Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:01 (GMT +7)
Ô nhiễm không khí khiến 1.200 trẻ em ở châu Âu thiệt mạng mỗi năm
Thứ 2, 24/04/2023 | 15:35:43 [GMT +7] A A
Ô nhiễm không khí đã gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở những người dưới 18 tuổi trên khắp châu Âu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính sau này.
Đây là thông tin do Cơ quan môi trường EU đưa ra.
Theo đại diện Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) sau một nghiên cứu ở hơn 30 quốc gia, bao gồm cả 27 quốc gia nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), bất chấp những cải thiện gần đây, "mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều nước châu Âu vẫn cao hơn ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới" (WHO), đặc biệt là ở khu vực Trung Đông châu Âu và Itraly.
Báo cáo không đề cập đến các quốc gia công nghiệp lớn như Nga, Ukraine và Anh. Điều này cho thấy, tổng số người tử vong do ô nhiễm không khí ở lục địa này có thể còn cao hơn.
EEA đã công bố vào tháng 11/2022 rằng 238.000 người chết sớm vì ô nhiễm không khí vào năm 2020 tại EU, cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Ô nhiễm không khí gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở những người dưới 18 tuổi ở châu Âu và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh sau này trong cuộc đời", cơ quan này cho biết.
Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên tập trung đặc biệt vào trẻ em.
"Mặc dù số ca tử vong sớm ở nhóm tuổi này được coi là thấp so với tổng dân số châu Âu do EEA ước tính mỗi năm, nhưng những ca tử vong sớm trong cuộc đời cho thấy sự mất mát tiềm năng trong tương lai và đi kèm với gánh nặng đáng kể về bệnh mãn tính, cả trong thời thơ ấu và sau này trong cuộc sống", cơ quan này cho biết.
EEA kêu gọi các nhà chức trách tập trung vào việc cải thiện chất lượng không khí xung quanh các trường học và nhà trẻ, cũng như các cơ sở thể thao và trung tâm giao thông công cộng.
"Sau khi sinh, ô nhiễm không khí xung quanh làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe, bao gồm hen suyễn, giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và dị ứng", báo cáo lưu ý.
Chất lượng không khí kém cũng có thể "làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như hen suyễn, căn bệnh ảnh hưởng đến 9% trẻ em và thanh thiếu niên ở châu Âu, cũng như làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính sau này khi trưởng thành".
Theo số liệu công bố hôm 24/4, 97% dân số thành thị vào năm 2021 đã tiếp xúc với không khí không đáp ứng các khuyến nghị của WHO.
EEA vào năm 2022 đã nhấn mạnh rằng EU đang trên đà đạt được mục tiêu giảm 50% số ca tử vong sớm vào năm 2030 so với năm 2005.
Vào đầu những năm 1990, ô nhiễm bụi mịn đã gây ra gần 1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm ở 27 quốc gia EU. Con số này giảm xuống còn 431.000 vào năm 2005.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, gần bằng số ca tử vong do hút thuốc lá hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()