Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:38 (GMT +7)
Cá đục Minh Châu
Chủ nhật, 17/04/2022 | 15:07:32 [GMT +7] A A
Từ lâu xã đảo Minh Châu (Vân Đồn) không chỉ nổi danh bởi cảnh đẹp đặc trưng của vùng đảo với biển xanh cát trắng, mà còn được biết tới với nhiều đặc sản truyền thống như sá sùng, cá đục... Trong đó, cá đục khô, cá đục một nắng trở thành món ngon, đặc sản truyền thống được nhiều du khách ưa thích.
Theo những lão ngư gắn bó với đảo thì sở dĩ cá đục trở thành món ngon, đặc sản truyền thống của xã đảo bởi giống cá nổi tiếng ngon, thịt trắng và rất lành này có nhiều, rất hợp với môi trường nước biển trong sạch ở Minh Châu. Hàng năm mùa cá đục kéo dài suốt từ đầu hè tới cận thu, từ tháng 3-10. Trong đó, chính vụ là tháng 4-8, thời điểm cá đục trưởng thành, to, nhiều và ngon nhất. Xen giữa là thời điểm tháng 6-7 có đợt cá đục nhỏ.
Sở dĩ có nguồn lợi phong phú này, bởi xã đảo Minh Châu nằm giữa vịnh Bái Tử Long, có nhiều bãi, chương cát giữa biển dài vốn là môi trường sống lý tưởng cho giống cá đục. Ở Minh Châu, các bãi, cồn, chương cát trắng trải rộng hàng trăm ha, từ cảng Cồn Trụi tới tận bãi Vân Hải, dài chừng 7-8km chiều dài, rộng chừng 1km. Ngoài ra, theo lý giải của những lão ngư gắn bó với biển thì sở dĩ cá đục thơm ngon vậy bởi, Minh Châu được thiên nhiên phú cho vùng biển rộng lớn, nước trong sạch lại là nơi dòng nước giao lưu với các dòng sông, suối chảy từ bờ ra mang theo phù sa, nguồn thức ăn phong phú. Vì thế, mà cá đục ngọt thịt, thơm ngon và không mặn chát như nhiều nơi khác.
Vào mùa, người dân Minh Châu chủ yếu đánh bắt bằng phương pháp truyền thống như: Đánh lưới, câu chùm... Xã đảo có hàng chục hộ dân tham gia đánh bắt. Sản lượng trung bình hàng năm của Minh Châu đạt khoảng 5-7 tấn. Với nguồn nguyên liệu ngon sẵn có, ngoài chế biến, sử dụng tươi, người dân Minh Châu từ lâu đã có nghề chế biến cá đục khô truyền thống. Gần đây, nhờ điều kiện cuộc sống cải thiện, việc bảo quản tốt hơn, nên người dân chế biến thêm cá đục một nắng. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm, người dân càng đúc kết, sáng tạo thêm trong chế biến để có sản phẩm ngon hơn.
Theo đó, cá đục phơi khô phải là cá đục vừa đánh lưới hay câu ở gần bờ được chuyển về ngay sau chuyến biển. Cá được sơ chế, làm sạch rồi mang đi phơi trên giàn cho tới khi khô. "Cá đục Minh Châu ngon chủ yếu do cá tươi, dày thịt, phơi tự nhiên theo kinh nghiệm truyền thống. Theo đó, cá sau khi được sơ chế rồi mang đi rửa bằng nước muối loãng, ngâm qua nước muối rồi mới mang phơi. Cá được phơi trong trời nắng ráo, nhiệt độ từ 30-35 độ. Nếu phơi cá trong nắng to sẽ khiến cá khô nhanh và cứng; nhiệt độ thấp quá cá sẽ hỏng ngay cả khi cá không có mùi vị gì bất thường nhưng thịt cá bên trong đã bị biến chất. Lý tưởng nhất là phơi vào mùa thu, nắng ráo, có gió biển. Cá được phơi trên giàn hay lưới được lật giở 1-2 lần đón đủ, đều nắng tới khi khô ráo là đạt" - chị Phạm Thị Mài, chủ cơ sở chế biến và phân phối cá thôn Ninh Hải (Minh Châu) chia sẻ bí quyết.
Nay khi điện về xã đảo, điều kiện bảo quản tốt hơn, người dân Minh Châu còn chế biến thêm cá đục một nắng. Sản phẩm cá đục được đóng hộp hoặc đóng túi hút chân không để tăng thời gian bảo quản. Cá đục Minh Châu chế biến theo cách truyền thống mang hương vị mặn mòi, nắng gió biển và sự cần cù dậy sớm, chạy nắng tránh mưa, dầm sương... của người dân xã đảo. Hiện ở xã đảo có khoảng 10 hộ chế biến cá đục khô. Sản lượng trung bình hàng năm của Minh Châu chừng 2-3 tấn cá khô.
Nay các sản phẩm cá đục khô, cá đục một nắng của địa phương cũng được nhiều hộ quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu, trang sắm máy móc để chế biến được cá có chất lượng tốt hơn, trong điều kiện thời tiết khó khăn. Về lâu dài, để bảo tồn nguồn lợi thủy sản này, Minh Châu cũng định hướng cấm đánh bắt bằng các hình thức hủy diệt như: Xiếc điện, chất nổ, hóa chất; hạn chế đánh bắt trong mùa cá đẻ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()