Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:26 (GMT +7)
Nước dừa tốt nhưng không được uống quá nhiều, đây là lý do
Thứ 7, 03/09/2022 | 07:30:59 [GMT +7] A A
Nước dừa có vị ngọt thanh và cảm giác mát lạnh, sảng khoái. Đồng thời, nó cũng chứa rất nhiều chất bổ dưỡng.
Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết nước dừa là một loại nước uống có tác dụng giải khát và cung cấp nhiều dinh dưỡng như đường tự nhiên, chất béo, axít amin, axit hữu cơ và các enzyme, các vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, vitamin C, chất béo, canxi, magie, photpho, kali, natri, selen, đồng, kẽm... tốt cho sức khỏe.
Với lượng nước và hàm lượng kali dồi dào, nước dừa giúp cân bằng điện giải, giúp cải thiện hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ miễn dịch và cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể. Vì vậy, nước dừa thường được dùng nhằm bổ sung nước và điện giải cho cơ thể trong trường hợp bài tiết mồ hôi quá nhiều, mất nước do sốt, tiêu chảy…
Theo y học cổ truyền, nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào tỳ, thận và vị; tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, chỉ huyết. Cùi dừa vị ngọt, tính bình; vào tỳ, thận và vị; tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi tiểu. Nước dừa trị say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc, suy nhược...
"Tuy nước dừa là loại đồ uống bổ dưỡng, cung cấp khoáng chất, các chất điện giải và tăng cường miễn dịch nhưng cũng không nên uống quá nhiều. Một người có thể uống khoảng 300-500ml mỗi ngày (1-2 quả)", TS Giang nói.
Lợi ích của nước dừa với sức khỏe của trẻ
Hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa
Với hàm lượng chất xơ cao, nước dừa là "người bạn tốt" với hệ tiêu hóa. Uống nhiều nước dừa giúp làm giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa hay trào ngược axit dạ dày ở trẻ.
Ngăn ngừa tình trạng mất nước
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), nước dừa luôn được xem như loại nước giải khát và bổ sung năng lượng được yêu thích nhất. Lượng natri, đường tự nhiên và kali trong nước dừa không chỉ có khả năng giữ nước, giảm tình trạng mất nước đáng kể (nhất là vào mùa hè nóng bức) mà còn giúp bổ sung năng lượng cho trẻ vận động tích cực.
Thúc đẩy quá trình phát triển xương
Bên cạnh natri hay kali, nước dừa còn rất giàu canxi. Bởi thế, uống nhiều nước dừa mang lại cho trẻ một khung xương chắc khỏe, phát triển tốt.
Giảm tình trạng chuột rút
Từ 6 đến 12 tuổi là thời điểm trẻ hiếu động, thích khám phá xung quanh và rất khó để chịu ngồi yên. Bởi thế, tình trạng trẻ bị chuột rút cũng rất thường xuyên xảy ra, nhất là ở trẻ ít chơi thể thao hoặc làm nóng cơ thể, khởi động chưa kỹ trước khi chơi. Do đó, cho trẻ uống nước dừa là cách cực kỳ hữu hiệu giúp trẻ ngăn ngừa các nguy cơ chuột rút và có một giấc ngủ ngon.
Những lưu ý khi cho trẻ uống nước dừa
Thời điểm uống tốt nhất là sáng và trưa
Để trẻ hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng, bố mẹ nên cho trẻ uống nước dừa vào buổi sáng hoặc buổi trưa. Riêng buổi tối, khi cơ thể trẻ đã mệt lả sau một ngày dài năng động, việc uống nhiều nước dừa sẽ khiến cơ thể bị lạnh, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nên uống với lượng vừa phải
Nước dừa rất tốt cho sức khỏe nhưng cũng không nên vì thế mà cho trẻ uống quá nhiều. Bởi lẽ, mọi chất dinh dưỡng cần được tiêu thụ ở hàm lượng khuyến nghị thì cơ thể mới đạt trạng thái tốt nhất.
Cụ thể, bố mẹ không nên cho trẻ uống thay nước lọc hay uống nhanh, uống nhiều 1 lần trước bữa ăn vì sẽ dễ làm con khó tiêu, đầy bụng. Và nếu bố mẹ cho trẻ uống mỗi ngày, cần lưu ý rằng chỉ nên cho uống một lượng nhỏ vừa phải.
Không uống khi nước dừa đã để bên ngoài quá 20 phút
Tốc độ sản sinh vi khuẩn của nước dừa tương đối nhanh, khoảng chừng 20 phút. Do đó, bố mẹ không cho trẻ uống nước dừa nếu đã để bên ngoài quá thời gian trên để tránh việc nước dừa thay đổi mùi vị và làm hệ tiêu hóa của trẻ yếu đi.
Dù nước dừa có tốt đến đâu cũng chỉ nên cho trẻ uống ở mức vừa phải và nên kết hợp cùng các loại nước khác như nước khoáng, sữa, nước ép…
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()