Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:08 (GMT +7)
Nông thôn mới - Hành trình mới
Thứ 6, 08/01/2021 | 06:17:09 [GMT +7] A A
Chịu những tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19 song năm 2020, toàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Kết quả đó tiếp tục là nền tảng để Quảng Ninh vững vàng bước vào xây dựng NTM và giai đoạn tiếp theo.
Thành quả năm 2020
Công nhân Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà chăm sóc cây dưa lưới. |
Thực hiện chương trình NTM, ngay từ đầu năm 2020, tỉnh đã đặt mục tiêu có thêm 8 xã, 1 huyện “về đích”, nâng tổng số thành 89/981 xã, 7/13 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; công nhận/chứng nhận thêm từ 30-40 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao, trong đó ít nhất có 1-2 sản phẩm đạt 5 sao tại cuộc thi đánh giá xếp hạng cấp tỉnh.
Đồng thời, nâng mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt mức 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 1%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,3%; phấn đấu có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí điện, hệ thống thủy lợi, thông tin và truyền thông...
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ban Xây dựng NTM đã tích cực tham mưu chỉ đạo đưa chương trình xây dựng NTM chuyển từ lượng sang chất; tập trung xây dựng NTM từ nhà ra ngõ, từ thôn lên xã, huyện. Ban cũng tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân trong việc bàn và quyết định các nội dung. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo có sự thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở, địa phương, phân công nhiệm vụ rõ ràng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các địa phương đã kịp thời ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai chương trình phù hợp với thực tế địa bàn.
Việc phân cấp đầu tư trong chương trình xây dựng NTM tiếp tục được quan tâm. Năm 2020, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình NTM là 17.994 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh, huyện và xã là 408 tỷ đồng, ngân sách lồng ghép là 645 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách là 16.941 tỷ đồng.
Tuyến đường thôn Sông Moóc B, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu được kiên cố tạo động lực phát triển cho người dân. |
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình xây dựng NTM tiếp tục tăng cường, bài bản, thường xuyên. Năm qua, Ban Xây dựng NTM tỉnh đã kiểm tra, rà soát và xác nhận các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn NTM; giám sát các sở, ban, ngành trong việc hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn NTM theo phân công của UBND tỉnh; đôn đốc giải ngân xây dựng NTM; đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.
Kết thúc năm 2020, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. TX Quảng Yên và huyện Tiên Yên đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Hiện, hai huyện Đầm Hà và Hải Hà đang lập hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 7 địa phương được công nhận hoàn thành xây dựng NTM.
Xây dựng NTM thực chất và bền vững
Mô hình chăn nuôi gà râu của gia đình anh Hoàng Văn Điện, thôn 4, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà cho hiệu quả kinh tế cao. |
Năm 2021, Quảng Ninh sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu thực hiện chương trình xây dựng NTM hiệu quả, thực chất và bền vững. Trong đó, phấn đấu có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn NTM, không có xã dưới 17 tiêu chí; có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển, thẩm định, công nhận thêm ít nhất 50 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn, công nhận thêm 30-40 sản phẩm đạt từ 3-4 sao trở lên, trong đó 1-2 sản phẩm đạt 5 sao; phát triển thêm ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, đảm bảo 85-90 sản phẩm được dán tem hoặc có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Để đạt mục tiêu, các cấp ủy, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo huy động hệ thống chính trị vào cuộc, làm đến đâu chắc đến đó, gắn trách nhiệm hoàn thành các tiêu chí được phân công với nhiệm vụ của ngành và địa phương. Các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, gắn xây dựng NTM với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Năm 2021, tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa...; xây dựng NTM theo hướng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường đảm bảo khu vực nông thôn...
Đối với chương trình OCOP, tỉnh đẩy mạnh triển khai chương trình gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết, chú trọng tư vấn, hỗ trợ phát triển tổ chức, sản phẩm.
Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Năm 2021 là năm bản lề cho giai đoạn 2021-2025, có vai trò quan trọng trong việc tạo tiền đề vững chắc cho tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2024. Ban đề xuất tỉnh quan tâm bố trí đủ vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đồng thời, tăng kinh phí thực hiện năm 2021 lên 300 tỷ đồng để đảm bảo nhiệm vụ. Ban cũng đề nghị Trung ương sớm ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM theo các cấp, mức độ và nhóm tiêu chí linh hoạt với từng địa phương; ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng NTM đột phá cho từng vùng, sửa đổi quy định về thủ tục xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM phù hợp với thực tiễn, ban hành cơ chế riêng cho chương trình OCOP áp dụng toàn quốc.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()