Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 10:08 (GMT +7)
OPEC+ khiến chiến lược áp trần giá dầu Nga trở nên rất rủi ro
Thứ 4, 19/10/2022 | 14:00:00 [GMT +7] A A
Ý tưởng áp trần giá dầu Nga lần đầu tiên được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra vào mùa xuân. Kể từ đó, ý tưởng này đã phát triển thành một kế hoạch toàn diện. Tuy nhiên, chiến lược này vừa trở nên rủi ro hơn.
Theo trang oilprice.com, đầu tháng này, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã gây xôn xao ở Mỹ khi đồng ý giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày (sản lượng thực tế giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày). Phần lớn sản lượng cắt giảm sẽ do Saudi Arabia, UAE và Kuwait thực hiện, có nghĩa là nguồn cung dầu vật sẽ bị thắt chặt trên toàn cầu.
Giá dầu tăng sau tin tức này nhưng nhanh chóng giảm xuống do lo ngại dai dẳng về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khả năng ngày càng tăng là một số nước tiêu thụ dầu lớn trải qua suy thoái.
Tại Washington, các cuộc thảo luận về áp trần giá dầu Nga vẫn tiếp tục, nhưng giờ đây, một số người trong chính quyền Tổng thống Joe Biden bắt đầu lo lắng rằng chiến lược này có thể phản tác dụng.
Bloomberg đã đưa tin về những lo lắng của một số quan chức Nhà Trắng vào tuần trước, nói rằng sau quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+, biến động trên thị trường dầu đã tăng lên rõ rệt và áp trần giá dầu thô Nga có thể dẫn đến tăng giá chứ không phải giảm giá.
Một nỗi sợ khác là Nga đang đưa ra lời cảnh báo rằng họ có thể chọn ngừng bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào đã áp dụng áp giá trần dầu của mình. Điều này chắc chắn sẽ làm cho giá dầu cao hơn. Ngân hàng UBS ước tính gần đây rằng giá dầu Brent có thể tăng lên 125 USD/thùng.
Giám đốc bộ phận hàng hóa của UBS Global Wealth Management, ông Dominic Schnider nói với CNBC: “Người Nga rất rõ ràng: Nếu các ông buộc chúng tôi chấp nhận mức trần giá, chúng tôi đơn giản là sẽ không bán dầu thô cho các ông”.
Theo ông Schnider, mức trần giá có thể khiến nguồn cung toàn cầu giảm thêm 1 triệu thùng/ngày, đẩy dầu thô lên trên 100 USD/thùng.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, bà Adrienne Watson, đã bác bỏ thông tin nói rằng một số người trong Nhà Trắng lo ngại nghiêm trọng về áp trần giá dầu Nga.
Bà nói rằng chính quyền Mỹ đang rất nỗ lực trong thực hiện áp trần giá dầu Nga với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ G-7 và các đối tác khác. Đó là cách hiệu quả nhất để đảm bảo rằng dầu tiếp tục chảy vào thị trường với giá thấp hơn và cung đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, rõ ràng ngay từ đầu rằng G7 không thể thực sự khiến chiến lược trần giá có hiệu quả, chủ yếu là vì họ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga rồi. Vì vậy, điều cần thiết là phải thuyết phục được những nước tiêu dùng như Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý với chiến lược mà việc này đến nay vẫn tỏ ra khó khăn.
Tờ The Hindu của Ấn Độ đã đăng một bài viết trong tháng này, trích lời bà Janet Yellen, nói rằng không có nỗ lực nào để thuyết phục các nước khác ngoài liên minh G7 - EU tham gia áp giá trần dầu Nga. Điều này xảy ra chỉ vài tháng sau khi bà Yellen công du ở châu Á, một phần để thuyết phục Ấn Độ và Trung Quốc tham gia chiến lược.
Ngoài mối nguy hiểm thực sự về các cú sốc nguồn cung tiếp theo, còn có những thách thức khác đối với chiến lược áp trần giá, trong đó có cả cách thức thực hiện chiến lược khi mà có hàng loạt cách để lách chiến lược đó.
Ông Ben McWilliams, nhà phân tích năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels nói với Euronews: “Sẽ rất lạc quan khi tin rằng áp trần giá có thể có tác dụng. Trong thực tế, tôi tin ngay cả các kiến trúc sư nghĩ ra kế hoạch này cũng không nghĩ rằng nó sẽ hiệu quả hoàn hảo”.
Tất cả những lo ngại này đã xuất hiện trước khi OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng. Với quyết định trên, những lo ngại ngày càng trở nên lớn hơn và nặng nề hơn. Trước đó, các nhà phân tích cảnh báo OPEC sẽ không quan tâm đến giới hạn giá dầu vì nó sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, có thể khiến họ trở thành mục tiêu bất cứ lúc nào khi Mỹ không hài lòng với các chính sách của họ.
Do đó, theo một cách nào đó, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ không chỉ là động thái kinh tế phủ đầu, mà còn là động thái chính trị phủ đầu nhằm thách thức việc thực thi áp trần giá dầu Nga.
Kết quả của động thái phủ đầu này là việc áp trần giá dầu Nga trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Có thể thấy các bên đã thảo luận trong một thời gian, mặc dù quan điểm chính thức của G7 là cần thống nhất áp trần giá càng sớm càng tốt. Hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()