4
18
/
1100354
Nông thôn mới: Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc
longform

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật nhờ những cách làm riêng, sáng tạo. Thành công này đã thực sự tạo ra bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh, đồng thời là động lực để Quảng Ninh hoàn thành NTM trong năm 2022, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại vào năm 2025.

Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, toàn tỉnh có tới 53 xã khó khăn, trong đó, 22 xã đặc biệt khó khăn. Do vậy, lợi thế để xây dựng NTM tại Quảng Ninh rất ít bởi hạ tầng vùng nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ...

Các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn huyện Bình Liêu.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh nhận thức phải có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đồng thời cần có cách làm riêng mang tính đột phá, phù hợp với thực tế của địa phương và quan trọng nhất là người dân phải là chủ thể của chương trình.

Xác định rõ điều đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong một nhiệm kỳ mới nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn Quảng Ninh. Đặc biệt, Nghị quyết 01-NQ/TU xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, việc xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ”. Trong quá trình triển khai, tỉnh không lựa chọn thí điểm như hầu hết các địa phương khác trong cả nước mà tiến hành thực hiện đồng loạt tại tất cả các xã của 13/13 đơn vị cấp huyện. 

Cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân làm đường tại bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà.

Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả như mong đợi, công tác chỉ đạo điều hành trong từng giai đoạn cũng được tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Từ việc tổ chức, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp đến việc xây dựng các mục tiêu cụ thể cũng được tính toán và tổ chức một cách linh hoạt tạo ra sự khăng khít và hiệu quả trong quá trình phối hợp thực hiện.

Song song với đó, Quảng Ninh cũng đã ban hành và triển khai nhiều chính sách riêng, tạo hành lang pháp lý phục vụ cho chương trình, như: Chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng NTM, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn…

Xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đầu tư mở rộng thêm diện tích trà hoa vàng từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Đặc biệt, từ cấp tỉnh đến cơ sở luôn xác định rõ, đích đến, mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân, cả vật chất và tinh thần, để đời sống người dân sung túc hơn. Do vậy, Quảng Ninh đã triển khai những giải pháp sáng tạo, đột phá về sản xuất và thu nhập. Trong đó mang nhiều dấu ấn nhất Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) với những cách làm sáng tạo, đạt được kết quả lớn, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, từ thành công của Chương trình OCOP Quảng Ninh, tháng 5/2018, Chính phủ đã quyết định phát triển OCOP thành chương trình quốc gia, triển khai nhân rộng ra khắp cả nước.

Ngoài chương trình OCOP, hàng loạt các đề án, dự án, kế hoạch cụ thể cũng được phê duyệt, triển khai như: Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Đề án 196 về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn để có chính sách ưu tiên, hỗ trợ vươn lên thoát nghèo và tiếp tục xây dựng NTM.

Với hướng đi đúng và cách làm hiệu quả, Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương đi đầu xây dựng NTM kiểu mẫu, có xã đạt NTM kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Tính đến thời điểm này, bình quân các xã trên địa bàn đã đạt 19,5 tiêu chí và 52 chỉ tiêu, có 7/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%. Quy hoạch NTM của các xã cơ bản đã được điều chỉnh đảm bảo tính kết nối giữa các xã trong huyện. Các yếu tố trong hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đều cơ bản hoàn thành.

Quảng Ninh xác định xây dựng NTM “Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, do vậy,  giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục đột phá, sáng tạo với những cách làm và hướng đi mới.

Mô hình trồng na dai theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Nguyễn Xuân Long, thôn Tân Thành, xã Việt Dân (TX Đông Triều).

Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào gắn với nội dung, lĩnh vực, mô hình cụ thể, thiết thực; đồng thời, bố trí nguồn lực hỗ trợ các xã thực hiện các tiêu chí còn thiếu, chưa đạt. Nhất là ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, bền vững. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn. Đặc biệt, ở giai đoạn này, Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, nhằm xây dựng nông thôn thông minh…

Chia sẻ về nội dung này, ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hơn 2 năm qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã trở thành rào cản cho sự tăng trưởng nhiều lĩnh vực KT-XH của tỉnh. Trong bối cảnh khó khăn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM cũng bị ảnh hưởng, nhiều chỉ tiêu xây dựng NTM sẽ khó đạt, tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn nêu cao quyết tâm chính trị, tăng cường công tác chỉ đạo với phương châm “xây dựng NTM là nhiệm vụ liên tục, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; làm từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã, huyện và tỉnh; người dân được bàn và trực tiếp tham gia…”

Mô hình nuôi gà Tiên Yên áp dụng quy trình nhân giống bằng công nghệ thụ tinh nhân tạo của Công ty CP Phát triển chăn nuôi và nông lâm ngư nghiệp Phúc Long (huyện Tiên Yên) cho giá trị kinh tế cao.

Từ định hướng đề ra, ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.  Mới đây nhất, ngày 25/11, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm 2022, trong đó đặt mục tiêu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Quảng Nghĩa (TP Móng Cái); Húc Động (huyện Bình Liêu); Hoàng Tân (TX Quảng Yên); Cái Chiên (huyện Hải Hà); 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Hồng Thái Đông và Nguyễn Huệ (TX Đông Triều); Quảng Long (huyện  Hải Hà); 4 đơn vị cấp huyện (Hạ Long, Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Hiện thực hoá mục tiêu này, hiện các địa phương trong tỉnh tích cực bám sát chỉ đạo của tỉnh về xây dựng các phương án sản xuất, kết nối tiêu thụ; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời tranh thủ sử dụng quỹ thời gian cho công tác đầu tư, nâng cấp, sửa chữa toàn diện hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển nông thôn gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm... Đây là sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng khôi phục, tăng trưởng mạnh khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, toàn xã hội chuyển sang giai đoạn bình thường mới.

Từ Tết Nguyên đán 2021, gần 300 hộ dân trên xã Vĩnh Thực đã không phải dùng nguồn nước giếng ô nhiễm.

Nhiệm vụ này cũng được gắn trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành phụ trách thực hiện, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai theo tình hình thực tế. Trong đó, các nguồn lực từ ngân sách, huy động đóng góp trong cộng đồng dân cư, các nguồn hỗ trợ... được tập trung để hoàn thiện hạ tầng KT-XH, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: Đường giao thông nông thôn, thủy lợi, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường... Đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo các cấp; làm tốt công tác, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình xây dựng NTM; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM”; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng...

Đồng chí Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều:

Đông Triều phấn đấu là địa phương về đích NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh

 

Mặc dù là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng NTM nhưng thị xã luôn xác định nếu dừng lại sẽ dễ bị tụt hậu so với các địa phương khác vì NTM là một quá trình tiếp nối chứ không phải phấn đấu cho một danh hiệu. Do đó, thị xã đã đặt mục tiêu năm 2021 sẽ hoàn thiện và trình Tỉnh hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đối với xã Bình Dương và Thủy An; năm 2022 sẽ hoàn thành NTM kiểu mẫu đối với xã Hồng Thái Đông và Nguyễn Huệ. Từ đó tạo đà để năm 2023, Đông Triều phấn đấu sẽ là địa phương về đích NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh.

Để tiếp tục đưa chương trình NTM của thị xã đi vào chiều sâu, phát triển toàn diện,  Đông Triều xác định: “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là chiến lược; Nông thôn mới sẽ là căn bản”. Bám sát theo định hướng này, thị xã sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các chỉ tiêu còn thấp như: Hạ tầng, phát triển kinh tế, tuyến đường thôn kiểu mẫu, nhà văn hóa mẫu, môi trường. Đặc biệt, thị xã cũng sẽ chú trọng việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng để nông dân ngày càng trở thành những người lao động chuyên nghiệp, làm nông nghiệp nhưng tư duy theo hướng công nghiệp.  Khi có những người nông dân chuyên nghiệp, họ sẽ là nhân tố đầu tư trở lại cho hạ tầng, cho đất đai, để nông thôn Đông Triều có thể phát triển bền vững và giá trị cao, tiến lên những mục tiêu mới trong phát triển NTM mà thị xã đã vạch ra.

Bà Chíu Tài Múi (Bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà)"

Nỗ lực học hỏi để trở thành người nông dân thời kỳ 4.0

Có thể nói chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi những tập quán sản xuất cũ lạc hậu, hướng người dân vào sản xuất những sản phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, đảm bảo đúng quy trình, an toàn thực phẩm; góp phần làm tăng giá trị cho nông sản địa phương. Tuy nhiên, sau 2 năm xảy ra dịch Covid-19, làm gián đoạn đến việc tiêu thụ sản phẩm nên chúng tôi mong muốn, tỉnh và huyện có thêm những lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT và cách thức để có thể tiêu thụ sản phẩm trên các trang bán hàng trực tuyến. Bởi qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi thấy có nhiều địa phương nằm ngay trong tâm dịch nhưng nhờ thương mại điện tử phát triển mà người nông dân vẫn bán được sản phẩm với số lượng lớn.

Bà Dương Thị Liên (Thôn Ngàn Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu):

Chương trình NTM đã làm thay đổi tư duy, cách làm của người dân theo hướng tích cực

Nhờ chương trình xây dựng NTM được triển khai mạnh mẽ đến từng thôn, bản nên diện mạo nông thôn của quê hương Bình Liêu chúng tôi đã khởi sắc lên rất nhiều so với trước đây. Cũng từ chương trình, suy nghĩ của người dân chúng tôi đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Từ suy nghĩ  trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chúng tôi đã tích cực chủ động vươn lên, dám vay vốn ngân hàng, dám mua con giống cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất. Nhiều hộ dân từ đó đã thoát được cái nghèo, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu, thu nhập ngày càng nâng cao…

Ông Lý Thanh Sơn (Thôn Đồng Cầu, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ):

Thi đua thoát nghèo, chung tay cùng huyện, tỉnh về đích NTM

Nhiều năm trước, người dân Ba Chẽ chúng tôi vẫn còn tư tưởng trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cho rằng “còn nghèo là còn được hỗ trợ”, thậm chí, nhiều gia đình đã đủ điều kiện song vẫn kiên quyết không thoát nghèo. Thế nhưng hiện nay, tư tưởng ấy đã dần bị loại bỏ. Như ở thôn Đồng Cầu chúng tôi, với quyết tâm thoát nghèo, bà con đã cùng nhau góp của góp công xây dựng đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp; nhiều nhà cấp 4 đã thay thế cho nhà tranh vách đất, cuộc sống cũng cải thiện đáng kể. Đặc biệt, nhiều hộ đã chủ động làm những lá đơn xin thoát nghèo, thể hiện quyết tâm chung tay cùng huyện, cùng tỉnh xây dựng NTM. Không chỉ vậy, để xây dựng NTM hiệu quả, chúng tôi đã thi đua nhau phát triển kinh tế gia đình, như nhà tôi đã cố gắng chăm sóc, thu hoạch đồi keo, vay thêm vốn vay ưu đãi, xây được ngôi nhà mái bằng khang trang to đẹp. Số tiền còn dư ra, tôi đầu tư thêm vụ keo mới, quyết tâm chăm sóc theo định hướng phát triển rừng gỗ lớn của huyện; trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như thanh long, bưởi, mua thêm gà giống, dê giống về chăn nuôi trên đất đồi của gia đình để xây dựng vườn mẫu…

Chị Lê Thị Hà Giang (Thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô):

Góp sức mình xây dựng chương trình OCOP của Cô Tô ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến

Tôi vô cùng tự hào khi Cô Tô quê hương tôi là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM. Chương trình đã giúp người dân thay đổi phương thức canh tác, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao và làm thay da đổi thịt huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Trong những thành quả của xây dựng NTM của tỉnh, tôi đánh giá rất cao chương trình OCOP nay đã trở thành thương hiệu chứng minh chất lượng, được nhân rộng trong toàn quốc. Bản thân tôi cũng đã và đang nỗ lực đóng góp một chút công sức, nỗ lực phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu nước mắm Cô Tô Lê Giang của mình trở thành 1 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, có chất lượng. Qua đó không chỉ phát triển kinh tế của gia đình, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho bà con, mà còn góp phần gìn giữ, phát triển và lan toả thương hiệu đặc sản địa phương…

hữu tình, được thiên nhiên ban tặng những ưu đãi, một miền núi non kỳ vĩ, một bờ biển tươi đẹp, một vùng đồng bằng trù phú. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa đặc sắc.

Thực hiện: Minh Thu - Hoàng Nga - Minh Hà

Kỹ thuật đồ họa: Hải Anh