Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:35 (GMT +7)
NSND Trung Đức nói gì về phát ngôn “nhiều cô xin con nhưng từ chối”?
Thứ 4, 10/08/2022 | 22:20:41 [GMT +7] A A
NSND Trung Đức vừa lên tiếng trao đổi lại với PV về ý kiến gây tranh cãi của mình trong một cuộc phỏng vấn gần đây khi kể lại thời tuổi trẻ, nhiều người hâm mộ, “nhiều cô chỉ xin một đứa con nhưng tôi từ chối”.
Sáng 10.8, trao đổi với phóng viên Lao Động về những tranh cãi quanh phát ngôn "nhiều cô xin con nhưng từ chối", NSND Trung Đức cho biết: “Các bạn không sống trong thời đại của chúng tôi, thời ấy chúng tôi lớp lớp thanh niên ra trận, không biết sự sống – cái chết có thể diễn ra khi nào. Thế hệ chúng tôi, chuyện đó không có gì ghê gớm. Các bạn đang áp đặt suy nghĩ của ngày hôm nay vào chúng tôi – một thế hệ đi qua chiến tranh. Tính tôi ngay thẳng, thật thà, có sao nói vậy. Gia đình, bạn bè đều quý trọng tôi, đều biết tôi sống thế nào, nên những ồn ào, hay tranh cãi nào đó không ảnh hưởng gì đến tôi và cuộc sống của tôi. Những tranh cãi đó đang bị áp đặt, và tôi không quan tâm”.
Theo NSND Trung Đức, cuộc sống của ông hiện tại rất yên bình, hạnh phúc bên gia đình. Ông dành thời gian thể dục, cà phê với bạn bè, đi thu cho đài phát thanh... Ông hạnh phúc với những gì mình có và luôn tự hào với tuổi trẻ đã đi qua.
Trước đó, trên các diễn đàn mạng, nhiều khán giả tranh luận về chia sẻ của NSND Trung Đức, và cho rằng, vì sao lại có cách “hâm mộ” như vậy. Khán giả tìm cách lý giải việc hâm mộ muốn “xin con” được đặt trong bối cảnh nào, việc đó có làm khó với giới nghệ sĩ không? Nếu nhiều người “xin con”, liệu tất cả nghệ sĩ có từ chối như cách NSND Trung Đức phát ngôn?
Trong đó, cũng có ý kiến cho rằng, phát ngôn của NSND Trung Đức nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến gia đình nghệ sĩ.
NSND Trung Đức sinh năm 1952, ông sở hữu giọng hát trầm ấm, vang sáng. NSND Trung Đức nổi tiếng với những ca khúc cách mạng hào sảng như Chào em cô gái Lam Hồng, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Lá Đỏ, Vàm Cỏ Đông, Người đi xây hồ kẻ gỗ...
Năm 1972, NSND Trung Đức nhập ngũ, trở thành lính xe tải của đoàn 559 Trường Sơn. Sau đó, ông theo học tại Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia). Tốt nghiệp ra trường, ông về công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long, rồi chuyển sang Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.
Với những đóng góp lớn cho âm nhạc cách mạng, Trung Đức sớm được phong tặng danh hiệu NSND.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()