Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:09 (GMT +7)
Omicron tàng hình BA.2 có gây bệnh nặng hơn chủng Omicron gốc?
Thứ 6, 11/03/2022 | 09:27:54 [GMT +7] A A
Theo chuyên gia của WHO, Omicron tàng hình BA.2 không gây bệnh nặng hơn chủng Omicron. BA.2 cần tiếp tục được các cơ quan y tế công giám sát như dòng phụ của Omicron.
Omicron tàng hình BA.2 là dòng phụ của Omicron, đang lây lan nhanh và chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia. Đây là biến chủng chiếm đa số trong các ca mắc mới ở nhiều nơi.
Omicron đã sinh ra 4 biến thể dòng phụ gồm BA.1, BA.2, BA.1.1.529 và BA.3. Tất cả chúng đều có sự tương đồng về mặt di truyền, nhưng mỗi loại đều có các đột biến có thể thay đổi cách chúng hoạt động. Tuy nhiên, biến thể phụ của Omicron đang được chú ý bởi tốc độ lây lan nhanh là biến thể tàng hình BA.2.
1. Omicron tàng hình là gì?
Omicron tàng hình là biến thể phụ của biến chủng Omicron gốc có tên gọi BA.2. Biến thể phụ này được phát hiện trong số các mẫu gene của virus corona SARS-CoV-2 thu thập tại Nam Phi, Australia và Canada hồi tháng 12/2021.
Omicron tàng hình BA.2 có nhiều đột biến tương đồng với biến thể Omicron tiêu chuẩn. Nó được gọi là biến chủng Omicron tàng hình bởi nó thiếu một thay đổi di truyền cụ thể vốn cho phép các xét nghiệm rRT-PCR có những chỉ dấu ban đầu.
2. Omicron tàng hình BA.2 lây truyền nhanh hơn biến chủng Omicron gốc
Omicron tàng hình BA.2 có khả năng lây lan cao hơn khoảng 30% so với biến thể Omicron gốc và có khả năng lây lan nhanh gấp 1,5 lần BA.1. Biến thể này đang có dấu hiệu áp đảo phiên bản gốc của Omicron ở nhiều nước trên thế giới.
Dữ liệu GISAID và Đại học Oxford do nhà virus học Trevor Bedford (Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson, Mỹ) chia sẻ cho thấy, biến chủng Omicron tàng hình được phát hiện ở tất cả bang của Mỹ, tỷ lệ chiếm khoảng 8-10%; chiếm 82% ca nhiễm ở Đan Mạch và 9% tại Anh. Tỷ lệ xuất hiện BA.2 trong số các nhiễm Omicron tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là 44,7%, trong khi ở châu Mỹ báo cáo khoảng 1%.
Tại Việt Nam, thông tin từ Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua sàng lọc ngẫu nhiên, TP.HCM phát hiện 64% mẫu dương tính với biến chủng tàng hình BA.2. Tại Hà Nội, Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã; trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron.
3. Omicron tàng hình gây ra các triệu chứng
Các nghiên cứu hiện tại cho thấy, biến chủng Omicron tàng hình vẫn gây các triệu chứng tương tự chủng gốc như ho, hắt hơi và đau họng. Song, một số phát hiện cho thấy những triệu chứng bổ sung ở người nhiễm chủng này là mệt mỏi, chóng mặt.
Ngoài ra, biến chủng phụ của Omicron cũng có thể dẫn đến các triệu chứng khác như sốt, ho khan, viêm họng, đau đầu, mỏi cơ, nhịp tim tăng.
Tại Anh, theo ứng dụng nghiên cứu ZOE Covid, cảm lạnh là triệu chứng được báo cáo nhiều nhất về biến chủng BA.2, đặc biệt là ở những người đã được tiêm phòng. F0 nhiễm BA.2 còn gặp phải triệu chứng liên quan đường ruột như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, ợ chua, đầy hơi.
4. Omicron tàng hình có gây bệnh nặng hơn không chủng Omicron gốc?
Hồi tháng 2, một số nghiên cứu của nhóm chuyên gia Nhật Bản cho thấy, Omicron tàng hình BA.2 có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với biến thể Omicron gốc. Điều đáng lo nhất ở BA.2 là những khối hợp bào sau này sẽ trở thành nhà máy sản xuất bản sao của virus. Delta đã từng cho thấy rất giỏi trong việc tạo ra hợp bào trong cơ thể vật chủ. Đây là nguyên nhân khiến virus tàn phá lá phổi người bệnh nhanh và nghiêm trọng.
Theo Zing, nhóm chuyên gia nghiên cứu cho chuột đồng nhiễm BA.2 và BA.1, những con bị nhiễm BA.2 sẽ bị ốm nặng hơn, chức năng phổi cũng suy kiệt mạnh hơn. Trong khi đó, các mô, phổi chuột lang bị nhiễm BA.2 cũng bị tổn thương nhiều hơn nhóm nhiễm BA.1.
Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu có sẵn về lây truyền, mức độ nghiêm trọng, tái nhiễm, chẩn đoán, điều trị và tác động của vaccine, nhóm chuyên gia của WHO khẳng định, BA.2 không gây bệnh nặng hơn Omicron. Đồng thời họ cũng nhấn mạnh, BA.2 cần tiếp tục được các cơ quan y tế công giám sát như dòng phụ của Omicron.
"Chúng tôi không nhận thấy sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của BA.1 so với BA.2. Vì vậy, độc lực liên quan nguy cơ nhập viện của chúng giống nhau. Điều này rất quan trọng bởi nhiều quốc gia có sự xuất hiện hàng loạt ca nhiễm BA.1, BA.2”, VietnamPlus dẫn lời Tiến sĩ Maria Van Kerkhove (Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO).
Bà Van Kerkhove nhấn mạnh, đánh giá này thực sự quan trọng vì tại nhiều quốc gia, số ca nhiễm BA.1 và BA.2 đều đã tăng lên đáng kể. Đây là kết quả đánh giá của một ủy ban chuyên gia phụ trách giám sát sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Kết luận của WHO sẽ giúp các quốc gia như Đan Mạch, Nam Phi, Vương Quốc Anh nơi BA.2 đang lây lan mạnh, có những biện pháp phản ứng phù hợp.
WHO nhấn mạnh sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ BA.2 như một phần của Omicron và yêu cầu các quốc gia liên tục cảnh giác, theo dõi cũng như phân tích so sánh các dòng phụ của biến chủng này.
5. Nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron là rất thấp
Tiến sỹ Suneet Singh (Giám đốc công ty CareHive Health, Mỹ) đã đề cập về khả năng tái nhiễm biến thể Omicron thấp trong cùng tháng với lần lây nhiễm đầu tiên. Vị này cho hay, phản ứng miễn dịch trong quá trình phục hồi là rất mạnh và giúp bảo vệ con người cực tốt trong những ngày đầu tiên sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ rất nhỏ các bệnh nhân bị tái nhiễm sớm tương tự như các căn bệnh hô hấp khác.
Bất kể là biến thể phụ BA.2 hay biến thể gốc BA.1, các nhà nghiên cứu đều chỉ ra rằng phần lớn các ca tái nhiễm có triệu chứng nhẹ là những người trẻ và chưa tiêm phòng COVID-19.
Giải thích về kết quả này, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết việc tái nhiễm biến thể phụ BA.2 hay biến thể gốc BA.1 đều có xu hướng xuất hiện nhiều ở những người trẻ chưa tiêm vaccine, điều này chứng tỏ các vaccine rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm so với việc chỉ nhiễm virus lần đầu.
Mặc dù mọi người đều có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron nhiều hơn một lần, các nhà khoa học cho rằng các ca tái nhiễm nhiều khả năng liên quan đến biến thể phụ BA.2 hơn là biến thể gốc BA.1. Bên cạnh đó, tải lượng virus trong các ca tái nhiễm biến thể BA.2 thường thấp hơn những ca lần đầu nhiễm biến thể gốc BA.1.
6. Biện pháp phòng Omicron tàng hình BA.2
Trước mối đe dọa toàn cầu từ BA.2, giới chuyên gia khuyến cáo vaccine vẫn là "vũ khí" hiệu quả nhất để ngăn chặn rủi ro bệnh nặng và tử vong.
Trong khi chờ đợi những nghiên cứu đầy đủ hơn, cũng như mong chờ về một loại vaccine mới chống lại Omicron, một số nước khuyến khích người dân tiêm mũi tăng cường để đạt mức kháng thể cao hơn trước những biến đổi không ngừng của virus SARS-CoV-2.
Ngoài việc tiêm vaccine, tất cả các biện pháp phòng ngừa khác như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, tránh không gian kín, hoặc tập trung đông đúc người… tất cả đều cần thiết để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Liên kết website
Ý kiến ()