Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:42 (GMT +7)
Nuôi trồng thuỷ sản: Vì sao chưa thể tiến ra biển lớn?
Thứ 6, 31/03/2023 | 09:38:11 [GMT +7] A A
Đánh giá rất đúng tiềm năng, thế mạnh của nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển, ngay từ sớm, tỉnh Quảng Ninh đã định hướng phát triển thuỷ sản tiến ra biển, thay vì trên bờ, ven bờ và bám bờ như hiện nay. Tỉnh cũng có những chính sách thiết thực để khuyến khích đầu tư mô hình nuôi biển công nghiệp, công nghệ cao, quy mô tập trung, tạo ra giá trị sản phẩm lớn… Tuy nhiên kết quả nuôi biển của Quảng Ninh hiện nay chưa đạt được như kỳ vọng.
Đã có điển hình, nhưng còn nhỏ lẻ
Tập đoàn BIM là đơn vị sớm đầu tư nuôi biển ở Quảng Ninh. Doanh nghiệp này chọn vụng biển Cống Tây thuộc xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn để nuôi thả hàng trăm héc ta hàu sữa. Trên cơ sở sớm được giao, cho thuê mặt nước, tập đoàn BIM đầu tư khá bài bản trong việc lựa chọn đối tượng nuôi, bố trí khu vực nuôi, đầu tư hệ thống thiết bị, công nghệ nuôi tiên tiến, sử dụng vật liệu nổi đáp ứng tiêu chuẩn nuôi biển…
Sản lượng hàu sữa của BIM tại Cống Tây mỗi năm trên dưới 2.000 tấn. Chất lượng vào loại tốt nhất cả nước, đặc biệt đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ sở để BIM có thể đưa sản phẩm hàu sữa của mình vào hệ thống các kênh bán hàng uy tín nhất trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu nước ngoài.
Anh Phan Thanh Tiệp, cán bộ kỹ thuật Tập đoàn BIM cho biết: Hiện BIM xuất khẩu ổn định sản phẩm hàu sữa tách vỏ sang thị trường Đài Loan. Mới đây, doanh nghiệp chính thức xuất khẩu các lô hàng hàu sữa nguyên vỏ sang thị trường Trung Quốc.
Cùng với BIM, HTX NTTS Phất Cờ thuộc địa phận xã Hạ Long, huyện Vân Đồn cũng là một điển hình nuôi biển công nghệ cao của Quảng Ninh. Năm 2020, HTX Phất Cờ liên doanh liên kết với Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát, đơn vị chuyên cung ứng vật liệu nổi chuẩn HDPE trong NTTS để tái cơ cấu sản xuất theo hướng Farm NTTS kết hợp du lịch.
Hiện tại Phất Cờ đang có 2ha trồng rong biển xen nuôi hàu, 2ha nuôi hàu treo dây, và gần 20 ô lồng nuôi cá biển thương phẩm các loại song, giò, mú, sủ, rìa…
Toàn bộ hệ thống giàn bè, ô lồng NTTS của Phất Cờ đều sử dụng vật liệu HDPE. Phất Cờ cũng liên kết với 30 hộ dân khác trong khu vực để NTTS đạt chuẩn xuất khẩu. Trên khu NTTS Phất Cờ còn có phòng bar, bàn, ban công phục vụ ăn uống, ngắm cảnh.
Màu sắc chủ đạo của “bức tranh” nuôi biển vẫn là tự phát
BIM, Phất Cờ cùng một vài cơ sở nuôi cấy ngọc trai, nuôi cá biển hiện có trên vùng biển Quảng Ninh là những đại diện điển hình về nuôi biển có hàm lượng công nghệ cao. Nhưng những đại diện điển hình nuôi biển nói trên là số nhỏ, hiếm hoi trong bức tranh tổng thể nuôi biển Quảng Ninh hiện nay.
Thực tế toàn cảnh nuôi biển của Quảng Ninh hiện nay vẫn chủ yếu là những cơ sở nuôi quy mô hộ gia đình, thủ công, suất đầu tư nhỏ; NTTS bằng vật liệu tạm, thiếu bền vững; NTTS ngoài, trái quy hoạch; NTTS khi chưa được cấp phép, chưa được giao, cho thuê mặt nước; NTTS chồng lẫn vào các dự án đã cấp phép; NTTS lấn chiếm lòng luồng, hành lang tuyến giao thông thuỷ…
Nói là NTTS trên biển, nuôi biển, nhưng thực chất hiện trạng nuôi biển Quảng Ninh hiện nay là bám bờ, bám chân đảo, NTTS trong phạm vi trên dưới 3 hải lý. Rất ít mô hình NTTS thực sự tiến ra biển, tiến ra những vùng vịnh hở, mở, theo đúng tính chất nuôi biển.
Huyện Vân Đồn là vùng nuôi biển trọng tâm của Quảng Ninh. Con số diện tích NTTS trên biển của địa phương này ghi nhận ở thời điểm cao điểm là gần 5.000ha, tương đương với con số diện tích NTTS địa phương này tính toán cho năm 2030, tuy nhiên diện tích NTTS đã được huyện quy hoạch chi tiết mới là trên 1.400ha. Con số trên cho thấy diện tích NTTS tự phát trên vùng biển này là lớn.
TP Cẩm Phả trong thời gian qua là địa phương “cứng rắn” trong lập lại trật tự trong NTTS trên biển. Tuy nhiên một thời gian dài người dân nuôi tự phát nên nhìn chung hiệu quả nuôi biển ở đây không cao.
Đối với TX Quảng Yên, thời điểm cao điểm xảy ra tình trạng các giàn bè nuôi hàu gần như lấn chiếm cả luồng lạch giao thông, trong khi đây là địa phương không nằm trong quy hoạch NTTS của tỉnh.
NTTS tự phát, trái phép, tạm bợ đồng nghĩa với việc người dân không thể đầu tư lâu dài, luôn trong tâm lý đối phó, trốn tránh, kéo theo đó là sự phát triển thiếu tính bền vững, đồng bộ, hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả.
Với hiện trạng NTTS trên biển như trên, hệ luỵ của nó là quá tải môi trường nuôi. Đối tượng nuôi chậm lớn, thậm chí chết, rụng xuống biển vì "nghèo đói" nguồn thức ăn. Người dân NTTS trên biển thất bát, gánh nợ, nên câu chuyện “được mùa mất giá” “được giá mất mùa”, câu chuyện “giải cứu” thuỷ sản nuôi sau mỗi vụ thu hoạch lại trở thành bài ca muôn thủa. Đây là lý do vì sao nuôi biển Quảng Ninh hiện chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Hiện nay, để thúc đẩy phát triển nuôi biển, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đề ra quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi trong NTTS. Kể từ năm 2020 đến nay, 100% các địa phương có biển của Quảng Ninh đều ra quân triển khai thay thế phao xốp đang sử dụng bằng phao nổi HDPE. Kết quả đến thời điểm này gần 1,5 triệu quả phao xốp đã được thay thế.
Các địa phương có biển cũng kiên quyết di dời, cưỡng chế đưa lên bờ, không cho tái diễn trình trạng NTTS trái phép. Thành phố Cẩm Phả có thể nói là địa phương triển khai mạnh tay hoạt động này khi liên tiếp đưa 5 cán bộ chuyên môn ra xử lý hình sự vì buông lỏng quản lý trong NTTS trên biển.
Những hoạt động quyết liệt nói trên của tỉnh Quảng Ninh trong lập lại trật tự NTTS cho thấy quyết tâm trả lại vẻ đẹp cho biển, tạo vùng mặt biển sạch, thông thoáng, lấy biển thành dư địa để xúc tiến đầu tư nuôi biển. Điều này là cơ sở để chúng ta có quyền hy vọng vào sự khởi sắc trong hoạt động nuôi biển của Quảng Ninh trong thời gian tới đây.
Việt Hoa
- Bàn phương án tổ chức hội nghị về phát triển nuôi biển bền vững tỉnh Quảng Ninh
- Kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương đối với nghề nuôi biển, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm
- Phần lớn các trường hợp NTTS trái phép trên Vịnh Hạ Long đã tự tháo dỡ, di dời lồng bè
- Quảng Yên kiên quyết xử lý, di dời lồng bè NTTS không đúng quy định trước ngày 31/3/2023
- TP Hạ Long: Siết chặt quản lý hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển
- Đẩy nhanh việc giao, cho thuê mặt nước để quản lý chặt chẽ hoạt động NTTS
Liên kết website
Ý kiến ()