Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 02:42 (GMT +7)
“Ông đồ” thế kỷ XXI
Thứ 3, 13/02/2024 | 10:03:48 [GMT +7] A A
Nghệ thuật thư pháp và thú chơi chữ là một truyền thống đẹp của ông cha ta. Trải qua những thăng trầm, có lúc tưởng như đã mai một, nhiều năm gần đây, không chỉ dịp Tết Nguyên đán mà ở nhiều lễ hội, người ta dễ dàng bắt gặp những "ông đồ" bày mực tàu, giấy đỏ viết chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, vẽ tranh chữ… thu hút nhiều người trẻ.
Ngày Xuân, dịp Tết, để trang trí nhà cửa, cũng là để gửi gắm mong ước của mình, không ít người đã đi “xin chữ” đầu năm. Những chữ Hán có ý nghĩa về tài lộc, phúc thọ, may mắn, thịnh vượng, bình an… được ưa chuộng nhất. Trong tiết Xuân lất phất mưa bay, đứng dõi theo những nét bút của "ông đồ" lướt trên giấy dó, rồi run run cầm tờ giấy mỏng chờ nét chữ khô sau đó cẩn thận lồng khung…, tưởng như những điều may mắn, an khang, thịnh vượng ấy cũng đang cùng Xuân theo mình về nhà, giúp cho cả nhà một năm bình an, hạnh phúc.
Không chỉ dịp Tết, vào mùa thi, các sĩ tử thường đến đình, chùa thắp hương cầu may mắn và cũng không quên xin cho mình những chữ mang nghĩa đẹp như đỗ đạt, trí tuệ, cát, thành, minh trí, hiếu học, đăng khoa… Mỗi người xin chữ khác nhau nhưng dường như đều có điểm chung là để gửi gắm mong muốn, tâm nguyện của mình được thành công, đỗ đạt.
Những ngày đầu khai trương Phố đi bộ Bài Thơ (TP Hạ Long), bên cạnh sắc màu rực rỡ của đèn hoa, sự sôi động của những nhóm nhảy đường phố… thì ở trước cửa chùa Long Tiên, những “ông đồ” vẫn miệt mài viết chữ, xung quanh là những người yêu chữ. Nào là phúc, lộc, là tâm, đức, là bình an… hiện dần trên giấy dó mềm mại “như phượng múa, rồng bay”, sau đó được những người xin chữ trầm trồ, nâng niu, cất giữ cẩn thận.
Người "xin chữ" vui là thế, người "cho chữ" cũng nhiều cảm xúc không kém. Bởi ở thời xã hội số hiện đại này, vẫn có những người yêu nghệ thuật thư pháp, quý chữ, xin chữ, trọng thầy đồ thật đáng quý biết bao. Nhà thư pháp Lê Thiên Lý (TP Hải Phòng) là một trong những “ông đồ” tâm huyết với nghệ thuật thư pháp. Ông đã không quản ngại đường sá xa xôi đến không gian Phố đi bộ Bài Thơ biểu diễn và lan toả nghệ thuật thư pháp. “Không ngờ người Hạ Long yêu chữ, quý chữ như vậy. Có những lúc mấy thầy trò chúng tôi viết không kịp để tặng mọi người” - nhà thư pháp Lê Thiên Lý chia sẻ.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý cũng là thầy giáo đứng lớp tại Lớp thư pháp và chữ Hán Nôm mở miễn phí ở phường Cao Xanh (TP Hạ Long) cho các bạn trẻ yêu thích thư pháp. Cứ 2 buổi tối/tuần, ông đến dạy chữ, giảng nghĩa, hướng dẫn từng nét bút cho học trò. Học viên của lớp không đông, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng ai cũng đam mê, kiên trì, chăm chú. Thư pháp không chỉ là môn nghệ thuật viết chữ đẹp, mà còn là phương tiện để thể hiện tâm hồn, cảm xúc, sự sáng tạo của người viết. “Kính thầy, mến bạn, yêu chữ” là tâm niệm của thầy, trò trong lớp. Với thời gian học chưa lâu, nhưng học trò của lớp đã bắt đầu có thành tựu của riêng mình, đã có thể theo thầy đi cho chữ, tặng chữ mọi người.
“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” (Tác giả Vũ Đình Liên). Một mùa Xuân mới sắp tới, những “ông đồ” lại chuẩn bị bút nghiên, giấy mực đến các điểm thờ tự hoặc lễ hội, chợ xuân “có hẹn” với người yêu chữ. “Ông đồ” thế kỷ XXI giờ đây có nhiều người trẻ, người mặc áo the, đầu đội khăn xếp, cũng có người mặc comple, thắt cravat, một tay cầm bút lông, tay kia cầm điện thoại di động tra tìm chữ. Không viết được chữ Hán, chữ Nôm, “ông đồ” viết chữ Quốc ngữ, vẽ tranh, vừa “thư”, vừa “họa”… Quá khứ, tương lai, xưa cũ, hiện đại đan xen. Điều đáng quý là nét đẹp truyền thống, nghệ thuật thư pháp, thú chơi chữ vẫn được nhiều người trân trọng, lưu giữ và phát huy theo đúng ý nghĩa nhân văn của phong tục này.
Hoàng Nhi
Liên kết website
Ý kiến ()