Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 11:52 (GMT +7)
Ổ dịch lan 15 thành phố: Biến chủng Delta thách thức Trung Quốc?
Thứ 6, 30/07/2021 | 14:11:47 [GMT +7] A A
Chiến lược “không khoan nhượng” từng giúp Trung Quốc dập tắt ổ dịch Vũ Hán, song biến chủng mới và hiệu quả vaccine thách thức việc nước này “trở lại bình thường”.
Một ổ dịch mới đang bùng phát ở sân bay thành phố Nam Kinh, miền Đông Trung Quốc. Số ca lây nhiễm mới tăng lên chóng mặt bất chấp hệ thống xét nghiệm quy mô lớn và kiểm dịch.
Theo SCMP, cụm dịch bùng phát từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh lây nhiễm cho hơn 200 người, trong đó có ít nhất 30 người ở 15 thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh và Tứ Xuyên.
Chiến lược không khoan nhượng
Kể từ khi bắt đầu đại dịch cuối năm 2019, đầu năm 2020, Trung Quốc thực hiện triệt để cách tiếp cận nghiêm ngặt để kiềm chế virus SARS-CoV-2, bằng cách đóng cửa toàn bộ các thành phố và kiểm soát biên giới.
Sau khi 12 người cuối cùng được xuất viện, ngày 26/4/2020, thành phố Vũ Hán - nơi đầu tiên phát hiện dịch ở Trung Quốc, không còn bệnh nhân mắc COVID-19 và tuyên bố hết dịch bệnh.
Trong khi một số khu vực thỉnh thoảng có những ổ dịch từ cả các ca lây nhiễm cộng đồng và những ca từ nước ngoài, các ổ dịch thường bị dập tắt chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần.
Chiến lược kiềm chế dịch thành công của Trung Quốc chủ yếu dựa trên các nỗ lực xét nghiệm và phong tỏa nghiêm ngặt, từ thành phố Vũ Hán hay mở rộng ra là cả tỉnh Hồ Bắc. Từ thời điểm đó, các biện pháp phong tỏa tuy đã thay đổi sang từng khu vực thay vì cả thành phố, nhưng duy trì mức độ giám sát nghiêm ngặt.
Thách thức từ biến chủng mới
Các quan chức tiếp tục làm điều tương tự với ổ dịch Nam Kinh, khi đưa 9,3 triệu cư dân vào trạng thái bán phong tỏa. Gần như tất cả các hoạt động thương mại và xã hội gặp mặt trực tiếp đều bị tạm dừng và các khu vực nguy cơ cao cũng tạm không hoạt động. Taxi không được rời thành phố, cư dân phải xét nghiệm hàng loạt.
Tuy nhiên, theo Zhang Wenhong trả lời trên ABC News, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thường được gọi là Anthony Fauci của Trung Quốc: “Ổ dịch Nam Kinh đã thử thách toàn quốc một cách căng thẳng và là cơ sở để suy nghĩ về những gì cần làm để phản ứng với đại dịch trong tương lai”.
Ông cảnh báo nếu ổ dịch này tồi tệ hơn đáng kể trong thời gian tới thì Trung Quốc sẽ cần đến các biện pháp quyết liệt hơn nữa. Nhưng bên cạnh đó, nước này cũng thực sự phải học cách “sống chung” với virus, ông thừa nhận.
“Sẽ luôn có nguy cơ ở phía trước, dù muốn hay không. Mỗi nước đều đang tìm câu trả lời riêng về việc sống với virus. Trung Quốc từng có câu trả lời đẹp đẽ, nhưng sau Nam Kinh, có thể thấy chúng tôi vẫn còn phải học nhiều”.
Sau một thời gian thực hiện chiến lược không khoan nhượng để chống dịch, Trung Quốc gặp bài toán khó trong việc phải tiến lên phía trước như thế nào để cân bằng giữa chống dịch và không để nền kinh tế sụp đổ, không "đóng băng" mọi hoạt động.
Mức độ nới lỏng các biện pháp chống dịch để dần mở cửa vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi, không chỉ với Trung Quốc.
Thành phố Vũ Hán đông đúc trở lại cuối năm 2020. Khoảng tháng 8, người ta đã thấy hình ảnh về bữa tiệc đông kín người, không ai đeo khẩu trang, và đương nhiên là không giãn cách xã hội.
Nhưng đến tháng 10/2020, dịch lại bùng ở thành phố Thanh Đảo, sau hơn 2 tháng Trung Quốc không có ca lây nhiễm cộng đồng nào, liên quan chủ yếu đến một bệnh viện.
Còn nhiều đợt dịch khác tương tự. Mỗi lần dịch bùng phát như vậy, các phương pháp thường được Trung Quốc áp dụng là xét nghiệm diện rộng, cách ly dài hạn và giám sát.
Nhưng có vẻ như vậy là chưa đủ. Hơn nữa, nhiều vấn đề bất cập xảy ra như khó xác định hết nguồn gốc các ca bệnh, các biện pháp an toàn phải thực hiện khắt khe, nhiều người dân không đến bệnh viện (xét nghiệm).
Ví dụ, tháng 5/2021, nước này cách chức 5 quan chức vì xao nhãng nhiệm vụ và để dịch bùng trở lại ở các tỉnh Liêu Ninh và An Huy. Những ổ dịch xuất hiện liên quan đến quy trình xử lý bệnh nhân có triệu chứng sốt của một số bệnh viện.
Trong ổ dịch mới ở Nam Kinh, nhiều câu hỏi cũng đặt ra liên quan đến việc các nhân viên phục vụ chuyến bay nội địa và quốc tế không được tách riêng theo quy định.
Rõ ràng, các biến chủng mới đặt ra thách thức lớn trong việc tiêu diệt tận gốc dịch bệnh và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.
Bài toán vaccine
Hơn một nửa dân số Trung Quốc đã được tiêm chủng vaccine COVID-19, nhưng họ cần tiêm chủng ít nhất 80% dân để có miễn dịch cộng đồng.
Ngoài ra, khi hiệu quả của các vaccine sản xuất tại Trung Quốc vẫn bị đặt dấu hỏi, cùng với việc chính Trung Quốc công bố trong một nghiên cứu rằng khả năng miễn dịch vaccine của họ có thể giảm sau 6 tháng, sẽ cần một năng lực sản xuất hoặc cung cấp vaccine rất lớn để đáp ứng nhu cầu của hơn 1,4 tỷ người.
Như vậy, việc thay đổi chiến lược “không khoan nhượng” chưa rõ có thực hiện an toàn được hay không.
Trong khi đó, các chiến lược hiện tại, với biến chủng Delta và ổ dịch Nam Kinh, có thể thấy không phải là những chiến lược bền vững nhất để Trung Quốc có thể theo đuổi trong một thời gian dài. Bằng chứng là mỗi khi trên thế giới ghi nhận sự xuất hiện của các biến chủng mới, Trung Quốc chưa khi nào hoàn toàn "đứng ngoài" làn sóng lây nhiễm.
Ổ dịch bùng phát tại sân bay Lukou, Nam Kinh, là nơi phần lớn nhân viên đã được tiêm vaccine. Các ca lây nhiễm liên quan đến ít nhất 13 thành phố, 7 tỉnh. Rất may chỉ có có vài ca nặng và chưa có ca tử vong nào.
Các chính phủ trên toàn thế giới cũng đang phải vật lộn với việc làm thế nào để duy trì nền kinh tế trước Delta, khi biến thể này có thể gây ra triệu chứng nặng với những người chưa được tiêm chủng và lây truyền cho ngay cả những người đã được tiêm chủng.
Các khu vực ở châu Âu mở cửa trở lại cho khách du lịch đã tiêm chủng nhưng khôi phục các biện pháp hạn chế trong nước. Singapore ban đầu cố gắng bước vào bối cảnh sống chung mới với đại dịch, nhưng nhanh chóng phải thay đổi khi dịch bệnh bùng phát tại các quán karaoke và một cảng cá lớn.
Các nước châu Á cũng đang phải trải qua một trong những đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay, chủ yếu liên quan đến biến thể Delta. Từ các trung tâm sản xuất vaccine như Ấn Độ, Hàn Quốc, đến những nơi kiểm soát tốt giai đoạn đầu đại dịch như Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan, đều lần lượt báo cáo số ca mắc mới cao phá vỡ các kỷ lục.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc trong tương lai gần có thể chưa thay đổi ngay chiến lược tiếp cận chống dịch COVID-19, nhưng sẽ xem xét đa dạng hóa nguồn vaccine, bên cạnh các vaccine nội mà nước này đang sử dụng. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc công nhận rằng chiến lược vaccine hiện tại cần phát triển và có thể thêm một số loại vaccine mRNA.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()