Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:27 (GMT +7)
Nước giàu tiêm vaccine chậm lại, thế giới sẽ có thảm họa COVID-19 mới
Thứ 4, 08/09/2021 | 11:05:29 [GMT +7] A A
Tiến trình tiêm vaccine ở các cường quốc phương Tây đình trệ sẽ làm suy giảm nỗ lực tiêm phòng toàn cầu, tạo điều kiện cho COVID-19 đột biến tạo ra các biến thể mới.
Đầu năm nay, chiến dịch tiêm phòng COVID-19 diễn ra tương đối khả quan ở các quốc gia phương Tây phát triển như Israel, Anh và Mỹ. Khởi đầu này đem lại hy vọng cho việc chấm dứt các biện pháp phong tỏa để trở lại cuộc sống bình thường, ít nhất là đối với những nước giàu.
Để dỡ bỏ các hạn chế chống dịch, cả Israel và Anh đều đặt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ cho khoảng 80-90% người dân. So với các quốc gia khác, tiến trình tiêm phòng COVID-19 ở Mỹ lạc quan hơn cả. Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ tiêm phòng hàng ngày của ba nước đều giảm.
Có nhiều lý do khiến tiến trình tiêm phòng bị chững lại: Do những người trẻ tuổi quá tự tin vào sức khỏe của mình, một bộ phận người ở vùng sâu vùng xa khó có khả năng tiếp cận công nghệ, nhiều người không tiêm vaccine vì e ngại thủ tục rườm rà. Nghiêm trọng hơn, một bộ phận công dân tại các quốc gia này thiếu lòng tin vào chính phủ của chính họ, tạo điều kiện cho thuyết âm mưu liên quan đến COVID-19 và thông tin sai lệch truyền đi trong cộng đồng.
Dù việc tiêm phòng đã được đẩy mạnh, số liệu thực tế cho thấy hầu hết các nước sẽ không đạt được mục tiêu tiêm phòng đủ cho 80-90% dân, vốn rất cấp thiết trong bối cảnh biến thể Delta đang hoành hành.
Nếu ngay cả chiến dịch tiêm vaccine của các cường quốc giàu có ở phương Tây cũng rơi vào khó khăn, vậy tiến trình tiêm phòng COVID-19 của cả thế giới sẽ bị kéo chậm lại. Việc này tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan, đột biến và khiến dịch bệnh ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn thêm nghiêm trọng.
Nói cách khác, việc các chiến dịch tiêm phòng COVID-19 ở nước giàu chậm lại ẩn chứa nguy cơ dẫn đến thảm họa COVID-19 toàn cầu mới.
Người dân bỏ cuộc
Đáng buồn là ngay tại các khu vực nội thành ở Vương quốc Anh, người dân vẫn còn gặp khó khăn khi đăng ký tiêm vaccine COVID-19.
Cụ thể hơn, thị trưởng Philip Glanville ở Hackney, London, cho biết các cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd tại đây có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp. Dù họ tin tưởng vào đội ngũ y tế, nhưng do việc đặt lịch khám và tiêm phòng phức tạp, nhiều người vẫn quyết định từ bỏ.
Ông Glanville lưu ý thêm, chính phủ Anh không cho phép chính quyền địa phương tự ra quyết định về cách triển khai việc tiêm phòng trong khu vực dựa trên đặc điểm về các cộng đồng sống ở đó. Do vậy, nhiều người cảm thấy thông điệp và các quy tắc chung của chính phủ “không rõ ràng”.
“Khi hoạt động với tư cách là một tình nguyện viên, tôi đã phải từ chối những người đưa thêm người thân lớn tuổi tới xin tiêm vaccine. Thực tế đáng buồn là, nếu người dân không rành về công nghệ, kỹ thuật, không hiểu rõ các quy tắc tiêm phòng hoặc bị từ chối, họ có thể sẽ bỏ cuộc", thị trưởng Glanville nói.
Chỉ trong vòng 2 tháng, tỷ lệ tiêm phòng ở Hackney đã giảm từ khoảng 1.000 liều/ngày xuống còn 100 liều/ngày.
Thuyết âm mưu COVID-19
Trong cộng đồng người da đen tại Anh xuất hiện thông tin sai sự thật rằng việc tiêm vaccine có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh sản.
Bắc Ireland cũng ghi nhận tỷ lệ tiêm phòng sụt giảm tương tự Hackney, bất chấp số ca bệnh COVID-19 vẫn tăng mạnh.
Theo ông Gabriel Scally, cựu quan chức y tế Bắc Ireland, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này một phần là do nhiều người dân không tin tưởng vào dịch vụ y tế.
Nguyên nhân thứ hai là do chính quyền Bắc Ireland chia thành hai đảng phái, gồm những người theo chủ nghĩa Cộng hòa (ủng hộ một Ireland thống nhất) và những người ủng hộ Bắc Ireland là một phần của Vương quốc Anh. Vì vậy, nội bộ khu vực này còn tồn tại nhiều nghi kỵ giữa hai bên, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Israel đã khiến cả thế giới thán phục trước tốc độ triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 nhanh chóng. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, chương trình tiêm phòng trẻ em ở quốc gia này đã bị đình trệ.
Bác sĩ Asher Salmon, giám đốc Vụ Quan hệ Quốc tế của Bộ Y tế Israel, phân tích nguyên nhân của sự đình trệ tiêm phòng này. Theo ông, là do các định kiến tồn tại trong từng cộng đồng ở Israel. Ông Salmon cho biết, trong cộng đồng các tín đồ tôn giáo dòng chính và Hasidic lưu truyền nhiều thuyết về vaccine COVID-19 dựa trên các thông tin sai lệch. Trong khi đó, cộng đồng người Bedouin thì mất lòng tin vào chính quyền Israel.
Một phận dân cư khác có ác cảm với vaccine vì cho rằng các công ty dược phẩm đang hưởng lợi từ việc đại dịch diễn biến xấu đi.
Chiến dịch tiêm phòng COVID-19 của Mỹ cũng gặp các vấn đề tương tự. Lượng lớn thông tin sai lệch được lan truyền rộng rãi và sự mất lòng tin của người dân vào chính quyền đã trở thành thách thức đối với các bác sĩ để thuyết phục bệnh nhân của họ tiêm vaccine COVID-19.
Ông Mark Horne, giám đốc y tế tại Trung tâm Y tế Khu vực Nam Trung bộ của Mississippi, cho biết ông thường xuyên phải đối phó với những bệnh nhân khó tính, đầy ngờ vực đối với khoa học y tế tiên tiến.
“Một trong những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường từng nói với tôi rằng anh ấy sẽ không tiêm vaccine vì nghi ngờ rằng đó là một âm mưu chính trị. Thậm chí những bệnh nhân quen thuộc mà tôi đã điều trị suốt 25 năm cũng nói rằng họ chỉ tin tưởng tôi chứ không tin vào vaccine hay khoa học”, giám đốc Horne nói.
Phản ứng toàn cầu với dịch COVID-19
Có một vấn đề chung tồn tại ở tất cả các quốc gia trên, đó là thái độ của người trẻ tuổi đối với việc tiêm phòng COVID-19. Giới trẻ các nước không phản đối việc tiêm vaccine, nhưng họ lại không ý thức được tầm quan trọng của việc này. Họ trì hoãn việc tiêm phòng vì nghĩ rằng COVID-19 chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi.
Theo giáo sư Melanie Leis tại đại học Imperial ở London, nhiều người trẻ nghĩ rằng họ có sức khỏe tốt và sẽ không có các triệu chứng nghiêm trọng nếu lỡ mắc COVID-19, trong khi việc tiêm vaccine lại tiềm ẩn các tác dụng phụ. Vì vậy, họ quyết định không mạo hiểm để tiêm vaccine.
Khảo sát của đại học Imperial với những người chưa tiêm phòng COVID-19 cho thấy, chỉ 4% trong nhóm người từ 40 tuổi lo ngại về tác dụng phụ của vaccine, trong khi con số này ở nhóm người từ 18 – 29 tuổi lên tới 10%.
Nghe qua thì những con số trên có vẻ không đáng kể, vậy tại sao việc này có thể thách thức phản ứng toàn cầu với dịch COVID-19?
Trước hết, những người trẻ tuổi có xu hướng tiếp xúc nhiều hơn với xã hội. Nếu họ không tiêm vaccine, virus sẽ có nhiều cơ hội lây lan trong cộng đồng.
Giáo sư Bharat Pankhania tại đại học Exeter cho biết, tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 càng lớn thì mối nguy về dịch bệnh trong cộng đồng càng nhỏ và ngược lại. Tỷ lệ tiêm phòng lý tưởng là 90% dân số của quốc gia. Nhưng nếu các nước chỉ đạt được ngưỡng 70%, họ sẽ phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát mới nhỏ lẻ. Tình trạng này không chỉ gây áp lực lên các hệ thống y tế, mà còn tạo cơ hội cho virus đột biến, dẫn đến dự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại mới.
Điểm yếu phòng dịch
Những đột biến và biến thể COVID-19 mới có nguy cơ làm suy yếu chiến dịch tiêm phòng, phá hoại nỗ lực phổ biến vaccine ở rất nhiều quốc gia.
"Mỗi khi một hạt virus mới được tạo ra, virus sẽ có cơ hội đột biến và củng cố sức đề kháng với các loại vaccine hiện có. Vì vậy, người không tiêm phòng COVID-19 không chỉ tự đặt mình vào nguy hiểm, mà còn tạo ra nguy cơ cho những người đã tiêm vaccine", ông Simon Clarke, chuyên gia về vi sinh vật học tại đại học Reading ở miền Nam nước Anh, cho biết.
Trên phạm vi toàn cầu, nguy cơ này có thể dẫn đến một viễn cảnh đáng sợ ở các quốc gia nghèo không đủ điều kiện để triển khai tiêm phòng rộng rãi. Do việc ngăn chặn virus xâm nhập qua biên giới các nước gần như là bất khả thi, vì vậy điểm yếu trong phòng dịch ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tạo nên vấn đề chung của mọi quốc gia.
Cuộc đua toàn cầu để tiêm phòng COVID-19 cho nhiều người nhất có thể, trước khi virus lây lan rộng hơn hoặc xuất hiện biến thể nguy hiểm mới, đang đi vào giai đoạn khó khăn. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều quốc gia phải vật lộn để thuyết phục người dân tiêm phòng trước mùa đông, thời điểm COVID-19 lây lan mạnh.
Tất cả những yếu tố trên đặt ra một vấn đề đáng báo động: Nếu ngay cả các nước phương Tây giàu có cũng không thể chiến thắng trong cuộc đua dập dịch COVID-19, vậy thì hy vọng nào giành cho các nước nghèo, nơi khan hiếm nguồn vaccine, cơ sở hạ tầng kém hơn và người dân ít được tiếp cận với thông tin đáng tin cậy?
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()