Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:36 (GMT +7)
"Con người Quảng Ninh hội tụ đặc trưng văn hóa nhiều vùng miền"
Thứ 2, 23/01/2023 | 08:41:46 [GMT +7] A A
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc". Con người Quảng Ninh với nhiều giá trị đặc trưng được hun đúc, hình thành qua nhiều thế hệ là "sức mạnh mềm" cho sự phát triển của tỉnh. Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh phỏng vấn ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, về vấn đề này.
- Là người sinh ra và lớn lên ở vùng biển Vân Đồn, nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian các làng Vạn Ninh, làng Ngọc Vừng, làng Vân, ông có nhận xét gì về tính cách con người vùng biển Quảng Ninh?
+ Xuất phát từ công việc hằng ngày, cư dân vùng biển Quảng Ninh sống rất vô tư, thoải mái, nghĩa tình gắn bó giữa người với người. Họ chăm chỉ làm ăn, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản.
Ngư dân nhiều nơi ở miền biển Quảng Ninh mang bản sắc của vùng Đồ Sơn, vùng Thanh - Nghệ. Phương ngữ của họ vẫn giữ được nét đặc trưng của giọng nói gốc gác cố hương. Họ sống rất gắn bó nhiều năm với biên cương Tổ quốc. Nhiều dòng họ đã xây từ đường ở đất mới, cất bốc mồ mả tổ tiên ở cố hương ra biển đảo thờ tự và coi đó là điểm tựa tinh thần cho cuộc sống hằng ngày phải đối diện với sóng gió.
Nói về đặc trưng con người Quảng Ninh, ít có sử liệu ghi chép cụ thể. Sách Đại Nam Nhất thống chí phần tỉnh Quảng Yên nói về phong tục chỉ vắn tắt về người Quảng Yên (gồm cả Quảng Ninh ngày nay): “Tục ưa mạnh tợn..., dân làm nghề đánh chài, đi buôn, mối lợi nhờ núi, biển”.
Xuất phát từ cuộc sống mưu sinh trên biển, từ quan hệ lao động mà người vùng biển ăn sóng, nói gió. Và có lẽ, Đại Nam Nhất thống chí cho rằng tính cách người Quảng Yên “ưa mạnh tợn” là vì như thế.
- Về văn hóa miền biển, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh đã hoàn thiện các công trình dân ca. Qua nghiên cứu, ông thấy tính cách con người thể hiện qua ca dao dân ca của vùng biển Quảng Ninh có gì khác với vùng khác?
+ Người miền biển Quảng Ninh phần lớn xuất phát từ người Kinh vùng ven biển miền Trung, gần hơn ra ngoài này là Đồ Sơn, Hải Phòng di dân sang theo con đường đánh cá. Vì thế, họ mang theo lời ca tiếng hát của mình ở cố hương đi theo. Tôi nhận ra rằng, hò chèo thuyền ở Quảng Ninh có lai với hò sông Mã do người gốc Thanh Hóa mang ra.
Tuy nhiên, dân ca miền Trung mang ra đây lại lai với hát đúm, hát giao duyên mềm mại của sóng nước Hạ Long. Hò biển trên Vịnh Hạ Long chậm rãi, mênh mang, tha thiết gợi cảnh, gợi tình, đúng là tiếng hò của tình yêu đôi lứa chứ không mạnh mẽ như hò biển miền Trung. Hát đúm vùng cửa biển Bạch Đằng lại có câu đưa đẩy, đưa hơi và chêm xen thể hiện lòng hiếu khách, thích quảng giao bạn hữu, trong đó có cả khát vọng hạnh phúc lứa đôi.
Tuy giai điệu những bài ca vẫn ảnh hưởng lớn, nhưng sự thể hiện động tác không mạnh mẽ như bản gốc. Mà đã là dân ca vùng biển là người vùng biển thì đều dễ hòa nhập và tiếp thu. Sự tiếp thu dễ dàng đến từ tính cách và hành động của người miền biển.
- Được biết, năm 2010, Hội đã xuất bản sách "Ca dao Vùng mỏ". Từ những bài ca dao tìm được, ông đánh giá thế nào về tính cách người công nhân mỏ Quảng Ninh thể hiện qua văn học dân gian?
+ Tôi thấy công nhân mỏ yêu thương, đoàn kết nhau, ý chí cách mạng cao. Công nhân mỏ có truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm". Từ trong áp bức, những công nhân mỏ đã đoàn kết thành một khối; tinh thần ấy đã được thử lửa qua cuộc Tổng đình công của hàng vạn công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh, tháng 11/1936.
Thực tế năm 1936 cũng vì thợ mỏ thương nhau mà đứng lên đấu tranh. Người ngành Than yêu thương nhau, đùm bọc nhau, sướng khổ có nhau, sống chết vì nhau để vượt qua mọi gian khó. Người thợ mỏ nói thẳng, ngắn, trung thực, giữ chữ tín...
- Bên cạnh văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, Quảng Ninh còn có văn hóa các dân tộc thiểu số. Ông đã nhiều năm nghiên cứu văn hóa vùng đồng bào biên giới, đã xuất bản sách “Người Dao Quảng Ninh”. Vậy theo ông, khí chất của đồng bào biên giới có gì đặc biệt đáng chú ý?
+ Khi di cư, người Dao thấy Quảng Ninh là nơi đất lành, yên ổn, rộng lớn nên ở lại sinh sống. Người Dao Quảng Ninh có 3 nhóm là Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán và có một phần Dao Lô Gang. Những đặc điểm về trang phục, phong tục tập quán cũng khác nhau. Tuy nhiên, có nét tính cách chung là sống rất thủy chung, tự hào về truyền thống dân tộc, hiếu thảo với cha mẹ.
Xuất phát từ đề tài nghiên cứu người Dao và những năm công tác trong lực lượng biên phòng, tôi nhận thấy đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ninh đa phần thích sống ở núi cao. Họ thích sống bản làng độc lập, ít va chạm, xung đột. Họ đi đến đâu thấy an cư và lạc nghiệp thì sẽ gắn bó máu thịt với vùng đất mà mình đang sống. Nếu có chiến tranh xảy ra thì họ sẽ đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương với niềm tự hào về vùng đất của mình.
- Nói gọn lại, theo ông, đặc điểm chung tính cách con người Quảng Ninh là gì?
+ Quảng Ninh là nơi hội tụ của rất nhiều người nơi khác đến làm ăn, sinh sống, lập nghiệp, mang đến sự kết hợp đa dạng văn hóa. Con người Quảng Ninh có sự kết hợp giữa văn hóa biển với những giá trị truyền thống, bản địa như hào sảng, lành mạnh, thân thiện với văn hoá công nhân mỏ hiền hậu, sáng tạo, văn minh, đoàn kết, kỷ luật, đồng tâm.
Sống gần biển nên con người Quảng Ninh hòa hợp thiên nhiên, phóng khoáng, ước mong cuộc sống bình yên, khát khao tình yêu, hạnh phúc, sống đoàn kết, thương yêu, trọng nghĩa tình. Người Quảng Ninh kính trọng thương yêu cha mẹ, ông bà, tôn vinh các bậc tiền bối có công khai hoang khẩn đất. Lễ mừng và rước cụ Thượng hằng năm ở khu vực Hà Nam, Quảng Yên; tục mặc quần đùi của phụ nữ Dao Thanh Y vì đi lấy thuốc cho mẹ chồng bị vấp ngã rách quần, là những dẫn chứng sinh động.
Cuộc sống nơi biên cương núi non hiểm trở, thường bị thiên nhiên đe dọa, giặc giã thổ phỉ, hải phỉ cướp bóc đã hình thành, tôi luyện người Quảng Ninh thành những con người cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên cường, mưu trí. Đất Quảng Ninh luôn có tác động xâm lấn của phương Bắc, nên người dân luôn được hun đúc lòng yêu nước sâu sắc, kiên quyết bảo vệ nơi mà họ đang sống.
Theo tôi, nếu căn cứ vào tính cách con người Quảng Ninh thì nên chia 5 vùng văn hóa. Đó là người Kinh thành thị; người Kinh ở nông thôn làm nông nghiệp; người vùng biển hải đảo và ven biển; văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi.
Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy xác định xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện. Chúng ta tiếp tục tập trung xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đặc trưng nói trên. Đồng thời, theo quan điểm của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, để đi đến sự thống nhất, chúng ta nên có một cuộc hội thảo khoa học nhận diện văn hóa con người Quảng Ninh về quá trình hình thành đặc trưng khí chất con người, các vùng văn hóa.
- Trân trọng cám ơn ông! Chúc ông năm mới có nhiều thành tựu mới!
Huỳnh Đăng (Thực hiện)
- Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh: Nỗ lực ở thành phố thủ phủ
- Xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện
- Xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Đông Triều: Xây dựng, phát triển các giá trị văn hóa
- Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trong tình hình mới
- Xây dựng con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới
- Phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trong CNVCLĐ
Liên kết website
Ý kiến ()