Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:09 (GMT +7)
Nữ liệt sĩ hy sinh ở Vũng Đục
Chủ nhật, 16/08/2020 | 09:48:19 [GMT +7] A A
Năm 1948, đồng chí Nguyễn Thị Tý, Bí thư Thị hội Phụ nữ cứu quốc TX Cẩm Phả cùng nhiều cán bộ cách mạng đã hy sinh ở Vũng Đục, tạo dựng nên một tượng đài bất tử về khí tiết của những người con anh dũng ngã xuống để bảo vệ khu mỏ thân yêu.
Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Tý. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh. |
Tại đền liệt sĩ Vũng Đục (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) hiện còn lưu giữ tài liệu liên quan đến sự hy sinh của một số liệt sĩ ở đây. Trong số đó có một báo cáo của Công đoàn mỏ Cẩm Phả năm 1959 gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự hy sinh của những nữ chiến sĩ cách mạng vào năm 1948. Đồng chí Nguyễn Thị Tý, Bí thư Thị hội Phụ nữ cứu quốc TX Cẩm Phả là một trong những nữ liệt sĩ hy sinh trong thời điểm đó.
Nội dung cụ thể như sau: “Chiều ngày 18/9/1948, giặc cho gọi tất cả mọi người ra tra xét nhưng không ai chịu khai cơ sở cách mạng, chúng bỏ đi và nói sáng mai sẽ thả. Nhưng đêm hôm đó, chúng bỏ 8 nữ chiến sĩ ấy cùng với 3 nam thanh niên khác vào 11 bao tải, lấy dây thép buộc lại, dùng dao đâm chết rồi đeo đá vào chở ra biển.
Vào khoảng 12 giờ đêm, chúng bí mật dùng một chiếc thuyền của dân chài đẩy những bao tải ấy ra xa rồi thả xuống biển”. 8 nữ liệt sĩ đã được xác định rõ danh tính là: Nguyễn Thị Tý, Phạm Thị Tỵ, Đoàn Thị Mão, Nguyễn Thị Bích, Trần Thị Thu, Phạm Thị Ngọ, Phạm Thị Xuyến, Trần Thị Nga.
Báo cáo của Công đoàn mỏ Cẩm Phả dành dung lượng lớn nói khá kỹ về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Thị Tý. Theo đó, chị Tý (thường gọi là Tuyên) sinh năm 1929, quê quán tại xã Văn Tinh, xã Xuân Anh, huyện Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), nay là Đông Anh (thành phố Hà Nội). Đầu thế kỷ XX, cụ Lê Thị Lộc, bà nội của liệt sĩ Nguyễn Thị Tý đưa cả gia đình ra Cẩm Phả sinh sống. Chị Tý được sinh ra ở Vùng mỏ.
Cha mẹ chị Tý là công nhân và tiểu thương làm việc và sinh sống ở thị xã Cẩm Phả. Lớn lên chị Tý theo mẹ đi buôn bán, sau này chị giác ngộ cách mạng làm cán bộ hoạt động bí mật đóng giả người buôn bán để khai thác thông tin của địch. Khi bị giặc bắt, chúng dìm chị xuống bể nước bẩn, cho uống nước biển phồng bụng lên rồi đứng lên bụng chị mà đạp. Nhưng chị vẫn kiên quyết không khai. Cuối cùng giặc giết chị và quăng ra Vũng Đục phi tang.
Chiếc áo chị Tý mặc lúc sinh thời đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh. |
Về sự việc chị Tý và 7 nữ chiến sĩ hy sinh, sách “Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Quảng Ninh” tập 1 có ghi: “Địch bắt của ta 61 người, trong đó có 2 ủy viên ban chấp hành phân đoàn và 8 đoàn viên công đoàn. Chúng tra tấn dã man, giết chết 52 người, trong đó đem dìm xuống Vũng Đục 30 người (có 8 phụ nữ)”.
Về những hiện vật liên quan, Bảo tàng Quảng Ninh còn lưu giữ chiếc áo bà ba may bằng vải phin gụ của chị Nguyễn Thị Tý, 1 hòn đá, 2 sợi dây điện (1 sợi dài 56 cm, 1 sợi dài 280 cm) được cho là thực dân Pháp đã dùng để buộc vào bao tải nhấn chìm những chiến sĩ cách mạng như chị Nguyễn Thị Tý.
Ông Hoàng Bách, tức Phạm Khắc Hựu, hiện ở phường Cẩm Bình (TP Cẩm Phả), nguyên Chủ tịch UBND TX Cẩm Phả, bùi ngùi nhớ lại: “Các đồng chí ấy đã hoạt động mưu trí, dũng cảm và anh dũng hy sinh. Tôi không thể nào quên được sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Tý và các đồng đội của chị năm đó. Trong số những nữ liệt sĩ là đồng đội của chị Tý có một cô gái có vị trí đặc biệt với tôi. Bây giờ gọi là người yêu, thời ấy gọi là phải lòng nhau thì đúng hơn. Đồng chí Nguyễn Thị Tý có em trai là đồng chí Nguyễn Khắc Hàm, tức Vũ Cẩm, sau này làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.
Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Thị Tý. |
Chị Nguyễn Thị Tý là con gái lớn trong nhà nên vẫn được gọi là chị Cả Tý. Ông Vũ Cẩm xúc động nhớ lại: “Sinh thời, chị cả của tôi luôn quan tâm đến các em, nêu gương để các em noi theo. Chị gái tôi lúc hy sinh còn chưa xây dựng gia đình. Các chị hy sinh năm đó đều là những nữ cán bộ cốt cán của Cẩm Phả. Cùng năm chị Tý hy sinh, anh trai Nguyễn Tiến Phả của tôi cũng hy sinh. Đó cũng là năm tôi được kết nạp vào Đảng”.
Ông Vũ Cẩm cho biết thêm: “Hình ảnh người chị hiền từ mà kiên trinh, bất khuất, bị giặc bắn xả vai vì không chịu cung khai cho địch đồng đội của mình, phải lê lết trong lao tù vẫn mãi ám ảnh tâm trí tôi”.
Chị Tý và các đồng đội hy sinh ở Vũng Đục đã nêu cao tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân và khí tiết người cộng sản ở Vùng mỏ những năm kháng chiến chống Pháp.
Phạm Học
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()