Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:55 (GMT +7)
Ông Nguyễn Văn Thơm cần gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết
Thứ 5, 08/07/2021 | 14:49:33 [GMT +7] A A
Vừa qua, Trung tâm Truyền thông tỉnh nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Thơm (trú khu Bùi Xá, phường Tân An, TX Quảng Yên) phản ánh liên quan đến việc tranh chấp đất đai với anh trai là ông Nguyễn Văn Kền.
Theo đơn trình bày, ông Thơm cho biết, vườn đất tại khu Bùi Xá, phường Tân An, do bố mẹ ông để lại có diện tích 1.640m2. Năm 1954, chú ông trước khi chuyển vào miền Nam sinh sống cũng để lại mảnh vườn diện tích 1.420m2. Trên mảnh đất của chú để lại ông xây dựng nhà ở từ năm 1965. Sau đó ông đi công tác, đến năm 1991 mới trở lại quê hương. Nhà, đất trên do mẹ ông sử dụng đến năm 1994 thì qua đời.
Theo ông Thơm, anh trai ông là ông Nguyễn Văn Kền đã chiếm, sử dụng hết cả hai thửa đất trên. Ông đã nói chuyện, thỏa thuận với anh trai, nhưng cả hai không thống nhất được hướng giải quyết. Ông yêu cầu anh trai phải trả cho ông 200 triệu đồng, nhưng anh trai chỉ cho con trai đến đưa cho ông 50 triệu đồng. Theo ông Thơm, hiện giá đất tại khu Bùi Xá tăng cao, mảnh đất của bố mẹ ông để lại có giá 25 triệu đồng/m2; mảnh đất của người chú để lại có giá 12 triệu đồng/m2. Hiện anh trai ông đã chia hết đất cho 8 người con, đều được cấp giấy CNQSDĐ.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có buổi trao đổi với luật sư Đặng Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty Luật TNHH LK & Cộng sự (TP Hạ Long). Theo luật sư, căn cứ vào những thông tin ông Thơm đã phản ánh, ông Thơm không nêu rõ là mẹ ông đã được cấp giấy CNQSDĐ hay có giấy tờ nào chứng minh về QSDĐ (theo Điều 100, Điều 101 Luật Đất đai 2013) nên chưa đủ cơ sở để xác nhận mẹ ông Thơm là chủ sử dụng của mảnh đất 1.640m2, từ đó chưa thể khẳng định được ông Thơm có quyền gì đối với thửa đất này hay không.
Trong trường hợp có đầy đủ các căn cứ chứng minh mẹ ông Thơm là chủ sử dụng mảnh đất 1.640m2, các đồng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản như nhau (do người mẹ mất không để lại di chúc).
Tương tự đối với 1.420m2 đất của người chú để lại, ông Thơm cũng không đưa ra các thông tin về nguồn gốc sử dụng đất và các giấy tờ chứng minh QSDĐ của người chú. Ông Thơm có đề cập đến việc, năm 1965 ông có làm nhà trên thửa đất mà chú ông cho, đến năm 1991 ông mới trở lại quê hương, nhưng lại không đề cập đến việc hiện nay ngôi nhà đó còn tồn tại không, ai đang sinh sống trên phần đất đó...
Ông Thơm cho rằng cả 2 thửa đất trên nay đã được ông Kền chia hết cho 8 người con của ông Kền và đều đã được cấp giấy CNQSDĐ. Trong trường hợp ông Thơm cho rằng việc 8 người cháu được cấp giấy CNQSDĐ là chưa đúng quy định pháp luật, căn cứ quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại, ông Thơm có thể làm đơn khiếu nại gửi đến UBND cấp huyện (là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy CNQSDĐ) để đề nghị xem xét. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác minh nguồn gốc đất, đồng thời làm rõ quy trình cấp giấy CNQSDĐ cho các cá nhân liên quan và có hướng dẫn phù hợp.
Trường hợp ông Thơm có tài liệu chứng minh ông có quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ các thửa đất nêu trên, nhưng cơ quan có thẩm quyền lại cấp giấy CNQSDĐ cho những người khác, thì căn cứ vào Điều 202 Luật Đất đai, ông Thơm có quyền làm đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai gửi lên UBND phường để được tổ chức hòa giải và tiến hành các thủ tục tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()