Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:25 (GMT +7)
Ổn định tỷ lệ sinh ở các vùng, miền
Thứ 6, 03/09/2021 | 08:05:32 [GMT +7] A A
Thời gian qua, ngành Dân số tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Qua đó, từng bước khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, ổn định tỷ lệ sinh ở các vùng, miền…
Trọng tâm của công tác dân số là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân theo từng nhóm đối tượng. Theo đó, các nhóm đối tượng được tập trung hướng đến và nội dung truyên truyền là: Kiến thức về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên, vị thành niên; người cao tuổi được tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nâng cao nhận thức về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết...
Mặc dù sinh con một bề đều là 2 con gái, điều kiện kinh tế khá giả, nhưng gia đình chị Hoàng Thị Kim Mai (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) không có ý định sinh thêm con thứ 3. Chị Mai chia sẻ: “Gia đình tôi không quan trọng con trai hay con gái, nên khi đã có 2 con gái chúng tôi cũng không có ý định sinh thêm con trai, mà tập trung chăm lo cho các con ăn học, nuôi dưỡng, chăm sóc tốt”.
Cũng nhờ hiệu quả của công tác tuyên truyền mà 90% người dân trên địa bàn tỉnh đã cơ bản nắm bắt được hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính khi sinh; 90% số cặp vợ, chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hiểu biết đầy đủ về hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh đối với việc kết hôn của con cái họ trong tương lai; 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn đã tìm hiểu và được tư vấn về giới tính.
Ngành Dân số tỉnh đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực từ mô hình nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình được triển khai tại 74 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. 74 xã, phường, thị trấn đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) về dân số và tổ chức sinh hoạt CLB 1 lần/quý theo chuyên đề về các nội dung, như: Sức khỏe sinh sản thanh niên, vị thành niên; lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân, các biện pháp tránh thai an toàn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết... Các hoạt động được tổ chức triển khai đạt hiệu quả, thu hút cộng đồng dân cư tham gia tích cực.
Trong 6 tháng năm 2021, ngành Dân số tỉnh đã tổ chức 1.003 buổi tư vấn lồng ghép tại các trạm y tế nhân ngày tiêm chủng mở rộng cho 18.508 lượt bà mẹ mang thai; sàng lọc trước sinh cho 8.647 bà mẹ mang thai, sàng lọc sơ sinh cho 3.583 trẻ em; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép khám sức khỏe định kỳ cho 64.319 người cao tuổi; hoạt động tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tại 13/13 địa phương của tỉnh; duy trì hoạt động thường xuyên của các CLB tiền hôn nhân tại 177/177 xã, phường, thị trấn,…
Công tác truyền thông giáo dục được đổi mới không chỉ về nội dung, mà còn chú trọng về hình thức, phương pháp, bằng nhiều loại hình, mô hình phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán của từng đối tượng, vùng, miền, hướng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế), công tác DS-KHHGĐ tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là chuyển đổi từ DS-KHHGĐ sang trọng tâm dân số và phát triển. Chi cục tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, quản lý và thực hiện có hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Đặc biệt, đẩy mạnh các dịch vụ xã hội hóa, trong đó thực hiện xã hội hóa các dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; xây dựng nội quy, quy chế xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số của cơ quan, đơn vị; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ y tế, dân số vi phạm chính sách dân số sinh con lần 3 trở lên.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()