Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:21 (GMT +7)
Nông thôn mới: Phát triển bền vững
Thứ 3, 25/02/2020 | 08:04:08 [GMT +7] A A
Phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường đòi hỏi nhiều yếu tố. Vì vậy, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu, siết chặt khâu quản lý chất lượng, tăng cường liên kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại… là những giải pháp quan trọng để đưa sản phẩm OCOP đến với những thị trường tiềm năng, bền vững hơn.
Bà Cao Hồng Vân, Giám đốc hãng Nước mắm Sá Sùng Cái Rồng Vanbest, huyện Vân Đồn: “Chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại”
Đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất hiện đại, đảm bảo ATVSTP là yếu tố khẳng định chất lượng sản phẩm và niềm tin với khách hàng. Qua một số kỳ hội chợ OCOP thì sản phẩm nước mắm sá sùng của chúng tôi đã và đang được người tiêu dùng đánh giá cao với số lượng bán ra thị trường tăng đáng kể. Để sản phẩm này tiếp tục khẳng định được thương hiệu của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại hơn nữa trong các khâu sản xuất, chế biến. Đồng thời, tiến hành xây dựng thương hiệu và bảo hộ thương hiệu trên thị trường quốc tế. Chúng tôi cũng rất mong muốn chính quyền quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP mở rộng phát triển sản xuất, nhất là liên quan đến hạ tầng, quy hoạch cũng như các cơ chế, chính sách liên quan.
Bà Sằn Moóc Chềnh, xã Hải Sơn, TP Móng Cái: “Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP”
Theo tôi, việc tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, thúc đẩy liên kết sản xuất tiêu thụ là rất quan trọng. Qua đó giúp cho các hộ dân, cơ sở sản xuất như chúng tôi có thể quảng bá rộng rãi, tìm được đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất mong muốn Nhà nước quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật để chúng tôi có thêm những kiến thức nâng cao chất lượng các sản phẩm. Đặc biệt là từ những khâu đầu tiên của quy trình sản xuất như chăm sóc, bảo quản an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ hay như kiến thức mới về quảng bá sản phẩm trên mạng, chợ điện tử...
Ông Nguyễn Tiến Đức, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hải Hà: “Cần đảm bảo được những yêu cầu khắt khe của thị trường”
Nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa “đặt chân” được vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn cũng như chưa tiếp cận được với các thị trường có quy mô khu vực, quốc tế. Những yêu cầu khắt khe về thủ tục pháp lý, chất lượng, giá cả và năng lực cung cấp sản phẩm chưa đáp ứng được cũng là hạn chế của các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP. Đơn cử như sản phẩm chè của Hải Hà, về vùng nguyên liệu thì cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị tiêu thụ, tuy nhiên bao bì, mẫu mã, chất lượng thì so với các sản phẩm của tỉnh khác còn chưa thực sự vượt trội. Do đó, “cánh cửa” đầu ra của sản phẩm ít nhiều còn hạn chế. Để sản phẩm OCOP có được thị trường tiềm năng hơn thì bên cạnh những cơ chế hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá đến từ phía cơ quan quản lý nhà nước, thì các doanh nghiệp, HTX cũng cần chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo được quy mô sản xuất, năng lực cung cấp.
Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ: “Khuyến khích hình thành các liên kết sản xuất”
Trà hoa vàng là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Ba Chẽ. Đây cũng được xem là sản phẩm chủ lực của địa phương trong mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Để sản phẩm trà hoa vàng và một số sản phẩm OCOP khác của huyện phát huy thế mạnh thì ngoài việc quan tâm mở rộng các vùng trồng nguyên liệu, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, Ba Chẽ cũng chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác phát triển để tạo sự liên kết với các hộ nông dân. Cùng với đó, tiếp tục cải tiến bao bì, mẫu mã, tăng cường quản lý chất lượng để nâng tầm các sản phẩm OCOP; hỗ trợ cho hộ nông dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp, HTX trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường, từng bước đưa các sản phẩm vào những trung tâm thương mại, siêu thị lớn.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()