Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:18 (GMT +7)
Ổn định lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế
Thứ 2, 10/01/2022 | 17:18:36 [GMT +7] A A
Với áp lực lạm phát trên toàn cầu hiện nay, giá các mặt hàng cơ bản đang tăng cao, tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Trong bối cảnh đó, duy trì mặt bằng lãi suất không thay đổi cũng là một áp lực rất lớn đối với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói riêng và toàn ngành ngân hàng nói chung.
Theo Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Chí Quang, tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế khá nặng nề, người dân và doanh nghiệp đều mong muốn tiếp cận được nguồn vay giá rẻ để duy trì sản xuất, kinh doanh. Do vậy, trong năm 2022, dựa trên các cân đối vĩ mô, nhất là diễn biến lạm phát, trong điều kiện cho phép, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều hành ổn định mặt bằng lãi suất và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, nỗ lực giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Duy trì mặt bằng ổn định
Theo Báo cáo vĩ mô và thị trường 2022 được Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra mới đây, các chuyên gia BVSC nhận định, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thực hiện cắt giảm lãi suất điều hành ba lần như trong năm 2020, nhưng sử dụng linh hoạt các biện pháp khác nhau để hỗ trợ cho thanh khoản thị trường ở trạng thái dồi dào, gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở, mua ngoại hối và bơm VND ra thị trường… Theo đó, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất lịch sử, trung bình năm 2021 giảm 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của năm 2020. "Lãi suất huy động thấp nhất lịch sử có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục tăng chậm lại. 10 tháng đầu năm chỉ tăng 3,08% trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây tăng hơn 10%. Hoàn toàn có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán", các chuyên gia BVSC phân tích.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú, sau ba lần cắt giảm mạnh lãi suất điều hành năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận vốn với chi phí thấp, có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Ðồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm đến mức thấp nhất các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ ngày 15/7/2021 đến 30/11/2021 cho thấy, tổng số tiền lãi giảm của 16 ngân hàng là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,7% so với cam kết. Trong số đó, Agribank tiếp tục dẫn đầu khi tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 5.176 tỷ đồng, đạt 90,8%; tổng số tiền lãi Vietcombank đã giảm cho khách hàng là 3.822 tỷ đồng, đạt 95,56%; BIDV tổng số tiền lãi ngân hàng này đã giảm cho khách hàng là 3.382 tỷ đồng, đạt 93,94%; VietinBank đã giảm cho khách hàng là 2.019 tỷ đồng, đạt 112,17% so với cam kết... Ngoài ra, bốn Ngân hàng thương mại nhà nước cũng tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giảm 10% lãi suất cho vay đang áp dụng để hỗ trợ các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với hàng loạt các giải pháp như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 đã tiếp tục giảm thêm 0,82%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (4,5%/năm).
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Mặt bằng lãi suất duy trì ổn định ở mức thấp đã góp phần tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2022 đang mở ra cho các ngành, lĩnh vực nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức mới. Theo nhận định từ các chuyên gia phân tích của BVSC: Năm 2022, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã, đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế. Ðiều này có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19. BVSC cũng đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25%-0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.
Áp lực tăng lãi suất từ diễn biến tài chính-tiền tệ quốc tế cũng được Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận kỹ. Theo dõi động thái của các nước trong năm 2021, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã quan sát thấy có 118 lượt tăng lãi suất và chỉ có sáu lượt giảm lãi suất. Phó Thống đốc Ðào Minh Tú nêu rõ: Ðộng thái chung cho thấy là các nước có xu hướng tăng lãi suất là chủ đạo và điều này cũng đang gây áp lực lên các quốc gia phát triển, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc duy trì lãi suất ổn định trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tăng hiện nay cũng là áp lực rất lớn. Tuy nhiên, mong mỏi của người dân và doanh nghiệp về việc giảm lãi suất cho vay là chính đáng cho nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nếu có thể.
Nhìn nhận về mục tiêu điều hành lãi suất năm 2022, chuyên gia kinh tế-TS Cấn Văn Lực cũng nhận định: Dư địa hạ lãi suất vẫn còn, nhưng không nhiều, khi mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm thấp và xu thế của thế giới đã bắt đầu tăng lãi suất cũng như dần thu hẹp các gói hỗ trợ. Ðó là chưa kể, áp lực lạm phát đang tăng lên, nợ xấu trong hệ thống tài chính-ngân hàng cũng là một thách thức lớn. Trong khi đó theo chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, năm 2022, không chỉ lãi suất mà nhiều vấn đề khác vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh. Theo đó, nếu dịch được kiểm soát tốt, kinh tế sớm phục hồi thì khả năng lãi suất sẽ tăng trở lại, nhưng mức tăng cũng không cao, khoảng từ 0,5% đến 1%. Ngược lại, ở kịch bản dịch diễn biến phức tạp hơn thì lãi suất sẽ có thể giảm từ khoảng 0,25% đến 0,5% để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. "Do đó, điều hành lãi suất sẽ là một thách thức, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp theo diễn biến thị trường và tình hình kinh tế vĩ mô", TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()