Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:21 (GMT +7)
Nữ hiệu phó tâm huyết, sáng tạo
Thứ 7, 09/09/2023 | 16:46:39 [GMT +7] A A
Năng động, tâm huyết với công việc, cô giáo Trần Hải Ngọc (37 tuổi), Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Sơn 1 (phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) đã có nhiều sáng kiến đóng góp hiệu quả trong công tác dạy và học, được ngành Giáo dục đánh giá cao.
Trước khi được điều chuyển về Trường Mầm non Cẩm Sơn 1 (năm 2021), cô giáo Trần Hải Ngọc đã có 13 năm dạy học tại Trường Mầm non Quang Hanh (phường Quang Hanh). Về môi trường mới, cô giáo Trần Hải Ngọc luôn tâm niệm: “Dù ở môi trường công tác nào cũng phải nỗ lực cố gắng hết khả năng của bản thân, để không phụ sự mong mỏi và niềm tin trao gửi của mỗi bậc phụ huynh; phải làm sao để mỗi ngày học sinh đến lớp là một ngày vui”.
Để học sinh đam mê với môn học thì giáo viên phải có phương pháp hay, linh động cuốn hút, vì vậy trong quá trình dạy học, cô giáo Trần Hải Ngọc đã rút ra nhiều kinh nghiệm và những sáng kiến từ kinh nghiệm của cô được áp dụng mang lại hiệu quả không chỉ trong phạm vi cấp trường, mà cả đến cấp thành phố.
Tiêu biểu, trong năm học 2021-2022, cô giáo Trần Hải Ngọc đã nghiên cứu và áp dụng sáng kiến “Thấu hiểu và hỗ trợ giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) 5-6 tuổi hòa nhập trong trường mầm non”. Theo cô giáo Trần Hải Ngọc, giải pháp thấu hiểu trẻ RLPTK quan tâm đến tâm lý và sự phối hợp cùng phụ huynh trong quá trình giáo dục hòa nhập cho trẻ sẽ khám phá ra những khả năng tiềm ẩn bên trong của trẻ. Từ đó giáo viên có thể so sánh, quan sát trẻ cùng độ tuổi để điều chỉnh những khiếm khuyết của trẻ theo hướng đi đúng được thuận tiện hơn.
Trẻ tham gia lớp học hòa nhập được tiếp đón ân cần, được dạy về các nhu cầu và đặc biệt là tính tự lập. Trẻ được mong đợi, được khuyến khích làm điều chúng có thể làm cho bản thân. Việc lập kế hoạch theo dõi sự tiến bộ của trẻ sẽ đánh giá được kết quả thực hiện của giáo viên.
Việc áp dụng sáng kiến “Thấu hiểu và hỗ trợ giúp trẻ RLPTK 5-6 tuổi hòa nhập trong trường mầm non” đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 100% trẻ tham gia học tập đều có tinh thần cộng đồng tập thể, có sự học tập lẫn nhau, biết yêu thương đồng cảm và giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh đặc biệt trong lớp, ngoài xã hội; toàn bộ phụ huynh quan tâm tích cực hơn, có trách nhiệm phối hợp cùng giáo viên và nhà trường trong chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật.
Năm học 2022-2023, cô giáo Trần Hải Ngọc đã áp dụng sáng kiến kinh nghiệm “Biện pháp nâng cao hiệu quả kết nối phụ huynh và nhà trường trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường mầm non”. Việc áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này đã mang lại hiệu quả trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, xử lý công việc nhanh gọn; tạo sự kết nối gần giữa phụ huynh, gia đình và nhà trường để chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ tại trường mầm non. Trong lớp học, các con vui vẻ hơn, mạnh dạn, tự tin hơn; chủ động trong các hoạt động, giao tiếp, bày tỏ những tình cảm, nguyện vọng và mong muốn của mình, đồng thời trẻ cũng có kỹ năng tự phục vụ.
Sáng kiến cũng giúp phụ huynh nắm rõ nội dung, tin tưởng vào chương trình giáo dục mầm non và chất lượng giáo dục của nhà trường; tin tưởng vào cô giáo, thấy được sự tiến bộ của con hằng ngày. Cả 2 sáng kiến trên được UBND TP Cẩm Phả công nhận và được áp dụng trong hệ thống giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố.
Không chỉ có nhiều sáng kiến, với vai trò là Phó hiệu trưởng, cô giáo Trần Hải Ngọc còn trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện quy chế chuyên môn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền cô giáo Trần Hải Ngọc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được nhận giấy khen, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()