Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:26 (GMT +7)
Nữ chính diễn đơ vì gương mặt quá đẹp, quá sang
Thứ 4, 14/06/2023 | 08:45:27 [GMT +7] A A
"Mùi đu đủ xanh" là phim điện ảnh đầu tay của Trần Anh Hùng. Từ đây, tên tuổi của đạo diễn Việt kiều bắt đầu được các liên hoan phim (LHP) chú ý. So với bộ phim nặng tính suy tưởng như "Vĩnh cửu" sau này, "Mùi đu đủ xanh" vẫn được tính là dễ xem.
Mùi đu đủ xanh (tiếng Pháp: L'Odeur de la papaye verte, tiếng Anh: The Scent of Green Papaya) được sản xuất từ năm 1993, với sự tham gia của Lư Mẫn San, Trần Nữ Yên Khê và Trương Thị Lộc.
Sau khi ra mắt, bộ phim đã đoạt giải camera vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993, ngoài ra nó còn được trao giải César cho phim đầu tay hay nhất. Tại Oscar lần thứ 66, Mùi đu đủ xanh được đề cử cho giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Tính đến nay, đây là bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên và duy nhất từng nhận được đề cử Oscar.
Tôi nhắc lại, phim ''nhận đề cử'' chứ không phải phim ''được cử đi tham dự Oscar'' như trường hợp của Mùi cỏ cháy, 578, phát đạn của kẻ điên hay Bố già... Từ gửi tham dự đến được đề cử là một khoảng cách dài như sông Mê Kông. Được đề cử tức là phim đã được hội đồng nghệ thuật của giải thưởng chọn lựa. Hầu hết phim được đề cử so với phim được giải không chênh nhau nhiều về chất lượng.
Lại nói cho hết nhẽ, ngoài Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng còn có Mùa hè chiều thẳng đứng cũng được gửi (lần này thì không phải đề cử) tham dự Oscar. Phim này phát hành năm 2000, nằm trong bộ ba phim về đề tài Việt Nam của Trần Anh Hùng gồm Mùi đu đủ xanh, Xích lô và Mùa hè chiều thẳng đứng.
Năm 2015, ban tổ chức LHP Quốc tế Busan (Hàn Quốc) đưa ra danh sách 100 tác phẩm điện ảnh châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại, thì Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng được xếp ở vị trí thứ 66, sau tác phẩm của một số ông lớn của điện ảnh châu Á như Yasujiro Ozu, Hầu Hiếu Hiền, Lý An...
Nhắc lại để biết rằng, ngay từ tác phẩm đầu tay, Trần Anh Hùng đã để lộ phẩm chất của ''một tay đáng kể''.
Mùi đu đủ xanh xoay quanh câu chuyện của cô bé tên Mùi, từ khi phải đi ở trong một gia đình buôn vải của Sài Gòn những năm 1950 của thế kỷ trước cho đến khi thành thiếu nữ và say đắm trong tình yêu với một nghệ sĩ dương cầm.
Câu chuyện được kể theo trật tự tuyến tính, không có những cú twist khiến khán giả xoay mòng mòng (phim của Trần Anh Hùng hầu như không có twist và kịch tính), cũng không có bối cảnh kỳ vĩ, choáng ngợp, thậm chí toàn bộ bối cảnh của Mùi đu đủ xanh được dựng ở phòng âm tầng tại Boulogne trên đất Pháp.
Câu chuyện diễn ra trong một ngôi nhà cũ, đặt trong một cái hẻm lao động của Sài Gòn những năm 1950. Từ đây, cuộc sống của một gia đình phong lưu nghèo nghèo thời xưa được phục dựng lại với lẫn lộn những gia phong, nề nếp và cả nỗi khó khăn cấp bách khi người chồng lần thứ tư bỏ nhà ra đi mang theo toàn bộ tài sản và người vợ phải cầm cố cả đôi bông tai của mình để lấy tiền mua gạo.
Rất dễ nhận thấy trong phim của Trần Anh Hùng, tính nữ luôn được đề cao và trân trọng, trong thế đối lập với nửa thế giới còn lại thường được mô tả gắn với bế tắc và bạo lực (cả nóng và lạnh).
Cô bé Mùi luôn tràn trề mẫu tính và sự dịu dàng dành cho thế giới, mà đại diện ở đây là những sinh vật nhỏ như con dế, con nhái bén, đàn kiến... Cậu hai nhà chủ của Mùi, ngược lại luôn tìm cách hành hạ và tiêu diệt những giống loài không có khả năng phản kháng.
Đây có lẽ là một thái độ của Trần Anh Hùng, với tư tưởng nam quyền thâm căn cố đế vẫn và luôn ngự trị ở xứ này từ hàng nghìn năm qua. Người phụ nữ trong các gia đình người Việt luôn là người chịu trách nhiệm cho mọi chuyện. Con hư tại mẹ chẳng hạn. Hay như lời bà mẹ chồng nói với cô con dâu trong phim: Có chồng mà không biết cách đem lại hạnh phúc cho nó.
Bà chủ của Mùi là điển hình cho kiểu bi kịch phụ nữ bị đè nặng bởi tư tưởng Nho giáo: Vừa phải đảm lược kiếm tiền, dạy con, vừa phải lo đem lại hạnh phúc cho người chồng năm lần bảy lượt vét sạch đồ của nhà và chuồn êm. Thống khổ ở chỗ, mỗi lần người chồng ấy quay về sau khi tiêu sạch tiền, người vợ không những không được giận dữ, phát tiết, cô ấy còn phải tỏ ra vui mừng, để lại chờ đón một lần phản bội kế tiếp, cho đến khi người đàn ông ấy chết.
Lư Mẫn San đảm nhận khá tốt vai Mùi khi còn nhỏ. Cô diễn ra được cái chất tốt nhịn, chịu khó của một đứa nhỏ nhà nghèo, sớm phải xa gia đình kiếm sống nhưng lại vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng.
Khi Mùi lớn lên và Trần Nữ Yên Khê thay thế Lư Mẫn San, vai diễn trở nên gượng gạo. Khí chất của Yên Khê quá sang cho vai một người ở. Chưa kể, phát âm tiếng Việt ngọng nghịu của cô giống như những hạt sạn khiến cảm xúc của người xem thường xuyên bị vấp. Mặc dù phần lớn thời gian Mùi khi lớn không nói gì, nhưng chỉ cần Yên Khê mở miệng, người xem lại không thể tha thứ cho nàng dù nàng đẹp.
Bù lại, phần hình ảnh của phim không có gì phải chê. Mặc dù bị hạn chế về bối cảnh, các góc quay của Mùi đu đủ xanh đều duy mỹ và nên thơ. Đây cũng là đặc điểm nổi bật trong phim của Trần Anh Hùng, mỗi góc máy của anh đều giống một tấm ảnh nghệ thuật, đẹp mơ màng đến mức gần như vượt thoát khỏi hiện thực cuộc sống.
Không có gì đáng ngạc nhiên, khi sau đó Mùi đu đủ xanh đoạt giải Caméra d'Or (Camera Vàng) dành cho đạo diễn trẻ xuất sắc với tác phẩm đầu tay vào năm 1993.
Mối duyên của Trần Anh Hùng với giải thưởng điện ảnh uy tín nhất thế giới này chỉ được tiếp nối vào 30 năm sau. Khi đã bước sang tuổi 61, cái tên Trần Anh Hùng lần nữa được xướng lên ở Cannes ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất cho một bộ phim về đề tài ẩm thực có tên Pot au feu quy tụ hai diễn viên tên tuổi của Pháp là Juliette Binoche và Benoît Magimel.
Trả lời sau liên hoan, Trần Anh Hùng chia sẻ nấu ăn cũng như yêu đương, đòi hỏi người trong cuộc phải dành trọn vẹn tâm ý và sự tinh tế.
Trùng hợp, ngay trong Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng đã dành một thời lượng đáng kể để nói về ẩm thực. Quá trình Mùi nấu ăn cũng được anh nhắc lại nhiều lần trong phim. Triết lý đồ ăn không chỉ ngon mà còn cần phải đẹp của anh có thể coi như là lời nhá hàng để 30 năm sau, tình yêu ẩm thực ấy được kể lại một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng và tràn ngập cảm xúc trong Pot au feu.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()