vực này.
Thế hệ nhà văn đương đại Hàn Quốc là thế hệ trưởng thành trong thời kỳ xã hội đầy hỗn loạn, họ tận mắt chứng kiến và sớm dự cảm những vấn đề bất ổn tiềm tàng sau đó. Nỗi đau thương từ quá khứ lịch sử khó có thể phai mờ, phương diện tinh thần của con người chưa được quan tâm tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế, cạnh tranh khốc liệt, những giá trị truyền thống tốt đẹp có nguy cơ biến mất trong xã hội hiện đại..., tất cả những điều đó đi vào văn chương đương đại Hàn Quốc tự nhiên như một trăn trở mang tính thời đại của các nhà văn.
Bên cạnh mảng màu dữ dội đó, văn học Hàn Quốc đương đại còn có mảng màu dịu êm là những tác phẩm viết cho tuổi thanh xuân rực rỡ tràn trề hy vọng, viết cho tình yêu, tình cảm gia đình ấm áp và viết cho những người phụ nữ tin tưởng vào tương lai tự do, tươi sáng... Nhiều tên tuổi của văn học đương đại Hàn Quốc đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả và giới phê bình quốc tế.
Trong vài năm trở lại đây, các tác giả và tác phẩm văn học Hàn Quốc đương đại đang dần nhận được nhiều sự chú ý tại Việt Nam, bởi những điểm gần gũi giữa hai nền văn hóa giúp độc giả Việt Nam dễ dàng tiếp nhận, thấu hiểu và đồng cảm.
Han Kang là nữ nhà văn Hàn Quốc được độc giả và giới phê bình quốc tế đặc biệt quan tâm sau khi đoạt giải thưởng danh giá Man Booker International năm 2016 với tác phẩm Người ăn chay. Sinh ra tại Gwangju, vùng đất diễn ra sự kiện lịch sử đau thương của Hàn Quốc vào năm 1980, Han Kang là chứng nhân của những bi kịch, bạo lực mà con người gây ra cho đồng loại. Ký ức đó đã ghi dấu ấn sâu đậm và trở thành cảm thức chung trong những sáng tác văn chương của bà. Han Kang đi sâu vào nội tâm của các nhân vật hay con người nói chung để thấu hiểu và phơi bày những nỗi đau nguyên sơ của họ. Những tổn thương tinh thần đó có thể đến từ cuộc sống của mỗi cá nhân hoặc đến từ kí ức bi thương trong lịch sử, và đau đớn hơn cả khi chúng được gây ra bởi chính bàn tay con người.
Dù bao trùm nhiều tác phẩm là mảng màu tối tăm với nỗi đau, bạo lực cả về thể xác và tinh thần nhưng Han Kang vẫn biết cân bằng lại với mảng màu sáng khi các nhân vật thể hiện tinh thần chống đối bạo lực và nỗ lực tái thiết cuộc đời. Có thể nói, văn chương của Han Kang là một thứ văn chương gây đau nhưng điều đó càng thôi thúc con người khao khát được cứu rỗi và đổi thay. Tại Việt Nam, Han Kang đã có các tác phẩm được chuyển ngữ và ra mắt độc giả như Người ăn chay, Bản chất của người, Trắng.
Không chỉ tiếp cận mảng màu dữ dội xoáy sâu vào bi kịch cuộc sống và nội tâm của con người hiện đại, văn học Hàn Quốc đương đại còn được biết đến rộng rãi với các tác phẩm viết về đề tài tình yêu, tình bạn, tuổi thanh xuân rực rỡ có buồn thương nhưng cũng tràn đầy lạc quan, hứa hẹn.
Có thể kể đến cái tên nổi bật Kim Ae Ran với Những tháng năm rực rỡ, Em thấy chúng ta trong một mùa hè đã xuất bản tại Việt Nam.
Gong Ji Young - nữ nhà văn nổi tiếng có nhiều tiểu thuyết ăn khách tại Hàn Quốc, thường viết về tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi mang hơi thở thời đại - có các tác phẩm đã ra mắt tại Việt Nam như Công thức nấu ăn tặng con gái, Cá thu, Chiếc thang cao màu xanh…
Viết về tình phụ tử cao cả, văn học đương đại Hàn Quốc có Cho Chang In với tiểu thuyết đầy cảm động Bố con cá gai. Nữ nhà văn Hwang Sun Mi gây chú ý với tiểu thuyết Cô gà mái sổng chuồng viết về những người phụ nữ muốn vươn lên thực hiện ước mơ tự do bình đẳng trong một xã hội nam quyền.
Ngoài ra, bắt nhịp theo làn sóng văn hóa, phim ảnh Hàn Quốc, văn học đương đại Hàn Quốc còn xuất hiện một số tiểu thuyết được chuyển thể từ các bộ phim nổi tiếng, thường được chấp bút bởi chính các biên kịch, đạo diễn của bộ phim. Các tác phẩm này thu hút lượng lớn độc giả đến từ chính nhóm khán giả yêu thích bộ phim, nổi bật có thể kể đến Lời hồi đáp 1994 và Lời hồi đáp 1997 chuyển thể từ hai bộ phim thành công cùng tên của biên kịch Lee Woo Jung. Đây có thể xem là những sản phẩm sáng tạo của văn hóa đại chúng Hàn Quốc đương đại.
Ở thời điểm hiện tại, văn học đương đại Hàn Quốc nổi bật lên hai cái tên tiêu biểu: Kim Young Ha và Shin Kyung Sook.
Kim Young Ha - người ngoài cuộc ghi chép những mảng tối của cuộc sống phù hoa - là một đại diện tiêu biểu cho thế hệ nhà văn đương đại Hàn Quốc với nhiều tác phẩm thành công trong nước và có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt như Tôi có quyền hủy hoại bản thân, Chơi Quiz show, Điều gì xảy ra - ai biết…, Anh đã trở về…
Kim Young Ha sinh năm 1968, có cha là quân nhân nên gia đình phải thường xuyên di chuyển chỗ ở. Vào năm 10 tuổi, ông bị mất toàn bộ ký ức tuổi thơ do ngộ độc khí than. Hoàn cảnh và biến cố đặc biệt đó đã ảnh hưởng lớn đến Kim Young Ha, tạo ra cho ông cảm thức của người ngoài cuộc, đứng ở vị trí người quan sát để nhìn nhận, ghi chép lại về cuộc sống xung quanh. Cảm thức này đi vào văn chương của ông, thể hiện rõ thông qua người kể chuyện trong các tác phẩm.
Nhân vật người kể chuyện ẩn danh “tôi” trong tiểu thuyết Tôi có quyền hủy hoại bản thân đã đóng vai trò ngoài cuộc như vậy khi ghi chép lại câu chuyện diễn ra trong cuộc sống của những người mà “tôi” hướng dẫn, giúp họ tự tử. Nguyên nhân khiến họ muốn tìm đến cái chết xuất phát từ những vấn đề hiện hữu trong xã hội đương đại. Văn chương của Kim Young Ha thường tập trung vào cá nhân, viết về những mảng tối của xã hội Hàn Quốc thịnh vượng, hiện đại.
Thực trạng xã hội có nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhưng thiếu quan tâm đến đời sống tinh thần của con người đã dẫn đến hệ lụy sản sinh ra một thế hệ bi quan. Họ là những con người cô đơn, u uất và tràn ngập nỗi bất an trong công việc, cuộc sống như những nhân vật bị tổn thương tinh thần sâu sắc phải tìm đến cái chết.
Các nhân vật của Kim Young Ha thường bị cô lập, không có mối liên hệ sâu sắc với mọi người xung quanh và phải tự đương đầu với áp lực cuộc sống trong nỗi trăn trở, vô vọng. Họ lang thang cô độc giữa phố thị đông đúc, bị nhồi nhét trong phương tiện giao thông, hay mắc kẹt trên mạng Internet. Kim Young Ha miêu tả tâm lí các nhân vật rất sắc sảo, phản ánh góc cạnh nỗi tuyệt vọng, đau đớn trong đơn độc của họ.
Bằng những thử nghiệm mới mẻ, sáng tạo, có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố kì ảo với chất liệu đời sống, Kim Young Ha đã lên tiếng nói đại diện cho thế hệ trẻ Hàn Quốc, thức tỉnh họ, giúp họ nhận chân những giá trị của cuộc sống trong thời đại kim tiền.
Shin Kyung Sook - người phụ nữ ấp ôm truyền thống giữa lòng hiện đại - là cái tên rất đỗi quen thuộc của văn học Hàn Quốc với độc giả Việt Nam trong những năm gần đây. Nữ nhà văn này sinh năm 1963, trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bà phải sớm tự thân bươn chải đủ mọi công việc. Điều này đã giúp bà tích lũy cho mình vốn sống sâu rộng, thấu hiểu cuộc đời và con người sâu sắc, để rồi chúng đi vào những trang văn cùng chất giọng phảng phất nỗi buồn từng trải và thấm thía tận tâm can.
Shin Kyung Sook nổi tiếng với những câu chuyện viết về gia đình, hình tượng người mẹ, người phụ nữ mà tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ. Nhân vật người mẹ trong tiểu thuyết này mang đậm hình ảnh của người mẹ Á Đông luôn tảo tần vì chồng con, tất bật vun vén cho gia đình mà quên đi ước mơ của cá nhân mình. Shin Kyung Sook lựa chọn đi sâu vào tâm thức của các nhân vật, lối kể chuyện đan xen giữa thực tại và dòng hồi ức thay vì trật tự thời gian tuyến tính thông thường đã chạm đến sâu thẳm trái tim độc giả.
Mỗi người đọc dường như đều thấy bóng dáng bản thân trong các tác phẩm của bà để rồi giật mình trước lời thức tỉnh “Hãy chăm sóc mẹ” và hãy gìn giữ những truyền thống tốt đẹp.
Ngoài Hãy chăm sóc mẹ, Shin Kyung Sook còn có những tác phẩm gợi nhắc về thời kì hỗn loạn, bi thương trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại, thời kì mà thế hệ trẻ - hay chính là thế hệ của bà và các nhà văn Hàn Quốc đương đại - trưởng thành trong hoang mang, đau đớn như Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi, Cô gái viết nỗi cô đơn. Những con người trẻ tuổi trong các tác phẩm này có đau thương, mất mát, cô đơn giữa biến động của thời cuộc nhưng họ cũng có ước mơ, ẩn chứa hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Có thể thấy, các tác giả đương đại Hàn Quốc đã có những thay đổi, khác biệt lớn trong phong cách sáng tác so với thời kì trước đó. Không còn những tác phẩm hô hào dễ dãi, các tác giả đương đại đã đào sâu vào tâm thức con người và thực trạng xã hội, soi chiếu lại lịch sử để thấy được gốc rễ, căn nguyên gây ra những bi kịch mang tính thời đại, dự cảm và cảnh tỉnh về nguy cơ mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp trước bối cảnh hiện đại hóa nhanh chóng. Phần khác, họ xoa dịu và chữa lành bằng những sáng tác mang hơi thở thanh xuân tươi sáng lạc quan, lan tỏa tình cảm yêu thương đến từ mọi mối quan hệ thuộc về con người.
Những tác giả thế hệ này đã thực hiện nhiều thử nghiệm, sáng tạo nghệ thuật được đánh giá cao. Những giải thưởng quốc tế lớn trong thời gian gần đây là sự ghi nhận xứng đáng dành cho những nỗ lực sáng tạo, vươn tầm của các nhà văn đương đại Hàn Quốc, hứa hẹn tương lai giàu thành tựu hơn cho nền văn học Hàn Quốc.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()