Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:53 (GMT +7)
Nông thôn mới: Tăng thu nhập bền vững cho nông dân
Thứ 6, 07/06/2024 | 15:08:32 [GMT +7] A A
Đích đến của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao. Do vậy, trong suốt hành trình 14 năm xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, Quảng Ninh luôn quan tâm thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, đã góp phần định hướng, hỗ trợ cho người dân phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị.
Những năm gần đây, khi chương trình xây dựng NTM được triển khai mạnh mẽ, nhiều bà con nông dân xã Sơn Dương (TP Hạ Long) đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển sản xuất từ trồng lúa sang các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như ổi lê, bưởi da xanh. Từ các mô hình này, đời sống của người dân xã Sơn Dương ngày càng một sung túc, no đủ hơn.
Gia đình ông Vi Văn Tuyên, thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương là một trong nhiều hộ dân đổi đời nhờ trồng ổi VietGAP. Đến nay, sau gần chục năm gắn bó với cây ổi, gia đình ông đang có gần 1ha trồng ổi VietGAP, cho thu hoạch trên 50 tấn/năm, thu nhập mang lại khoảng 200 triệu đồng. Ông Tuyên cho biết: Gia đình tôi cùng nhiều bà con trên địa bàn sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng ổi VietGAP để gia tăng giá trị cây trồng, nâng cao thu nhập.
Ngoài phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, nắm bắt được xu hướng và tận dụng diện tích nông nghiệp hiện có, nhiều hộ dân xã Sơn Dương đã bắt tay vào làm du lịch nông nghiệp để đa dạng hóa nguồn thu, tăng giá trị từ vườn.
Anh Nguyễn Ngọc Trung, thôn Đồng Đặng cho biết: Trước xu hướng du lịch trải nghiệm sinh thái ngày càng phát triển, gia đình tôi cũng mạnh dạn cải tạo vườn tược, khai thác lợi thế từ vườn để triển khai mô hình du lịch nông nghiệp. Hiện mô hình này đang mang lại thu nhập khá, từ 100-200 triệu đồng cho gia đình.
Không chỉ mạnh dạn triển khai những mô hình mới, người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành tư duy nông nghiệp hiện đại, đẩy mạnh áp dụng KHKT vào sản xuất và tham gia liên kết để phát triển bền vững. Đơn cử, như mô hình sản xuất gà giống và gà thương phẩm, gà bản Đầm Hà của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyền, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà. Để nâng cao giá trị sản xuất, gia đình anh đã nghiên cứu, áp dụng thành công công nghệ thụ tinh nhân tạo cho đàn gà bố mẹ. Nhờ đó, việc chăn nuôi ngày càng phát triển. Hiện gia đình anh đã thành lập HTX và duy trì liên kết với hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà để chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm.
Thời gian qua, dưới sự vào cuộc của các cấp, ngành, người dân nông thôn Quảng Ninh cũng thay đổi tư duy, triển khai những mô hình nông nghiệp sạch, an toàn để phát triển bền vững. Tham gia mô hình trồng chè VietGAP được 2 năm, gia đình ông Trần Văn Điều, xã Quảng Long, huyện Hải Hà luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc mà đội ngũ cán bộ huyện đã tập huấn. Nhờ đó, diện tích trồng chè của gia đình ông luôn đạt chất lượng cao, an toàn và được hộ thu mua ưu tiên. Hướng đi này cũng mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Ông Điều cho biết: Cán bộ xã, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chè an toàn cho bà con. Nhờ đó, người trồng chè đi đúng hướng, phát huy được giá trị của cây trồng. Nông sản bán được giá hơn thì đời sống của người dân cũng ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, KHKT để người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu cũng đã được các sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai. Ông Lý Văn Giểng, Chủ tịch HND huyện Tiên Yên cho biết: Tham gia cùng chính quyền trong xây dựng NTM, HND huyện luôn đồng hành, giải quyết nhu cầu bức thiết của nông dân, nhất là về vốn, để người dân yên tâm, mạnh dạn triển khai các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập.
Tính hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đã đạt 73,43 triệu đồng/người/năm. Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân năm của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD và tới năm 2030, đạt từ 8.000 đến 10.000 USD, đưa việc xây dựng NTM đi vào thực chất, hiệu quả.
Nguyên Ngọc
- 1,5 lần - là mức tăng thu nhập từ sản xuất lâm nghiệp của lao động là người DTTS vào năm 2030
- Hải Hà nâng cao tiêu chí thu nhập
- Quảng Yên: 3 năm huy động 592,52 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM
- Xây dựng huyện Đầm Hà trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025
- Xây dựng huyện Đầm Hà trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025
Liên kết website
Ý kiến ()