Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:33 (GMT +7)
Ổn định nguồn nhân lực để nâng cao năng lực sản xuất than
Thứ 7, 02/03/2024 | 11:03:24 [GMT +7] A A
Để đáp ứng nhân lực phục vụ sản xuất, thời gian gần đây Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) triển khai nhiều chính sách thu hút và giữ chân người lao động. Trong đó, ưu tiên chính sách nâng cao chất lượng đào tạo thợ lò, tăng cường đãi ngộ giúp TKV từng bước ổn định nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh.
Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam có nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất cho các đơn vị trong TKV. Nhà trường có 11 phân hiệu, trung tâm, đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Thái Nguyên. Nhiệm vụ chính của trường là đào tạo các nghề mỏ hầm lò và các ngành nghề khác từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, cũng như liên kết đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động cho TKV và nhu cầu xã hội.
Hiện trường đang tổ chức đào tạo 48 ngành nghề. Năm 2023, trường phối hợp với doanh nghiệp và địa phương tuyển sinh được 5.762 học sinh học các nghề mỏ hầm lò, đạt 126% kế hoạch năm, tăng 30% so với năm 2022. Đây là năm có số tuyển sinh và học sinh tốt nghiệp cao nhất trong 5 năm gần đây.
Ông Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Hiện nhà trường đã ký quy chế phối hợp với 31 huyện, 9 tỉnh để cùng với địa phương làm công tác tuyên truyền, đưa lao động đi đào tạo và làm việc tại các đơn vị thuộc TKV. Nhờ xây dựng được "cầu nối" vững chắc từ chính quyền các địa phương trong công tác tuyên truyền thông tin đến nhân dân địa phương, công tác tuyển sinh nhà trường dễ dàng tiếp cận với nhiều lao động. Năm 2024, nhà trường lựa chọn chủ đề công tác: "Tiếp tục xây dựng thị trường đào tạo tuần hoàn", cung cấp nguồn thợ lò bền vững và thực hiện các tiêu chí “Doanh nghiệp vì người lao động”. Trường đặt mục tiêu phấn đấu tuyển sinh 4.983 học sinh hệ thợ lò cho TKV.
Để hoàn thành mục tiêu này, hệ thống tuyển sinh trường tiếp tục kết nối được trách nhiệm của doanh nghiệp với thị trường địa phương cấp huyện theo mô hình: Trường - Địa phương - Doanh nghiệp. Đồng thời, tái cấu trúc hiệu quả các phòng tuyển sinh tỉnh ngoài, phát huy tối đa hiệu quả tuyển sinh tại các huyện có ký quy chế phối hợp với nhà trường song song với đổi mới cơ chế quản lý, tiền lương đối với tuyển sinh tỉnh ngoài, góp phần thúc đẩy động lực làm việc của cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ tuyển sinh.
Cùng với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai chính sách đãi ngộ thu hút lao động nhất là nguồn lao động thợ lò. Điển hình là Công ty Than Thống Nhất có truyền thống sản xuất than hầm lò của TKV. Trung bình mỗi năm đơn vị cần tuyển mới 300-450 thợ lò. Số lao động này thay thế công nhân bỏ việc và nghỉ theo chế độ. Để tạo sức hút tuyển dụng lao động, đơn vị đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu. Năm 2023, đơn vị đầu tư 27,4 tỷ đồng hệ thống monoray kết hợp đầu tàu diesel phục vụ sản xuất trong hầm lò. Ngoài ra, đơn vị còn đưa vào sử dụng trạm phát điện diesel, cấp điện dự phòng cho các thiết bị khi nguồn điện lưới bị cắt.
Những dự án trọng điểm này đưa vào sử dụng giúp đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2023, tiền lương bình quân của người lao động Than Thống Nhất đạt hơn 17,8 triệu đồng/người/tháng, riêng tiền lương bình quân của thợ lò đạt 22,3 triệu đồng/người/tháng.
Để giúp công nhân ổn định chỗ ở, Công ty Than Thống Nhất đã bố trí 2 khu tập thể cho gần 700 công nhân độc thân. Đồng thời, xúc tiến hoàn thiện thủ tục xây thêm một khu nhà lưu trú ở khu Cẩm Thành dự kiến quy mô 7 tầng, 68 căn hộ (272 người), tổng mức đầu tư 73 tỷ đồng. Bằng nhiều giải pháp, trong năm 2023 Công ty Than Thống Nhất đã tuyển sinh được 470 người, tuyển dụng 417 người. Đơn vị phấn đấu tuyển sinh đầu vào năm 2024 ít nhất đạt mục tiêu 350 người.
Hiện TKV có 50 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn Quảng Ninh, có gần 80.000 công nhân, phần lớn là người ngoài tỉnh (hơn 51.000 công nhân). Vài năm trước, việc tuyển dụng lao động hầm lò luôn là bài toán khó đối với Tập đoàn. Thiếu lao động đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành. Song hiện nay, việc khai thác đúng thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo thợ lò, tăng cường đãi ngộ thỏa đáng đã giúp TKV từng bước ổn định nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh.
Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân cho biết: Để thu hút lao động, TKV tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao sức hấp dẫn nghề nghiệp, gồm tiền lương và các chính sách phúc lợi đối với người lao động. Các đơn vị thành viên của TKV đã dành nguồn lực lớn để cải thiện điều kiện làm việc, đi lại, vận chuyển cho thợ lò, nâng cao thời gian sản xuất hữu ích trong ca, giải phóng sức lao động cho công nhân, tạo điều kiện tối đa để người lao động nâng cao năng suất và tăng thu nhập. Năm 2023 tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 16,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,9% so với kế hoạch. Riêng các đơn vị khối sản xuất than hầm lò tiền lương bình quân đạt 19 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,6% so với kế hoạch năm. Trong năm 2023, TKV có trên 9.000 thợ lò đạt thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, chiếm khoảng 38% tổng số thợ lò (tăng 2.059 người so với năm 2022).
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()