Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:23 (GMT +7)
"Núi Thiên Liêu có vị trí chiến lược trong trận địa của nhà Trần"
Thứ 7, 19/03/2022 | 10:22:31 [GMT +7] A A
Thiên Long Uyển là tên gọi dùng để chỉ khu vực nằm trong cụm núi đá vôi bên tả ngạn sông Bạch Đằng. Dưới thời Trần, nơi này gọi là Thiên Liêu sơn, thuộc trang Ma Liêu, nay thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX Đông Triều.
Trường Đại học Hạ Long được giao là đơn vị chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ KHCN “Nghiên cứu đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích”, thực hiện theo Quyết định số 2825/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh.
PGS.TS Vũ Văn Quân, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, là đồng chủ nhiệm đề tài. Nhân dịp đề tài được đánh giá nghiệm thu, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn với ông về quá trình thực hiện đề tài này.
- Thưa ông, mục tiêu chính mà đề tài của ông và cộng sự đã hướng tới là gì?
+ Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là thắng lợi vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử, đồng thời nó cũng có tầm vóc quốc tế vĩ đại. Một trong những định hướng nghiên cứu trọng tâm của chúng tôi là tìm hiểu vị trí hai vua Trần đặt đại bản doanh để lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị cho trận Bạch Đằng. Và vị trí Thiên Long Uyển ở núi Thiên Liêu được coi là đại bản doanh của 2 vua Trần trong Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Vấn đề của chúng ta là phải tìm ra các cứ liệu lịch sử, các tư liệu tri thức dân gian. Chúng ta phải làm rõ, xác minh tính xác thực của những tư liệu đó, xác thực được rằng chính Thiên Long Uyển là đại bản doanh để rồi tiếp tục xác định được vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển cũng như ngọn núi Thiên Liêu trong toàn bộ chiến dịch năm 1288. Trên cơ sở những nhận định đó, chúng ta sẽ đề xuất những giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích Thiên Long Uyển trong sự kết nối với hệ thống các di tích nhà Trần nói chung và các di tích có liên quan đến Bạch Đằng nói riêng ở Quảng Ninh cũng như các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương.
- Vậy chúng ta đã thu thập được những loại tài liệu cụ thể như thế nào?
+ Chúng tôi thu thập được 13 thần tích thần sắc, 30 bài nghiên cứu chuyên ngành, 10 công bố phát hiện mới về khảo cổ học, 2 luận văn tốt nghiệp và 8 bản đồ. Các tư liệu thần tích thần sắc cung cấp thêm tư liệu về việc thờ tự những người tham gia đóng góp công sức cho chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, được nhân dân ghi nhận và thờ tự. Vị trí thờ tự vì vậy đã cung cấp những gợi ý về phạm vi của chiến trường. Các thần tích thần sắc cho thấy việc thờ tự Trần Hưng Đạo và một số tướng lĩnh từ Trúc Động đến Tràng Kênh kéo sang Hà Nam nhưng lại ít gặp ở thượng nguồn.
Các truyền thuyết liên quan đến trận đánh, truyền thuyết liên quan đến việc Hưng Đạo Vương chỉ huy đánh quân Nguyên Mông xuất hiện đậm đặc ở Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Tràng Kênh (Hải Phòng), Yên Giang, Nam Hòa (Quảng Yên), vai trò vị trí của một số địa danh như Núi U Bò ở Tràng Kênh là đài quan sát chỉ huy của Trần Hưng Đạo, miếu Cu Linh là nơi đặt và phát pháo hiệu.
Liên quan đến cánh quân của các vua Trần có truyền thuyết ở Kiền Bái (Thủy Nguyên) cho biết, trận Bạch Đằng 1288 hai vua Trần đã dẫn quân vượt qua sông Kiền Bái đoạn sông Cấm chảy qua làng Kiền Bái. Truyền thuyết về việc vua Trần đóng đại bản doanh ở núi Dương Nham, Kinh Môn (Hải Dương) và Thiên Long Uyển trên núi Thiên Liêu (Đông Triều). Các truyền thuyết liên quan đến các vua Trần phân bố chủ yếu ở khu vực thượng nguồn và cho thấy sự thay đổi liên tục của các cánh quân này. Trong khi đó, ở khu vực hạ nguồn gắn liền với các hoạt động của Trần Hưng Đạo.
- Nhưng rõ ràng truyền thuyết cũng chỉ là để tham khảo, cần có những bằng chứng xác thực hơn, thưa ông?
+ Những công bố phát hiện mới về khảo cổ học đã cung cấp thêm những tư liệu có liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288, trong đó nổi bật là công bố kết quả điều tra thăm dò, khai quật, thám sát các bãi cọc, những phát hiện đơn lẻ hoặc thông tin việc phát hiện các cọc gỗ của người dân tại Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa, Điền Công, Sông Khoai (Quảng Ninh), Gia Đước, Áng Khinh, bờ trái sông Giá, Cao Quỳ, Đầm Thượng (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Hoành Sơn, bến Cầu Thủ (Kinh Môn, Hải Dương).
Các bài nghiên cứu chủ yếu xem xét khía cạnh phạm vi các trận địa cọc, đặc trưng kỹ thuật đóng cọc, địa hình, địa mạo, cảnh quan cửa biển Bạch Đằng tại thời điểm diễn ra trận đánh, diễn biến và cách bố phòng lực lượng của nhà Trần, ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên con nước... đối với trận đánh. Trên cơ sở đó, một số nghiên cứu đã đưa ra bản đồ về trận chiến.
Ngoài những nghiên cứu địa hình địa mạo và những biến đổi của tự nhiên, đặc biệt là sự đổi dòng và sự thay đổi địa hình của lưu vực sông Đá Bạc, sông Bạch Đằng, sông Chanh là rất quan trọng. Do đó, việc sưu tầm các bản đồ vẽ khu lưu vực sông Bạch Đằng cũng được nhóm nghiên cứu chú ý thực hiện.
Trong số các bản đồ đã sưu tầm được, đáng chú ý có bản đồ vẽ khu vực Thiên Long Uyển đến Tràng Kênh do người Pháp thực hiện năm 1884. Các thông tin địa hình được thể hiện trên bản đồ này có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc xem xét sự biến đổi địa hình và dòng chảy ở lưu vực Bạch Đằng trước khi có những tác động cải tạo ở khu vực Nam Triệu và những con đập được xây dựng ở khu thượng nguồn. Theo bản đồ này, thì cuối thế kỷ XIX, núi Thiên Liêu và các núi ở Yên Đức, Tràng Kênh giống như các đảo nổi giữa bãi triều và các dòng chảy.
- Bên cạnh Thiên Long Uyển, các di tích có liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã được điều tra khảo sát ra sao, thưa ông?
+ Kết quả điều tra ở Kinh Môn cho thấy, tại khu vực Dương Nham, khảo cổ học đã tìm thấy khá nhiều di vật có niên đại thời Trần gồm chủ yếu là đồ gốm men, đồ sành. Tại khu vực Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Liên Khê đã phát hiện các cọc gỗ có kích thước to, nhỏ khác nhau vào các năm 2019, 2020. Tại khu vực Đông Triều và Uông Bí đã tìm thấy 7 ma nhai (bia khắc trên đá núi tự nhiên) có nội dung chủ yếu ca ngợi cảnh sắc sông nước của núi Con Mèo, núi Thiên Liêu, trong đó có nhắc đến trận Bạch Đằng năm 1288. Có một ma nhai được cho là làm từ thời Trần.
Tại núi Thiên Liêu phát hiện hệ thống 8 hang, trong đó có nhiều di vật sành sứ, tiền đồng, gốm men thời Trần. Tại Hang Son phát hiện ma nhai Bão Phúc Nham là bút tích của thượng hoàng Trần Minh Tông. Cả Hang Son và Thiên Liêu đều là những thắng cảnh nơi các vua Trần từng đến thăm viếng. Tại khu vực Uông Bí, Quảng Yên, chúng tôi khảo sát và định vị các di tích Điền Công, Yên Giang, Vạn Muối, Trung Cốc, Đồng Má Ngựa, dọc sông Bạch Đằng, vị trí Cửa Hẹp...
Trên cơ sở tư liệu thu thập được kết hợp khảo sát, đề tài đã xây dựng bản đồ GIS vị trí các điểm di tích có liên quan hoặc nghi ngờ có liên quan đến trận Bạch Đằng 1288. Bản đồ xây dựng nhiều lớp thông tin, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến thông tin liên quan đến tính chất và các dấu vết di tích, di vật tiêu biểu hiện còn và các sử liệu liên quan. Ngoài ra, còn thấy được vị trí và vai trò của vùng đất lưu vực sông Đá Bạc, Bạch Đằng.
Bản đồ GIS còn được bổ sung các lớp thông tin liên quan đến di tích thời Đông Sơn và thời kỳ Bắc thuộc. Trên nền tảng của bản đồ GIS về di tích phát triển thành bản đồ đề xuất định hướng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Thiên Long Uyển kết nối tổng thể với các di tích - danh thắng liên quan khác.
- Còn các cuộc khai quật và nghiên cứu khảo cổ ở Thiên Long Uyển thì sao?
+ Để làm rõ tính chất và niên đại của di tích Thiên Long Uyển và các di tích trên khu vực núi Thiên Liêu cùng việc điều tra sâu ở cả vùng phụ cận, đề tài đã thực hiện 2 cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ trong các năm 2019, 2020. Tại điểm ma nhai Tam Bảo Địa năm 2019 phát hiện ở hố thứ 4 có dấu vết một khoảng sân rộng, lòng sân chứa đầy ngói và các di vật thời Trần. Dấu vết sân này nằm trong một tổ hợp công trình kiến trúc của thời Trần.
Tại ma nhai Tam Bảo Địa khai quật năm 2020 phát hiện nền móng của một công trình kiến trúc có diện tích và quy mô lớn nhất cũng như là mặt bằng xây dựng của nhiều công trình. Dưới thời Trần đã tồn tại một quần thể kiến trúc kết nối liên hoàn, bao gồm một công trình kiến trúc lớn ở giữa, hai bên có hành lang kết nối. Các di vật thời Trần cho thấy các kiến trúc này là chùa Sùng Nghiêm thời Trần được nhắc đến trong văn bia Tam Bảo Địa. Theo đó, kiến trúc trung tâm có thể là điện Nghiêm Tịnh. Như vậy, kết quả khai quật đã tìm thấy 2/3 công trình được nhắc đến trong bia Tam Bảo Địa.
- Những nghiên cứu đó đã cho phép ta có kết luận gì thưa ông?
+ Việc lựa chọn đường rút lui từ Vạn Kiếp theo sông Kinh Thầy đến Hoành Sơn, sông La xuôi về sông Đá Bạc rồi vào Bạch Đằng để từ đó ra biển của quân Nguyên phù hợp với kỳ vọng của nhà Trần. Sự thay đổi này đẩy núi Thiên Liêu trở thành vị trí chiến lược trong trận địa của nhà Trần.
Với các tư liệu và bằng chứng thu thập được đặt trong bối cảnh trận Bạch Đằng năm 1288 thì núi Thiên Liêu là vị trí lý tưởng để đặt cứ điểm. Từ núi Thiên Liêu, 2 vua Trần có thể quan sát và chỉ đạo toàn bộ chiến trận, bao quát được tuyến đường thủy từ Bạch Đằng đến Vạn Kiếp, đồng thời quan sát được tuyến đường bộ chạy dọc sườn dãy Yên Tử. Đóng quân trên núi Thiên Liêu có thể tiến thoái cả 2 đường thủy, bộ rất thuận lợi.
Nằm án ngữ trên con đường giao thông quan trọng từ cửa biển vào nội địa kết nối vùng biển Đông Bắc với Thăng Long, Thiên Long Uyển đã luôn nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng. Ngọn núi sát sông Đá Bạc là phần chạy dài của dãy Thiên Liêu được gọi là Đồn Sơn, nơi các nhà nước quân chủ đặt trạm kiểm soát là minh chứng cho thấy vị trí quan trọng của khu vực này. Việc tìm thấy hiện vật gốm men trong các hang động trên núi Thiên Liêu là tư liệu khảo cổ tin cậy minh chứng cho những truyền thuyết ghi chép về việc núi Thiên Liêu được sử dụng như một điểm cất giữ đồn trú quân.
- Cám ơn PGS.TS đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
- "Phải nghiên cứu chiến thắng Bạch Đằng 1288 trong một không gian tổng thể"
- "Vùng sông nước Bạch Đằng từng là một trung tâm thương mại sầm uất"
- Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử Bạch Đằng
- Nâng tầm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng
- Hội thảo quốc gia “Vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288”
- Tự hào về quê hương Bạch Đằng giang
- Từ câu chuyện Bạch Đằng…
- Báo cáo Sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ tại di tích Bạch Đằng
Liên kết website
Ý kiến ()