Theo bài viết của New York Times, kế hoạch của ông Biden sẽ khiến thâm hụt ngân sách Mỹ lên 1,8 nghìn tỉ USD vào năm 2022. Mức thâm hụt lớn nhất trước đây là 1,4 nghìn tỉ USD, sau đợt cứu trợ kinh tế của Tổng thống Obama do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nợ công của Mỹ sẽ tăng lên 117% quy mô nền kinh tế vào năm 2031 và đến cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Biden vào năm 2024 sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử, vượt qua kỷ lục thời Thế chiến 2 trước đó.
Ông Biden hy vọng sẽ bù đắp cho việc tăng chi tiêu bằng cách tăng thuế, đặc biệt là đối với các tập đoàn và người Mỹ giàu có. Tuy nhiên, thuế suất doanh nghiệp tăng cao có thể bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế và chi phí việc làm, các nhóm ngành đã cảnh báo.
New York Times ủng hộ kế hoạch mở hầu bao của chính phủ ông Biden, ca ngợi “tham vọng của ông Biden trong việc sử dụng quyền lực của chính phủ để giúp nhiều người Mỹ đạt được cuộc sống tiện nghi của tầng lớp trung lưu và thúc đẩy ngành công nghiệp của Mỹ cạnh tranh tốt hơn trên toàn cầu”.
Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa có thể sẽ phản đối gay gắt. Thượng nghị sĩ Kentucky Rand Paul đã cảnh báo rằng việc vung tiền chi tiêu của ông Biden sẽ có “hậu quả sâu sắc”, do lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 12 năm.
Chính phủ liên bang đã chi 6 nghìn tỉ USD để giúp nền kinh tế tồn tại qua đại dịch COVID-19 và các dự luật về cơ sở hạ tầng và việc làm của ông Biden - cả hai hiện đang được lưỡng đảng đàm phán tại Quốc hội - có thể thêm 4 nghìn tỉ USD nữa vào chi tiêu của chính phủ. Nếu được thông qua, cả hai dự luật này có thể được chuyển vào ngân sách liên bang của chính quyền ông Biden.
Ý kiến ()