Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:12 (GMT +7)
Nông nghiệp vững vàng đà tăng trưởng
Chủ nhật, 13/08/2023 | 07:20:20 [GMT +7] A A
Theo Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,1%, giá trị tăng thêm của khu vực này cũng khá cao, tăng 3,07%, đóng góp 9,28% vào tổng mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Với những thành tựu đó, ngành nông nghiệp góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực trong nước và tăng trưởng xuất khẩu, tiếp tục giữ vững vai trò trụ đỡ nền kinh tế.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, bảy tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 29,13 tỷ USD, đang dần tiến đến mốc mục tiêu 55 tỷ USD cả năm 2023.
Bền bỉ sản xuất và tăng tốc xuất khẩu
Vụ trưởng Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Việt cho biết: Hiện các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa và lúa thu đông, chăm sóc và thu hoạch lúa hè thu. Lũy kế đến giữa tháng 7, cả nước gieo cấy được gần 6,2 triệu héc-ta lúa.
Các địa phương thu hoạch gần 3,7 triệu héc-ta với năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng lúa thu hoạch đạt hơn 24,1 triệu tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, năm 2023, cả nước sẽ sản xuất được từ 43,2-43,4 triệu tấn lúa.
Với tình hình sản xuất lúa như vậy, sẽ bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu. Việc sản xuất lúa được duy trì ổn định cả về diện tích, năng suất, sản lượng là một tin mừng đáng kể của nền nông nghiệp Việt Nam đồng thời cũng là nỗ lực hết sức to lớn của những người nông dân trồng lúa.
Thực tế, thời gian qua, hiện tượng El Nino ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nước ta, cộng với giá vật tư đầu vào sản xuất liên tục tăng cao, nhưng nông dân vẫn bền bỉ gia tăng sản xuất, áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến để giảm lượng nước tưới, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật…; ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thực hiện kinh tế tuần hoàn trên đồng ruộng để giảm bớt chi phí đầu vào, tăng chất lượng lúa, nâng cao giá bán…
Bên cạnh trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng tương đối ổn định, trong đó chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục. Ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 7/2023 tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số bò tăng 1%; tổng số gia cầm tăng 2,3%.
Về thủy sản, tính chung bảy tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt gần 5,1 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022, bao gồm: cá đạt hơn 3,6 triệu tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 673 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khác đạt 751 nghìn tấn, tăng 1,3%. Trong điều kiện xuất khẩu thủy sản hai quý đầu năm 2023 liên tục sụt giảm, thì việc các hộ nuôi trồng vẫn duy trì sản xuất là nỗ lực rất lớn.
Riêng tỉnh Bạc Liêu - vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước, tính từ đầu tháng 7/2023 đến nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm từ 4-18%. Người nuôi đã phải tính nhiều cách làm mới, phù hợp với kinh tế hộ gia đình; áp dụng công nghệ mới để tối ưu hóa chi phí nhằm bảo đảm có lãi…
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản thời gian tới có nhiều khả năng phục hồi tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, nên người nuôi có nhiều cơ hội tăng thu nhập khi bảo đảm nguồn cung thủy sản chất lượng.
Sức sản xuất bền bỉ của toàn ngành nông nghiệp chính là bệ đỡ để nhiều ngành hàng xuất khẩu liên tục lập kỷ lục trong bảy tháng đầu năm. Điển hình là ngành hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu bảy tháng năm 2023 đạt 3,23 tỷ USD, tăng 68,1%; xuất khẩu gạo đạt 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%, cà-phê đạt 2,76 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa bảy tháng năm 2023 ước xuất siêu 15,23 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng nông sản xuất siêu cao như: gỗ và sản phẩm gỗ 5,9 tỷ USD; thủy sản 3,4 tỷ USD; rau quả 2,1 tỷ USD… Trong bối cảnh chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp bị suy giảm với mức tính chung bảy tháng năm 2023 ước giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022, thì sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp vẫn duy trì tốt là một thành tựu đáng kể.
Một điểm đáng chú ý là, đầu tư xây dựng cơ bản có mức giải ngân khá cao. Cụ thể, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 9.852 tỷ đồng (vốn trong nước 8.052 tỷ đồng; vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng), tính đến ngày 31/7, đã giải ngân được 3.719,9 tỷ đồng, đạt 37,8% kế hoạch.
Tận dụng cơ hội để bứt phá
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới trong bảy tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chiến sự Nga-Ukraine kéo dài; lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.
Dự báo, những tháng tiếp theo khó khăn này tiếp tục ảnh hưởng chung đến các ngành kinh tế của Việt Nam. Đối với ngành nông nghiệp, các biến động cũng dần lộ diện, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua khó khăn, tận dụng mọi cơ hội tăng trưởng, nhất là đối với các ngành hàng chủ lực.
Ở ngành hàng lúa gạo, tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang diễn biến phức tạp. Cụ thể, giá gạo có xu hướng tăng cao do một số nước như Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga cấm xuất khẩu gạo khiến lượng gạo bán ra giảm đáng kể.
Nhu cầu mua dự trữ gạo của nhiều quốc gia lại tăng nhanh chóng; Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực; cùng với đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và hạn hán… đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng lúa gạo của nhiều quốc gia, gây áp lực lên nguồn cung gạo toàn cầu. Đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam tăng sản lượng và tăng giá bán, là cơ hội cho người trồng lúa nâng cao thu nhập.
Trước nhu cầu cao của thị trường lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch nâng diện tích sản xuất vụ thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha lên khoảng 700.000 ha; phối hợp với các địa phương có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm sản xuất hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thực hiện triển khai hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh lương thực trong giai đoạn hiện nay theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 được kỳ vọng đạt con số kỷ lục 5 tỷ USD, thì cần có kế hoạch sản xuất và chiến lược cụ thể cho các thị trường trọng điểm. Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường thông tin: Từ giờ đến cuối năm, Cục tiếp tục nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi để chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Riêng về hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Bộ sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề về thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu…; Tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết các đơn hàng mới.
Tuy nhiên, các ngành hàng cũng cần bảo đảm các yêu cầu cần thiết cho xuất khẩu, như ngành thủy sản cần tập trung kiểm soát hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU; ngành lâm nghiệp triển khai tín chỉ các-bon rừng khu vực Bắc Trung Bộ và thúc đẩy chứng chỉ quản lý rừng bền vững; ngành trồng trọt ổn định sản lượng lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và nắm bắt thời cơ xuất khẩu.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()