Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 10:59 (GMT +7)
Núi Bài Thơ - Niềm tự hào của Quảng Ninh
Thứ 2, 05/07/2021 | 15:25:55 [GMT +7] A A
Tôi đến chùa Long Tiên vào một trưa hè. Gặp những người trong Ban quản lý chùa ai cũng vui vẻ đón chào vì biết tôi là người lính năm xưa, về hưu cư trú tại phường Bạch Đằng. Những năm trước, khi làm Chủ tịch Cựu chiến binh phường Bạch Đằng, tôi đã viết cuốn sách giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa chùa Long Tiên trong cụm di tích Núi Bài Thơ, in 2.000 cuốn tặng nhà chùa để giới thiệu với khách xa gần.
Gặp ông Nguyễn Nam Hải, Phó trưởng Ban quản lý chùa Long Tiên, ông cho biết đã tặng hết sách và đang muốn tái bản viết theo cốt cách giới thiệu du lịch. Tôi nhận lời ông, nhưng đang hoàn thiện cuốn sách chuyên sâu giới thiệu tổng thể về núi Bài Thơ, vì giá trị lịch sử văn hóa của Núi Bài Thơ lớn lao quá!
Tôi viết về núi Bài Thơ, thực sự cũng chỉ bằng cái tâm của mình, có sưu tầm, có nghiên cứu mới thấy hết được giá trị lớn lao của văn hóa lịch sử núi Bài Thơ.
Núi Bài Thơ, ngày 31/8/1992, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao Trần Hoàn, ký Quyết định số 1140-VHQĐ công nhận Di tích văn hóa lịch sử Quốc gia gồm 3 Di tích: “Bia khắc trên núi, chùa Long Tiên và đền Đức Ông”. Hiện nay, còn các di tích trên đỉnh núi Bài Thơ, Cột cờ và Lá cờ đỏ búa liềm, được các chiến sĩ Cộng sản Vùng than cắm đêm 30/4, mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, Đài quan sát và trận địa Phòng không 12,7 ly của Đại đội tự vệ Bạch Đằng thời chống Mỹ, cứu nước, hang Bưu điện, Sở Chỉ huy Phòng không và Phòng mổ, Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh. Rồi giếng nước 100 năm tuổi dưới chân núi Bài Thơ, đầu phố Chợ Cũ và phố Hàng Nồi, phường Hồng Gai, một Cầu gỗ đường đi từ Cửa hàng Hải sản Hồng Gai dưới chân núi Bài Thơ nối liền khu phố 1, phường Bạch Đằng ra khu phố Lò Vôi, không có điện thắp sáng, không có nước ngọt để sinh hoạt hàng ngày, là những con đò nối hai bờ... cần được bổ sung, chắc chắn sẽ tăng thêm giá trị lịch sử văn hóa của núi Bài Thơ.
Bởi vậy, người bài viết này có những suy nghĩ như sau: Núi Bài Thơ là một di sản đầy ắp những dấu ấn lịch sử, một truyền tích dân gian ở vùng đất bên bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp. Núi Bài Thơ là những “mắt thần” ở vùng Đông Bắc Tổ quốc. Các triều đại trước đây đến thời đại Hồ Chí Minh, đều vang dội chiến công. Từ núi Dọi Đèn, núi Truyền Đăng - núi Đề Thơ, núi Bài Thơ, đến cờ búa liềm do các chiến sĩ cách mạng cắm trên đỉnh núi năm 1930, kêu gọi nhân dân lao động vùng lên đấu tranh chống lại sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp xâm lược và bọn chủ mỏ thời ấy. Tại các hang động ở sườn núi phía Đông Bắc dưới chân núi là một Trung tâm điện tín Bưu điện Quảng Ninh, Sở chỉ huy tác chiến phòng không thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và một khu để làm nơi cấp cứu, cứu chữa thương bệnh binh chiến đấu bảo vệ Hòn Gai và dân thường bị bom đạn của không quân Mỹ từ Hạm đội 7 vào đánh phá hủy diệt, sát hại nhiều thường dân thị xã Hồng Gai xưa. Ngày ấy, ở đây không một ngôi nhà nguyên vẹn, hoang tàn, người Hồng Gai, người Hạ Long đã xây dựng quê hương đàng hoàng, ngày càng to đẹp.
Đại đội pháo phòng không của tự vệ Bạch Đằng đưa súng 12,7 ly lên đỉnh núi để chặn đánh máy bay địch bay từ biển vào gây tội ác đánh phá hủy diệt thị xã Hòn Gai và các tỉnh phía trong đồng bằng Bắc Bộ. Các chiến sĩ tự vệ đánh trả hàng trăm trận, kiên cường bám trụ, góp phần bắn rơi 200 máy bay Mỹ trên vùng trời tỉnh Quảng Ninh. Đường lên đỉnh núi, từ phía đông bắc thuộc phường Hồng Gai lên gần 500 bậc còn đang gồ ghề, nhưng nhiều người, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh và cả khách du lịch là người nước ngoài đã lên tận nơi chân cột cờ để phóng tầm mắt nhìn xa, trông rộng một vùng Hạ Long xanh biếc, thân thiện.
Núi Bài Thơ có những đặc trưng khác biệt nhiều vùng không có được, đó là nơi ghi dấu bài thơ của vua Lê Thánh Tông đề trên vách đá “Muôn thuở trời Nam, sông núi vững”; nơi vào mùa xuân năm 1729, chúa Trịnh Cương đã cho khắc bài thơ họa lại bài thơ của Lê Thánh Tông. Núi Bài Thơ còn là nơi gắn kết văn hóa các thế hệ người Việt nối tiếp nhau và ngày càng phát triển bền vững. Núi Bài Thơ là một di sản hết sức đặc biệt bên bờ vịnh Hạ Long, một kỳ quan thiên nhiên thế giới, văn hóa của nhân loại cần được tôn vinh và phát huy giá trị phục vụ cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và phát triển du lịch ở thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Đến Quảng Ninh, đến với Hạ Long xinh đẹp, núi Bài Thơ đầy ắp những dấu ấn văn hóa - lịch sử, đậm nét văn hóa tâm linh; là niềm tự hào của người Hạ Long, thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Quang Vinh (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()