Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 02:29 (GMT +7)
Ổn định cuộc sống người dân sau khi thoát nghèo ở Đầm Hà
Thứ 5, 20/04/2023 | 09:23:06 [GMT +7] A A
Một thời, huyện Đầm Hà nằm trong top các huyện có đông hộ nghèo nhất trong tỉnh, thì nay tỷ lệ hộ nghèo cận nghèo trên địa bàn huyện còn rất thấp. Từ nhiều cách làm, Đầm Hà đã giúp người dân thoát nghèo bền vững và ổn định cuộc sống không tái nghèo.
Trước đây một thời công tác xóa nghèo ở nhiều xã của huyện Đầm Hà cứ chạy quanh như đèn cù, nghĩa là cứ xóa được số hộ nghèo này thì lại có một con số tương đương như thế tái nghèo và chuyện xóa nghèo ở Đầm Hà tưởng như không có hồi kết. Thế nhưng kể từ năm 2019 đến nay, hàng năm nhiều xã khó khăn một thời trên địa bàn huyện đã xóa hết hộ nghèo và không có hộ tái nghèo.
Năm 2021, số hộ nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn 143 hộ và 430 hộ cận nghèo, thì đến cuối năm 2022, Đầm Hà đã có 125 hộ thoát nghèo và 304 hộ thoát cận nghèo. Bước sang năm 2023 tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 0,16% (18 hộ), cận nghèo còn 1,13% (126 hộ).
Để người nghèo thoát nghèo bền vững và không bị tái nghèo, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, Đầm Hà đã nâng cao cơ sở vật chất đời sống cho các xã nghèo như bê tông hóa đường giao thông, xây dựng kênh mương để người dân phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở cho người nghèo... Đầm Hà không chỉ coi việc giúp người dân thoát nghèo là đã xong, mà còn giúp họ ổn định cuộc sống tránh tái nghèo. Người nghèo đã được trao “cần câu” để “câu cá”, thế nhưng khi họ câu được nhiều cá, thì nhiều tổ chức, ban ngành trên địa bàn huyện lại giúp họ tiêu thụ số “cá” của mình. Bởi thực tế, không phải ai trong số các hộ đã thoát nghèo cũng có các mối quan hệ rộng hoặc biết cách tiếp thị để tiêu thụ hàng hóa. Chỉ khi đã tiêu thụ được tốt sản phẩm mình làm ra, thì người dân mới hứng thú hăng say tái sản xuất.
Huyện Đầm Hà đã đề cao vai trò của các doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương. Như sản phẩm OCOP “Củ cải Đầm Hà” hàng năm thu hoạch hàng nghìn tấn được tiêu thụ tốt, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn hộ nông dân trồng củ cải trên địa bàn, trong số họ có nhiều người mới thoát nghèo, cận nghèo...
Năm 2019, Đầm Hà đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký cho sản phẩm “Gà bản Đầm Hà”. Hiện nay HTX Tuyền Hiền ở xã Quảng Tân (Đầm Hà) là đơn vị được chọn, sản xuất thành công giống gà bản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, cung cấp cho các hộ chăn nuôi toàn huyện. Trong khi Gà bản Đầm Hà là sản phẩm nổi tiếng của địa phương và khu vực miền Đông có thịt thơm ngon, thế nhưng nhiều năm trước người dân chăn nuôi luôn thường trực mối lo gà không tiêu thụ được. Lãnh đạo HTX Tuyền Hiền đã năng động đi tiếp thị sản phẩm gà bản ở các địa phương Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Hà Nội... và bao tiêu tất cả số gà thương phẩm hiện nay cho bà con trên địa bàn, giúp người chăn nuôi trên địa bàn không phải lo lắng khi đã có đầu ra cho sản phẩm gà ổn định.
Chúng tôi đến xã Tân Lập là xã đầu tiên trên địa bàn huyện thực hiện xã không có hộ nghèo từ năm 2018 và 3 năm gần đây Tân Lập cũng không còn cả hộ cận nghèo. Ngoài phát triển nông, lâm nghiệp, xã Tân Lập rất có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Năm 2022, sản lượng nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy sản của Tân Lập đạt 2.250 tấn. Hiện xã có 85 phương tiện đánh bắt thủy sản, 1.206 ô lồng nuôi hải sản, giá trị sản xuất ngư nghiệp trong năm qua đạt gần 180 tỷ đồng. Từ đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động khác của Tân Lập.
Anh Trần Văn Sinh, là người lao động ở thôn Tân Phú, xã Tân Lập cho hay: Mọi người trong xã chúng tôi đều lao động, thanh niên thì đi làm xa ở các khu công nghiệp Móng Cái, Hải Hà... Còn trên địa bàn xã, nhiều xưởng chế biến hàu, người làm thấp nhất cũng kiếm được 300.000 đồng/ngày, người làm giỏi kiếm gấp đôi gấp ba. Thậm chí ngay cả người già trên 65 tuổi vẫn có thể kiếm được từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày tại các xưởng chế biến hàu. Như vậy chẳng còn lý do gì để người Tân Lập nghèo cả.
Năm 2023, huyện Đầm Hà đã đưa kế hoạch giảm cả 18 hộ nghèo còn lại và duy trì không còn hộ tái nghèo, đồng thời giảm 99 hộ cận nghèo, đưa tổng số hộ cận nghèo xuống chỉ còn 0,89% vào cuối năm.
Công Thành (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()