Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:16 (GMT +7)
Ông Hoàng Chính, Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên
Thứ 6, 20/10/2023 | 14:27:59 [GMT +7] A A
Trong vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tiên, ông Hoàng Chính đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng cho sự phát triển của tỉnh.
Ông Hoàng Chính (1922-1990) tên khai sinh là Nguyễn Hồng Chương, bí danh khác là Y Túy, sinh tại Nam Khê, Uông Bí. Ông tham gia cách mạng từ năm 1937 khi là công nhân mỏ Vàng Danh, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Theo lời kể của ông Nguyễn Danh Chấn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Yên (sách "Một thời chinh chiến" tập 2, do BLL những người kháng chiến Quảng Hồng xuất bản): Cuối tháng 8/1945, đồng chí Lê Liêm, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, giao trách nhiệm cho đồng chí Hoàng Chính tranh thủ thời cơ Nhật đầu hàng Đồng Minh, về lãnh đạo việc giành chính quyền tại tỉnh Quảng Yên. Tỉnh Quảng Yên lúc đó bao gồm các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, Đông Triều, Thủy Nguyên, Cát Bà, Cát Hải, Cẩm Phả.
Ngày 24/8/1945, một cuộc mít tinh có vũ trang lớn diễn ra tại tỉnh lỵ để chào mừng UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Yên ra mắt nhân dân. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, tập 2 (1945-955) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản năm 1993, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Yên lúc đó gồm có 5 người, do đồng chí Nguyễn Hồng Chương (tức Hoàng Chính) làm Chủ tịch.
Việc giành chính quyền ở Kiến An và Hải Phòng đều có vai trò lãnh đạo của đồng chí Hoàng Chính trong quá trình kết hợp giữa lực lượng của Việt Minh và lực lượng của Đệ tứ Chiến khu Đông Triều, do tướng Nguyễn Bình đứng đầu, cùng các cộng sự như Trần Cung, Hải Thanh, Sư Tuệ...
Ông Hoàng Chính có công xây dựng phong trào kháng chiến ở tỉnh Hải Ninh những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 7/1947 ông được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ Hải Ninh. Ông đã đề xuất và chỉ đạo 2 chiến dịch Đông Tiến I, Đông Tiến II (tiến ra miền Đông) phá "Xứ Nùng tự trị" của Voòng A Sáng do thực dân Pháp lập ra. Đoàn quân Đông Tiến do đồng chí Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách, đã tiến quân ra vùng Tiên Yên, Đầm Hà, Hà Cối, Bình Liêu, Móng Cái vũ trang tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng, tạo điều kiện cho chiến tranh du kích phát triển và làm bàn đạp tấn công vào khu mỏ.
Năm 1948 Trung ương Đảng triệu tập hội nghị cán bộ tại Chiến khu Việt Bắc, ông Hoàng Chính được Tỉnh ủy Hải Ninh cử đi họp, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã chỉ thị cho ông cách đánh phỉ và đánh Pháp. Thực hiện lời dặn của Bác, khi trở về ông đã tổ chức lại cách đánh của căn cứ Chi Lăng - Na Thuộc, liên tiếp giáng cho quân Pháp, quân Tưởng nhiều đòn đích đáng.
Ông đã chỉ đạo cuộc tập kích vào TX Móng Cái ngày 27/3/1949, tiêu diệt 120 tên địch, trong đó có 90 lính Âu Phi, buộc 200 lính ngụy đầu hàng. Ta thu 1 đại bác 37 ly, 32 súng bazoka, 5 đại liên, 8 súng cối, 800 súng trường, phá nhà tù giải thoát cho 300 cán bộ, tù nhân. Tháng 5/1949 ông được điều về Liên Khu ủy Việt Bắc.
Năm 1955 ông Hoàng Chính lại được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh. Ông đã tích cực lãnh đạo ổn định tình hình vùng mới giải phóng, phát triển sản xuất, làm cho Hải Ninh tự túc được lương thực trước khi hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng.
Ngày 30/10/1963, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa II đã thông qua tờ trình của Chính phủ hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Ông Hoàng Chính được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giai đoạn 1964-1969. Theo tư liệu của ông Hoàng Chính kể lại cho nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài, việc đặt tên tỉnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu HĐND hai nơi tự lựa chọn. Trong cuộc họp HĐND khu Hồng Quảng có đoàn đại biểu Hải Ninh tham dự, khá nhiều kiến nghị về tên tỉnh mới: Đông Bắc, Hải Quảng, Yên Quảng, Hồng Hải... Cuối cùng nhất trí chọn tên tỉnh là Hải Đông.
Tên gọi này khiến ông Hoàng Chính nhớ lại kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 3 năm trước khi Bác ra thăm Hải Ninh. Ngồi trên máy bay trực thăng, khi qua đảo Cái Bầu, nhìn xuống chỉ thấy mênh mông rừng ngập mặn, Bác đã giải thích: “Hải Ninh và Hồng Quảng núi sông biển trời liền một dải, An Quảng, Quảng Yên là đây, xa hơn nữa là An Bang, là Hải Đông, có đúng không chú Hoàn?”.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đáp: “Dạ thưa Bác, An Bang là thời Lê, Hải Đông là thời Trần...”. Bác nói thêm: “Thời Trần, Hải Đông lừng lẫy chiến thắng Bạch Đằng giang...”. Nghe Bác nói vậy, ông Hoàng Chính nhớ mãi cái tên Hải Đông. Lần này, ông đinh ninh tên tỉnh Hải Đông sẽ được Bác đồng ý.
Giữa tháng 9, về dự cuộc họp các Bí thư Tỉnh ủy, kết thúc cuộc họp, Bác dặn Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh ở lại ăn cơm. Người hỏi chuyện đặt tên tỉnh. Ông Hoàng Chính thưa lại tên gọi Hải Đông đã được HĐND nhất trí. Bác cười bảo: “Tên Hải Đông gợi nhớ thời Trần oanh liệt, nhưng thực chất nó có nghĩa chỉ vùng biển về phía Đông. Bác đã hỏi ý kiến nhiều đồng chí, Bác đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững. Ông cha ta đã chẳng từng đặt những tên An Bang, Ninh Hải, Hải Ninh, An Quảng, Quảng Yên đó sao? Chú thấy có được không?”. Lúc này, ông Hoàng Chính hiểu ra ý nghĩa sâu xa của hai chữ Quảng Ninh. Chỉ một cái tên tưởng đơn giản mà Bác đã suy nghĩ và gửi gắm vào đó bao điều!
Với cương vị là lãnh đạo tỉnh, ông Hoàng Chính còn nhiều lần được tháp tùng Bác Hồ khi Người về thăm Quảng Ninh. Ông Hoàng Chính đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()