Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:02 (GMT +7)
Ở Singapore, Covid-19 không đáng sợ với người tiêm đủ liều vaccine
Thứ 3, 09/11/2021 | 07:40:57 [GMT +7] A A
Từ khi Singapore quyết thay đổi chiến lược chống dịch và chấp nhận chung sống với Covid-19, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này liên tục gia tăng, lập kỷ lục hôm 27/10 với 5.324 trường hợp.
Tuy nhiên, bất chấp số ca mắc Covid-19 mỗi ngày tăng cao, việc có độ phủ vaccine rộng giúp tổn thất do dịch bệnh ở Singapore nằm trong tầm kiểm soát, giúp nước này có thể tiếp tục chung sống với Covid-19, theo Straits Times.
Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Singapore tăng mạnh trong 1 tháng qua. Ảnh: Channel News Asia. |
Theo thống kê của Straits Times, đại dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua không làm gia tăng tỷ lệ tử vong của người dân Singapore, nếu xét tổng thể giai đoạn 5 năm gần nhất.
Tính từ 2016 đến nay, tỷ lệ tử vong mỗi năm tại Singapore dao động 518-563 trường hợp trên 100.000 dân. Năm 2020 và 2021, con số này lần lượt là 518 và 530.
Số liệu tại Singapore (với độ chính xác đáng tin cậy) trái ngược với nhiều quốc gia khác đang chứng kiến tỷ lệ tử vong tăng mạnh do hệ thống y tế quá tải.
Tại Singapore, 5 tác nhân chính chiếm 78% số ca tử vong. Ba tác nhân nổi bật nhất là thiếu máu cơ tim, viêm phổi, và ung thư.
Trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, số người chết vì thiếu máu cơ tim ở Singapore tăng nhẹ. Điều bất thường ở chỗ dù Covid-19 khiến bệnh nhân tử vong vì viêm phổi cấp, số người chết vì viêm phổi giai đoạn 2020-2021 lại giảm mạnh tại Singapore.
Theo chuyên gia y tế, việc số ca tử vong vì viêm phổi giảm, trong khi người chết vì thiếu máu cơ tim tăng, có thể được lý giải bằng thuật ngữ "dịch chuyển tử vong".
Hiện tượng "dịch chuyển tử vong" xảy ra trong các cuộc khủng hoảng như đại dịch, nạn đói hay chiến tranh. Các cuộc khủng hoảng gây ra tác động tiêu cực cho những người dễ bị tổn thương nhất, như người già yếu hoặc mắc bệnh nền.
Virus SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất với những người mắc bệnh nền. Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý trên người bệnh, khiến họ bị suy tim và tử vong.
Một phụ nữ Singapore trình diện thẻ ID để làm xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, việc số người tử vong vì viêm phổi giảm trong đại dịch Covid-19 tưởng chừng như vô lý, bởi viêm phổi thường là tình trạng cuối cùng, trực tiếp dẫn đến cái chết của người nhiễm các loại virus gây bệnh đường hô hấp như SARS-CoV-2.
Tuy vậy, chuyên gia y tế cho biết số người chết vì viêm phổi giảm mạnh xuất phát từ thực tế các biện pháp y tế công cộng được triển khai mạnh mẽ trong thời gian đại dịch, như đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh cá nhân và giãn cách xã hội.
Các biện pháp nói trên giúp làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm các loại vi khuẩn và virus gây ra viêm đường hô hấp ngoài virus SARS-CoV-2, trong đó có cả virus cúm vốn khiến 4.000 người chết mỗi năm.
Năm 2021, hệ thống y tế Singapore ghi nhận số ca mắc cúm phải nhập viện thấp kỷ lục trong lịch sử. Người dân nước này cũng ít mắc các bệnh đường hô hấp hơn trước đại dịch.
Vì thế, trong khi Covid-19 dẫn tới nhiều ca tử vong liên quan tới viêm phổi, tổng số người chết vì viêm phổi thực tế lại giảm do các biện pháp an toàn y tế giúp người dân giảm phơi nhiễm các loại vi khuẩn và virus khác.
Covid-19 không đáng sợ với người tiêm đủ liều vaccineTrong 4 tuần qua, Singapore ghi nhận 300 ca tử vong vì mắc Covid-19. Dù số người nhiễm virus và tử vong do mắc Covid-19 đã tăng ở mức đáng báo động trong tháng qua, Singapore tiếp tục là một điểm sáng, với tỷ lệ tử vong trên tổng số ca lây nhiễm ở mức thấp.
Thực tế, dữ liệu thu thập được cho thấy số người đã tiêm đủ liều vaccine tử vong vì mắc Covid-19 duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với cúm, một căn bệnh con người đã chung sống từ lâu.
Tính từ 15/10, tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 ở người chưa tiêm đủ liều vaccine cao gấp 5 lần so với cúm. Trong khi đó, với nhóm đã tiêm ngừa đầy đủ, tỷ lệ tử vong chỉ bằng 50% so với cúm.
Dữ liệu khoa học nói trên là lý do Covid-19 hiện được gọi là "đại dịch với người chưa tiêm chủng".
Trong bối cảnh Singapore đã coi Covid-19 là một căn bệnh có thể chung sống, số ca lây nhiễm và tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa.
Singapore đã chấp nhận chung sống cùng Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Giới chức Singapore tuần qua cho biết khi Covid-19 đã đi vào ổn định, nước này có thể ghi nhận 2.000 người chết mỗi năm vì virus SARS-CoV-2. Hiện nay, Singapore mỗi năm có khoảng 800 người chết vì cúm và hơn 4.000 người chết vì viêm phổi.
Tuy nhiên, chuyên gia y tế cho rằng số người tử vong vì Covid-19 có thể được kiểm soát.
Tiêm chủng, kể cả mũi tăng cường, sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm, đồng thời giúp bệnh nhân mắc Covid-19 giảm nguy cơ diễn tiến nặng cũng như tử vong.
Việc duy trì lối sống lành mạnh, tránh các bệnh mạn tính giúp con người giảm nguy cơ mắc bệnh nặng khi không may nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuân thủ nghiêm các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân thường xuyên cũng có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm không chỉ virus SARS-CoV-2 mà còn cả các loại virus, vi khuẩn gây bệnh khác.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()