Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:18 (GMT +7)
Nông thôn mới luôn có cái mới
Thứ 3, 24/10/2023 | 13:53:52 [GMT +7] A A
Quảng Ninh luôn xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chỉ có điểm khởi đầu mà không có kết thúc, với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm đích đến của chương trình. Thay đổi diện mạo nông thôn, giảm nghèo bền vững, mang lại sự khá giả cho người dân nông thôn là tư duy, quan điểm chỉ đạo và hành động của tỉnh Quảng Ninh trong các thời kỳ.
Cách làm sáng tạo
Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp có cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, nông nghiệp chỉ chiếm gần 6% trong GDP. Tuy nhiên tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng vào mục đích SXKD chiếm 75,6% đất tự nhiên; dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm gần 50%; cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp chiếm 75%. Do vậy tỉnh xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng, trong đó chương trình NTM là then chốt.
Những ngày đầu khi cả tỉnh thực hiện chương trình xây dựng NTM, Quảng Ninh phải đối mặt với bộn bề khó khăn chồng chất với tới 53 xã khó khăn, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo gần 7,7%; hiện trạng các xã so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM đạt thấp. Vòng luẩn quẩn giữa thoát nghèo và tái nghèo đang tiếp diễn khi tâm lý trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc đã trở thành phổ biến, luôn “bám rễ” trong cách nghĩ, cách làm, tư duy của nhiều cán bộ, người dân.
Bối cảnh khó khăn này đặt nhiệm vụ cho xây dựng NTM là phải hoạch định chiến lược, kế hoạch thực hiện, mục tiêu phấn đấu rất cụ thể để nông thôn Quảng Ninh chính là nền tảng, là điểm tựa vững chắc cho tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, dần tiến tới tỉnh dịch vụ - công nghiệp.
Thay vì thành lập phòng, ban thuộc Chi cục Phát triển nông thôn của Sở NN&PTNT giống như cách làm của nhiều tỉnh, thành phố trong nước, Quảng Ninh đã thành lập Ban Xây dựng NTM trực thuộc UBND tỉnh. Sự quyết liệt của tỉnh còn thể hiện rõ trong việc Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh và ở các cấp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, bí thư các huyện, thị thành ủy (các tỉnh khác do chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban chỉ đạo).
Với quyết tâm cao nhất đổi mới, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 27/10/2010 về xây dựng NTM tỉnh đến năm 2020. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên nhiệm kỳ 2010-2015. Nghị quyết thể hiện ý chí, khát vọng của tỉnh là thay đổi bộ mặt nông thôn; xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Nhà nước chỉ làm vai trò hỗ trợ, chủ thể chính xây dựng NTM là nông hộ; xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ.
Cách làm của tỉnh cũng rất linh hoạt, sáng tạo, không gò bó theo một khuôn mẫu. Tỉnh đã triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, trao cơ hội về đích NTM cho các xã, tạo động lực thi đua xây dựng NTM. Việc hoàn thành các tiêu chí không cứng nhắc theo quy chuẩn của trung ương, mà dựa trên đặc thù, tình hình thực tế của địa phương để đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ban hành khá đầy đủ hành lang pháp lý cho chương trình xây dựng NTM cùng nhiều chính sách quan trọng, tạo động lực cho việc thực hiện, như: Bộ tiêu chí NTM mang tính đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo; chính sách hỗ trợ nguyên vật liệu đầu tư các công trình hạ tầng; chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn; quy chế khen thưởng phong trào thi đua xây dựng “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hóa”...
Tỉnh triển khai nhiều giải pháp huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội thực hiện chương trình. Giai đoạn 2010-2019, ở khắp mọi vùng nông thôn chưa bao giờ thấy khí thế thi đua xây dựng NTM sôi nổi đến thế với sự tham gia của nhà nhà, người người, “nam phụ, lão ấu”. Tổng vốn huy động thực hiện chương trình giai đoạn này toàn tỉnh đạt 120.814 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách nhà nước là 13.104 tỷ đồng (chiếm 11%); còn lại là vốn xã hội hóa. Nhờ đó kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân nông thôn được cải thiện.
OCOP Quảng Ninh - Hình mẫu của cả nước
Quảng Ninh luôn xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ then chốt bởi đích đến cuối cùng là giảm nghèo bền vững, người dân có thu nhập, cuộc sống khá giả.
Trong quá trình tìm đầu ra cho một dự án phát triển sản xuất nông sản của huyện Tiên Yên, nhân duyên chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã đến với Quảng Ninh. Được khởi xướng bởi tiến sĩ Nhật Bản Morihiko Hiramatsu vào năm 1979, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) đã nhanh chóng trở thành điển hình của việc phát triển sản phẩm nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương.
Học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, với cách làm sáng tạo trên cơ sở phù hợp với thực tiễn địa phương, chương trình OCOP Quảng Ninh đã được phê duyệt. Vì là mô hình lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, chương trình không thể nóng vội.
Bắt tay vào triển khai, những cán bộ chủ chốt dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OVOP tại các nước; tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan; đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã triển khai tại Việt Nam.
Năm 2013 Quảng Ninh phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2013-2016 với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức SXKD các sản phẩm truyền thống góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM; hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội nông thôn.
Chương trình OCOP Quảng Ninh được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, 2 đối tượng quan trọng của chương trình là sản phẩm và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Do vậy chương trình được thiết kế để các chủ thể sản xuất (cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.
Cũng giống như chương trình xây dựng NTM, Quảng Ninh không lựa chọn làm điểm ở một xã, phường nào, mà triển khai trên diện rộng ở tất cả các địa phương. Bởi mỗi địa phương đều có sản phẩm đặc trưng, những người dân cần cù, chịu khó và cả sức sáng tạo riêng.
Sau 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã khẳng định là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Toàn tỉnh đã phát triển được 294 sản phẩm OCOP, trong đó có 131 sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng. Các sản phẩm OCOP ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện, được người tiêu dùng tin cậy.
Một trong những dấu ấn của chương trình là tổ chức thành công các hội chợ OCOP. Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần đầu tiên được tổ chức năm 2015 có chủ đề “Thương hiệu Quảng Ninh - Hội tụ và lan toả” thu hút hơn 50.300 lượt người tới tham quan, mua sắm, đạt tổng doanh thu trên 5,4 tỷ đồng. Cái được lớn nhất từ hội chợ là đã quảng bá thành công các nông sản của địa phương đến với người tiêu dùng, đánh giá được thị trường tiềm năng, thúc đẩy sản xuất. Từ đó, hội chợ OCOP trở thành thương hiệu riêng của Quảng Ninh.
Lấy Quảng Ninh làm hình mẫu, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg "Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” triển khai trên phạm vi cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Nông thôn mới bền vững
12 năm nhìn lại hành trình đã đi qua, để có được những miền quê đáng sống, có được “vương miện lòng tin" của nhân dân, tỉnh đã đi đúng hướng trong tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Giai đoạn khởi đầu (2010-2015) tỉnh định hướng xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ thể chính xây dựng NTM là người dân, tập trung đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu, tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí.
Giai đoạn II (2016-2020) tập trung xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài, tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến, tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, đầu tư của doanh nghiệp là động lực.
Giai đoạn III (2021-2025) tỉnh chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, người dân nông thôn có môi trường sống tốt đẹp, dần được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ như các đô thị, phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bộ với triển khai chương trình giảm nghèo bền vững.
Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị, phát triển bền vững, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống ngày một cao hơn, giảm chênh lệch vùng miền. Tập trung phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành kinh tế khác trên địa bàn; đẩy mạnh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ở khu vực nông thôn. Triển khai có hiệu quả OCOP và chuỗi các nông sản chủ lực cấp tỉnh theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao; coi trọng ứng dụng KHCN, công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chăn nuôi; đạt tiêu chuẩn phổ biến về ATTP.
Quảng Ninh tiến tới một NTM luôn có cái mới, nông dân giàu có, hạnh phúc, đủ đầy, nông thôn phát triển bền vững, đổi mới, văn minh.
- Tỉnh đầu tiên khu vực miền Bắc có huyện đạt chuẩn NTM (huyện Đông Triều); có huyện đảo đầu tiên trong nước đạt chuẩn NTM (huyện Cô Tô). - Tỉnh đầu tiên toàn quốc có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Việt Dân, TX Đông Triều). - Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015; Huân chương Lao động hạng Ba trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. - Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích triển khai chương trình OCOP tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình xây dựng NTM năm 2019. - Hết năm 2022 cơ bản đạt các tiêu chí tỉnh NTM theo Bộ tiêu chí tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. |
Trương Công Ngàn, Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Liên kết website
Ý kiến ()