Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 19/01/2025 02:16 (GMT +7)
"Núi nợ" khổng lồ hậu COVID-19
Thứ 7, 28/08/2021 | 18:52:35 [GMT +7] A A
Gánh nặng nợ nần đang là thách thức lớn với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Suốt 2 năm qua, dịch bệnh đã càn quét nền kinh tế thế giới, khiến vô số công ty phá sản và hoạt động sản xuất bị đình trệ, và để đáp lại chính phủ các nước buộc phải tung ra nhiều gói cứu trợ. Mà để có tiền cứu trợ thì không thể chỉ đơn giản in tiền ra vì điều đó sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát.
Tại các nước phát triển như Mỹ hay Nhật Bản, gần như toàn bộ tiền vay là bằng đồng nội tệ dưới hình thức phát hành trái phiếu, vì vậy số nợ tuy cao nhưng vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên với các nước đang phát triển, tiền vay chủ yếu bằng ngoại tệ với lãi suất cao và thời gian trả nợ hạn chế.
Theo IMF, kể từ năm 2020 đến nay, các chính phủ đã chi một số tiền kỉ lục, khoảng 16.000 tỷ USD, để hạn chế thiệt hại do đại dịch COVID-19. Trong đó, mạnh tay nhất vẫn là các nước giàu, nhưng nhóm các nước đang phát triển cũng không kém phần nỗ lực. Năm ngoái, các nước đang phát triển đã chi ra gấp 18 lần so với giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Cùng với đó, dòng vốn FDI đến các nước đang phát triển lại giảm tới 42% trong năm 2020.
Một đặc thù với các nền kinh tế đang phát triển, đó là vay nợ nước ngoài nhiều. Khoản nợ bằng ngoại tệ của các nước đang phát triển hiện đã ở mức 8.600 tỷ USD trong năm ngoái.
Liên Hiệp Quốc dự báo, tính riêng năm ngoái và năm nay, nhóm nước đang phát triển sẽ phải thanh toán khoảng 2.600 - 3.400 tỷ USD nợ nước ngoài của mình. Và gánh nặng này sẽ còn tiếp tục kéo dài lên ngân sách các nước trong những năm tới.
Từ Châu Á đến Châu Phi, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ đã bắt đầu hiển hiện. Dư nợ bằng ngoại tệ của các nước đang phát triển vào cuối năm 2020 đã đạt con số kỷ lục 8.600 tỷ USD.
Khi các nước phát triển khôi phục tăng trưởng kinh tế từ giữa năm 2021 nhờ chiến dịch tiêm chủng, lãi suất huy động vốn trên thị trường toàn cầu cũng tăng theo, dẫn đến tiền trả lãi tăng mạnh.
Theo các nhà phân tích viện nghiên cứu Brooking, có đến 108 nền kinh tế đang phát triển nằm trong diện rủi ro tài chính cao. Những nước này chiếm hơn một nửa tổng số nợ phải trả trong giai đoạn 2021-2022.
"Nhiều nước phải vay nợ để đối phó với COVID-19, qua đó đẩy tỷ lệ nợ trên GDP, ví dụ từ 50% lên đến 70 thậm chí 80% chỉ trong thời gian ngắn. Chi phí vay nợ tuy rất lớn, nhưng bắt buộc phải làm. Câu hỏi đặt ra là sau đó làm thế nào để trả được nợ? Làm sao để đưa tỷ lệ nợ về mức trước đại dịch?", giáo sự Fujimoto Koji - Trường đại học Takushoku, Nhật Bản cho biết.
Theo giáo sư Fujimoto, cách làm phổ biến nhất là tăng thuế và cắt giảm các gói chi tiêu công như giáo dục, y tế, lương hưu để trả nợ, đồng thời dự báo nhiều quốc gia đang phát triển sẽ thực hiện theo hình thức này trong những năm tới. Tuy nhiên cách làm này sẽ tác động xấu đến triển vọng tăng trưởng.
"Cách làm tốt nhất là tận dụng triệt để các khoản cho vay ưu đãi như ODA và thúc đẩy xuất khẩu. Việt Nam là một trường hợp có sức đề kháng mạnh hơn với COVID-19 nhờ tỷ lệ dân số trẻ làm việc trong lĩnh vực sản xuất", giáo sư Fujimoto nhận định.
Các tổ chức quốc tế như World Bank và IMF đang thúc giục các quốc gia giàu nhất thế giới xóa nợ và giãn nợ cho các nước nghèo nhất nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ đến cùng đại dịch COVID-19. Từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2021, sáng kiến đình chỉ nghĩa vụ trả nợ G20 đã cam kết tài trợ 36 tỷ USD cho các nước đang phát triển, trong đó có 11,8 tỷ USD dưới dạng viện trợ không hoàn lại.
Gánh nặng nợ nần của người dân các nước đang phát triển
Theo giáo sư Fujimoto, thực tế không tránh khỏi là nhiều nước sẽ phải tăng thuế để trả nợ, nhưng cách làm này sẽ để lại rất nhiều hậu quả tai hại vì dịch bệnh kéo dài quá lâu đã bào mòn nguồn lực trong dân và doanh nghiệp ở các nước đang phát triển.
Họ khó có thể chịu thêm các đợi tăng thuế trong các năm tới. Hiện tại, nhiều người đang phải sống trong cảnh nợ nần, với vô vàn lo toan cho cuộc sống thường nhật như nội dung phóng sự sau đây.
Ông Anil Sharma - một người dân tại Ấn Độ, từng rất hạnh phúc khi đón người con trai 24 tuổi bị mắc COVID-19 từ bệnh viện về nhà. Thế nhưng, khi mà niềm vui này chưa qua thì nỗi lo khác lại ập đến. Khoản viện phí lên tới 50.000 USD của con trai ông, giờ đang khiến cả gia đình phải đối mặt với gánh nặng nợ nần.
"Tôi vay được khoảng 9.500 USD để nộp tiền cho bệnh viện. Sau đó những người bạn của con trai tôi đến giúp đỡ thêm được 25.000 USD nữa. Với từng đấy tiền vẫn chưa đủ, tôi vẫn phải vay thêm để trả viện phí", ông Anil Sharma cho biết.
Tình cảnh của những người như ông Anil Sharma đã trở nên rất phổ biến tại Ấn Độ, khi việc thiếu thốn sự hỗ trợ chi phí y tế nhà nước trong thời kỳ đại dịch đã khiến nhiều gia đình phải bán tài sản đi để trả nợ.
Còn tại một quốc gia khác là Thái Lan, nhiều người dân sống dựa vào ngành dịch vụ, du lịch cũng đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn. Chị Pimonta - chủ một cửa hàng ăn nhỏ tại đảo Phuket đã nhanh chóng rơi vào tình trạng nợ nần khi công việc kinh doanh đình trệ.
"Kể từ khi đại dịch bắt đầu, tôi đã không nhận được nhiều sự trợ giúp, và đã mắc nợ tới gần 16.000 USD.
Tôi đã từng tuyệt vọng đến mức muốn tự tử vì cảm thấy không thể tiếp tục chống chịu được nữa. Tôi chợt nhận ra rằng, ngay cả khi làm như vậy, mọi thứ cũng không khá hơn. Vì vậy tôi quyết định đứng dậy và tiếp tục cố gắng", chị Pimonta cho biết.
Trong suốt nhiều tháng, các chủ cơ sở kinh doanh nhỏ như chị Pimonta đã phải tìm đủ mọi cách để duy trì sự tồn tại.
Việc các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và tỷ lệ người dân nhận được ít nhất một mũi tiêm vaccine đang ngày càng cao lên đang mang lại hi vọng về một cuộc sống bình thường trở lại ở nhiều quốc gia.
Nhiều chuyên gia nhận định đại dịch COVID-19 còn có tác động sâu sắc hơn, lâu dài hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, và điều đó đang thực sự xảy ra.
Với các nước đang phát triển, cách tốt nhất để quay trở về với bình thường mới là tiêm chủng đầy đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, cùng với đó là một chính sách tài khóa lành mạnh và thúc đẩy xuất khẩu để thu ngoại tệ trả nợ nước ngoài.
Đó không phải là con đường dễ dàng và mỗi nước sẽ phải tìm ra cách làm riêng, nhưng như nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam có những lợi thế nhất định như lực lượng lao động trẻ và đông đảo làm trong lĩnh vực sản xuất.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()