Thông tin vừa được Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline) phát ra. Theo đó, Pacific Airlines sẽ khai thác hàng ngày các đường bay giữa TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Chu Lai với tổng số 6-8 chuyến bay mỗi ngày. Giai đoạn cao điểm, hãng sẽ tăng cường các chuyến bay giữa TP HCM và Thanh Hóa, Vinh, Huế, Tuy Hòa.
Với lịch bay trên, hãng này ước tính sẽ cung ứng gần 1.000 chuyến bay, tương đương hơn 180.000 chỗ trong giai đoạn cao điểm du lịch. Doanh nghiệp sẽ đưa vào khai thác ba máy bay Airbus A321, trong đó hai chiếc có cấu hình 203 ghế (8 ghế thương gia, 195 ghế phổ thông) và một chiếc với 184 ghế (16 ghế thương gia, 168 ghế phổ thông).
Đại diện Pacific Airlines cho biết việc khôi phục hoạt động và các thay đổi trên là kết quả tích cực trong nỗ lực tái cơ cấu hãng, giúp hãng phục hồi nhanh chóng và phát triển ổn định. Tái cơ cấu là giải pháp hiệu quả giúp nhiều hãng hàng không trên thế giới vượt qua hậu quả của đại dịch Covid-19.
Lần trở lại này, hãng sẽ nâng cấp tiêu chuẩn, cung cấp dịch vụ hạng thương gia và phổ thông với tiêu chuẩn suất ăn, hành lý tương tự Vietnam Airlines. Hành khách cũng được phục vụ hệ thống giải trí và các dịch vụ trên không khác cùng với chính sách cộng dặm dành cho hội viên giống như Vietnam Airlines.
Trước đó, ngày 18/3, Pacific Airlines phải dừng bay sau khi trả hết tàu bay. Từ đó đến nay, hãng chỉ duy trì các hoạt động phục vụ mặt đất tại một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.
Trên website của Vietnam Airlines đã xuất hiện vé các chặng bay TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng của hãng Pacific Airlines, với giá thấp nhất từ gần 1,8 triệu đồng mỗi chiều (đã gồm thuế, phí). Còn với hạng thương gia từ 3,59 triệu đồng.
Pacific Airlines thành lập năm 1991, trải qua bốn lần tái cấu trúc. Ban đầu, cổ đông lớn nhất của hãng là Cục Hàng không dân dụng cùng 4 doanh nghiệp thành viên nắm đến gần 86,5% cổ phần. Năm 1993, Cục tái cơ cấu bộ phận khai thác thành Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và chuyển toàn bộ cổ phần tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines quản lý.
Đến năm 2006, Chính phủ lại giao Pacific Airlines cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau khi doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính này được thành lập. Sau đó một năm, SCIC bán 18% cổ phần hãng bay này cho Tập đoàn Qantas (Australia) và Pacific Airlines được đổi tên thành Jetstar Pacific, (thành viên của Jetstar Airways). Đồng thời, Jetstar Pacific được định hướng trở thành hãng bay giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam.
Năm 2012, hãng bay giá rẻ lại về một nhà với Vietnam Airlines sau khi nhận lại phần vốn của SCIC. Từ cuối năm 2020, hãng trở lại với tên gọi Pacfic Airlines sau khi chia tay cổ đông Qantas. Đồng thời, hệ thống đặt vé cũng được chuyển từ Navitaire sang Sabre chung với Vietnam Airlines.
Ý kiến ()