Điều này trái ngược với những gì diễn ra trong 4 năm nhiệm kỳ của Donald Trump, khi thế giới hầu như không chứng kiến cuộc chiến quy mô lớn nào. Dù bối cảnh địa chính trị hiện nay rất khác so với vài năm trước, các chuyên gia cho rằng nó vẫn là yếu tố quan trọng để cử tri Mỹ xem xét khi bỏ phiếu.
Quan điểm của Tổng thống Biden về xung đột Israel - Hamas được cho là một trong những điểm gây lo ngại nhất. Ông chủ Nhà Trắng đến nay vẫn bảo vệ chiến dịch tấn công Dải Gaza của Israel để tiêu diệt Hamas.
Tổng thống Biden gần đây tăng chỉ trích Thủ tướng Netanyahu vì thương vong dân thường trong cuộc chiến và cố gắng vạch ra "lằn ranh đỏ" đối với Israel, nhưng Mỹ vẫn cản trở một số nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm kêu gọi chấm dứt giao tranh nhanh chóng.
Nhưng khi chiến sự Gaza kéo dài, cựu tổng thống Trump càng có thêm động lực quảng bá chính sách "Nước Mỹ trên hết" của mình trong cuộc đua vào Nhà Trắng, phá vỡ nền tảng ngoại giao rộng rãi mà Tổng thống Biden đã nỗ lực thiết lập trong suốt 4 năm nhiệm kỳ.
Ở châu Âu, bất đồng với Mỹ trong vấn đề Israel đã gia tăng, với việc một số quốc gia thậm chí còn chọc giận Tel Aviv bằng cách công nhận nhà nước Palestine.
Các trợ lý Nhà Trắng đến nay vẫn cố gắng giảm bớt rủi ro chính trị với Tổng thống Biden bằng cách nhấn mạnh vào những nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy một khuôn khổ hòa bình cho cuộc xung đột. Thực tế, phần lớn châu Âu đã công khai ủng hộ Mỹ trong việc đàm phán lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, coi đây là yếu tố tối quan trọng để giúp ổn định khu vực.
Trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào cuối tuần trước ở Italy, Mỹ đã thuyết phục được các lãnh đạo của nhóm ra tuyên bố tán thành dự thảo thỏa thuận ngừng bắn, phóng thích con tin ở Gaza.
G7 công khai thể hiện ủng hộ sau khi Tổng thống Biden tiết lộ đề nghị ngừng bắn do Israel đưa ra nhằm chứng minh rằng vẫn còn con đường thực tế giúp ngưng tiếng súng ở Gaza.
"Tất cả các lãnh đạo G7 mà chúng tôi đã tham vấn trước hội nghị ở Italy đều tập trung vào một mục tiêu tổng thể là đạt được lệnh ngừng bắn tại chỗ và đưa các con tin về nhà", cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói hôm 12/6. "Đó là thứ sẽ chấm dứt đau khổ".
Một quan chức Nhà Trắng cho hay quá trình thuyết phục G7 ủng hộ đề xuất ngừng bắn là khá dễ dàng. Trong khi đó, các quan chức châu Âu nói họ cảm thấy khó chịu khi Thủ tướng Netanyahu không công khai ủng hộ đề xuất này, dù phía Mỹ khẳng định ông đã thể hiện đồng tình riêng với họ.
"Chúng tôi không thất vọng với Mỹ", một quan chức Tây Âu nói. "Chúng tôi thất vọng hơn với chính quyền Netanyahu. Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn".
Dù vậy, Tổng thống Biden vẫn chưa thể trấn an các đồng minh vì mức độ liên quan đến cuộc xung đột của ông. Một số đồng minh của Tổng thống Biden bắt đầu lo lắng rằng điều đó có thể khiến ông thất thế trong cuộc bầu cử.
Heather Conley, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng những lo ngại và thất vọng hiện tại ở châu Âu đối với cách tiếp cận của Tổng thống Biden trong việc gây áp lực buộc Israel phải chấm dứt giao tranh phải được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, bao gồm cả Ukraine. Bà lập luận rằng chính việc thiếu hành động quyết đoán với các cuộc khủng hoảng đang gây ra rắc rối chính trị cho ông chủ Nhà Trắng.
"Một số người bắt đầu đặt câu hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng thể hiện vai trò lãnh đạo mang tính quyết định hay không", Conley, hiện là chủ tịch Quỹ German Marshall, trụ sở tại Washington, bình luận.
Tổng thống Biden suốt nhiều tháng đã phớt lờ những lời kêu gọi ông tăng sức ép với lãnh đạo Israel với tính toán rằng việc duy trì quan hệ với Thủ tướng Netanyahu sẽ mang lại cho Mỹ cơ hội tốt nhất trong việc định hình cuộc xung đột và đảm bảo một lệnh ngừng bắn.
Các đồng minh thân cận cho biết Tổng thống cũng nuôi dưỡng niềm tin mãnh liệt vào mối quan hệ đặc biệt giữa Israel và Mỹ, một nền tảng củng cố cam kết của ông đối với cuộc xung đột, ngay cả trong bối cảnh Thủ tướng Netanyahu ngày càng khó kiểm soát.
Dù vậy, nỗ lực theo đuổi một thỏa thuận ngừng bắn của Tổng thống Mỹ đến nay vẫn chưa có kết quả, làm tổn hại đến động lực ủng hộ trong nước, khi hàng loạt cử tri ngày càng tỏ ra không thể chịu đựng nổi trước những hình ảnh đau thương từ Gaza.
Trong các cuộc thăm dò gần đây, hầu hết cử tri đều nói rằng họ không tán thành cách Tổng thống Biden xử lý cuộc khủng hoảng. Đảng Dân chủ cũng lo ngại cuộc xung đột sẽ làm suy giảm tỷ lệ tán thành đối với Tổng thống trong nhóm cử tri trẻ tuổi và thiểu số, những nhóm ủng hộ rất quan trọng đối với ông chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Các đồng minh của Tổng thống Biden tại Mỹ, cũng như các nhà ngoại giao ở nước ngoài, giờ đây ngày càng coi lệnh ngừng bắn là chìa khóa để mở ra cánh cửa hướng tới kết thúc vĩnh viễn cuộc xung đột, đồng thời ngăn chặn cơ hội đắc cử của cựu tổng thống Trump, người có nguy cơ đe dọa mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh trên toàn thế giới.
"Chúng tôi thực sự mong muốn nó thành công", một quan chức cấp cao châu Âu nói, đề cập tới nỗ lực của Mỹ nhằm dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas.
Các quan chức chính quyền Biden đã bác bỏ những lo ngại về tác động từ cuộc xung đột đối với khả năng tái đắc cử của ông, chỉ ra rằng các cuộc thăm dò cho thấy nó không nằm trong số những ưu tiên hàng đầu đối với cử tri trước cuộc bầu cử. Họ lâu nay vẫn tin rằng sức mạnh chính trị của Biden liên tục bị đánh giá thấp, cả ở Mỹ và châu Âu.
Nhưng đây là vấn đề mà các lãnh đạo G7 theo dõi chặt chẽ ngay cả khi họ phải giải quyết hàng loạt vấn đề khác trong hội nghị thượng đỉnh ở Italy. Tổng thống Biden đầu tuần trước đã cử Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Đông, điều mà nhiều quan chức hy vọng là dấu hiệu của việc tăng cường các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Chính quyền Biden cho biết Hamas đã đáp lại đề xuất từ Israel bằng một đề nghị của riêng mình. Theo cố vấn an ninh quốc gia Sullivan, Nhà Trắng đang đánh giá phản ứng đó, dù ông cảnh báo một số điều khoản của Hamas khác biệt đáng kể so với những gì Israel yêu cầu.
Điều này có nghĩa các cuộc đàm phán ngừng bắn vừa mang hy vọng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro đối với ông chủ Nhà Trắng. Nếu thành công, nó sẽ tăng uy tín cho Tổng thống Biden, nhưng nếu thất bại, đây sẽ là một bước thụt lùi nghiêm trọng với ông trên đường đua Nhà Trắng.
Cả Mỹ và các đồng minh "đều đang hy vọng và cầu nguyện cho một thỏa thuận ngừng bắn", Charles Kupchan, cựu quan chức cấp cao thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu tổng thống Obama, nói. "Nhưng sức ép bên ngoài chỉ có ảnh hưởng hạn chế đối với cả Israel lẫn Hamas, như chúng ta đã thấy trong vài tháng qua".
Ý kiến ()