Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 14:21 (GMT +7)
Ông Giang Trạch Dân đưa kinh tế Trung Quốc hội nhập thế giới ra sao?
Thứ 5, 01/12/2022 | 08:51:05 [GMT +7] A A
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân được xem là một trong những nhà lãnh đạo dẫn dắt Trung Quốc trong thời kỳ bùng nổ phát triển kinh tế.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân qua đời tại Thượng Hải lúc 12h13 chiều, ngày 30/11, hưởng thọ 96 tuổi.
Theo Nhân dân nhật báo, trong thư thông báo gửi tới "toàn Đảng, toàn quân và nhân dân Trung Quốc thuộc tất cả các dân tộc", ông Giang Trạch Dân được nhắc đến như một nhà lãnh đạo có uy tín cao, "một chính khách, một nhà chiến lược quân sự và một nhà ngoại giao lâu đời", đồng thời là "nòng cốt thế hệ lãnh đạo tập thể (collective leadership) thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là người sáng lập chính của lý thuyết Ba đại diện".
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cũng được xem là một trong những nhà lãnh đạo dẫn dắt Trung Quốc trong thời kỳ bùng nổ phát triển kinh tế.
Hành trình sự nghiệp
Theo Nhân dân nhật báo, ông Giang Trạch Dân sinh ngày 17/8/1926, quê ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô. Ông tham gia phong trào sinh viên từ năm 1943 và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 4/1946. Ông tốt nghiệp Khoa Máy điện của Đại học Giao thông Thượng Hải năm 1947. Thời đi học, ông được cho là một sinh viên đam mê ngoại ngữ.
Những năm sau đó, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ trong các nhà máy, cơ quan nhà nước phụ trách các ngành công nghiệp của Trung Quốc như điện, thực phẩm, ô tô. Ông từng kinh qua nhiều vai trò như phó kỹ sư, trưởng bộ phận công trình kiêm quản đốc xưởng điện, bí thư chi bộ kiêm phó giám đốc thứ nhất nhà máy thực phẩm tại Thượng Hải, phó giám đốc thứ nhất nhà máy xà phòng Thượng Hải, trưởng bộ phận máy điện của phòng thiết kế số 2 Thượng Hải thuộc Bộ Công nghiệp chế tạo máy số 1...
Năm 1951, ông Giang kết hôn với bà Vương Diệp Bình, một người cùng quê ở Dương Châu. Họ có hai con trai.
Ông là thực tập sinh tại Nhà máy ô tô Stalin ở Moskva năm 1955. Sau khi trở về Trung Quốc năm 1956, ông làm phó trưởng phòng cơ khí động lực, phó kỹ sư trưởng phụ trách cơ khí động lực của Nhà máy ô tô số 1 Trường Xuân và giám đốc phân xưởng điện của nhà máy.
Sau năm 1980, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quản lý Nhà nước về Xuất nhập khẩu và Ủy ban Quản lý Nhà nước về Đầu tư nước ngoài.
Sau năm 1985, ông giữ chức thị trưởng Thượng Hải kiêm Phó bí thư rồi Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Vị trí này đã đưa ông đến các sự kiện quan trọng, bao gồm cả tiệc chiêu đãi khi Nữ hoàng Anh Elizabeth đến thăm thành phố vào năm 1986.
Ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 vào tháng 9/1982.
Tháng 11/1987, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 6/1989, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sau đó, ông tiếp tục được bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến tháng 3/1993, ông được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tháng 3/1998, ông được bầu lại giữ hai chức vụ này.
Đưa kinh tế Trung Quốc hội nhập thế giới
Ông Giang giữ các vị trí lãnh đạo Trung Quốc trong một thập kỷ (1993-2003). Khi đưa tin về việc cựu Chủ tịch Trung Quốc qua đời, truyền thông quốc tế đề cập ông là người đã dẫn dắt Trung Quốc vào thị trường toàn cầu, trong thời kỳ nước này có sự phát triển kinh tế vượt bậc.
Theo South China Morning Post, thời gian cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân dẫn dắt, Trung Quốc đi từ chỗ phải đối mặt với nền kinh tế trì trệ, đầu tư nước ngoài cạn kiệt và các lệnh cấm vận, đã có vị thế cao hơn và nền kinh tế hội nhập sâu hơn với thế giới. Nhiều sự kiện nổi bật của Trung Quốc diễn ra trong giai đoạn này, bao gồm việc Anh chuyển giao lại Hong Kong năm 1997, Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, hay Bắc Kinh ứng cử thành công vai trò chủ nhà tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 2008.
Nhận được thông điệp từ những người ủng hộ về việc tìm kiếm sự thay đổi, ông Giang đã có những cải cách để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc hội nhập. Theo New York Times, ông thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp đón các giám đốc điều hành của các công ty đa quốc gia tại Bắc Kinh. Ông khuyến khích các liên doanh lớn giữa Trung Quốc và nước ngoài, giúp biến nước này thành nơi tập trung các công ty sản xuất dược phẩm, máy tính, ô tô và nhiều hơn nữa. Ông cũng hướng nhiều tỷ USD đầu tư nhà nước vào các thành phố ven biển phía đông, trong đó có Thượng Hải, tạo ra các đô thị gây ấn tượng với du khách.
Khi Trung Quốc trở thành thành viên WTO, khả năng của nước này trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu được gia tăng đáng kể, và về nguyên tắc, các doanh nghiệp nước ngoài cũng được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc "cất cánh" và đất nước này sản sinh ra những triệu phú đầu tiên, sau đó là tỷ phú.
Về ngoại giao, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cũng được đánh giá là đưa ra đường lối khéo léo giúp quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây được cải thiện. Với hơn 5 chuyến thăm Mỹ với tư cách là Chủ tịch Trung Quốc, vị trí mà ông nắm giữ từ năm 1993 đến 2003, mối quan hệ Mỹ - Trung tan băng đáng kể.
Về chính trị, một trong những thành tựu nổi bật của ông được cho là lý thuyết Ba đại diện. Theo SCMP, lý thuyết này đề cập đến việc Đảng đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất của Trung Quốc, định hướng của nền văn hóa tiên tiến Trung Quốc và lợi ích cơ bản của đại đa số người dân Trung Quốc. Ông cũng lần đầu tiên đưa các chủ doanh nghiệp tư nhân tham gia Đảng.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()