Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:16 (GMT +7)
Nông nghiệp Quảng Ninh 2021: Một năm thành công
Thứ 7, 08/01/2022 | 08:36:22 [GMT +7] A A
Năm 2021, Quảng Ninh bước vào vụ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, giá vật tư đầu vào tăng trong khi giá bán sản phẩm giảm, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu khó lường... Song vượt lên những rào cản trên, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng mừng trong từng lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản, góp phần vào mức tăng trưởng chung của toàn tỉnh.
Thống kê cho thấy, nông nghiệp Quảng Ninh năm 2021 đã hoàn thành cả 9/9 chỉ tiêu đề ra, trong đó, có nhiều chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao. Tiêu biểu như: Diện tích trồng rừng tập trung tăng 25,41%; sản lượng khai thác gỗ tăng 38%; tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng 12%; tổng sản lượng thủy sản tăng 7%; tổng diện tích gieo trồng hàng năm tăng 1,7%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 0,7%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%; tỷ lệ diện tích đất canh tác nông nghiệp được tưới nước chủ động đạt trên 85%...
Những thông số trên là nội hàm để chỉ số tốc độ tăng trưởng GRDP của toàn ngành nông nghiệp Quảng Ninh năm 2021 đạt 4,51%, chiếm 5,5% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, cao hơn kịch bản của ngành, của tỉnh đề ra, cao nhất trong 3 năm gần đây. Nông nghiệp cũng mang về gần 25.000 tỷ đồng, tính theo giá hiện hành, góp phần nâng thu nhập của nông dân trên 51 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, kết quả sản xuất nông nghiệp Quảng Ninh năm 2021 là sự tổng hòa chuyển động trong toàn ngành. Điều này, thể hiện ở cách điều hành hết sức linh hoạt, trúng, đúng, ban hành những chính sách nông nghiệp sát sườn, phát huy hiệu quả của tỉnh. Sự vào cuộc triển khai sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của ngành chuyên môn, các địa phương, khối doanh nghiệp nông nghiệp và chính mỗi nông hộ, nông dân trên địa bàn.
Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh được cho là chính sách có tác động mạnh đến nhân dân ngay khi ban hành. Từ Nghị quyết này, người trồng rừng Ba Chẽ, Hạ Long nói riêng, toàn tỉnh nói chung nhân lên khí thế trồng rừng gỗ lớn, nhiều người biến rừng thành của để dành giá trị, thay vì trồng rừng gỗ nhỏ như trước đây.
Năm 2021, các doanh nghiệp chăn nuôi với lợi thế làm chủ được quy trình chăn nuôi, ứng dụng thiết bị, công nghệ đã giúp Quảng Ninh duy trì đàn bò đạt 35.600 con, tăng 4.000 con, đàn lợn đạt 267.000 con, tăng 6.700 con, đàn gia cầm đạt trên 4,2 triệu con, tăng 350.000 con. Điển hình, như Công ty TNHH Phú Lâm luôn duy trì tổng đàn trên dưới 10.000 con, tổng đàn bò cả năm là gần 40.000 con, chiếm tới gần 37% tổng đàn bò toàn tỉnh. Doanh nghiệp này đang ngày càng chủ động về quy trình nuôi, nguồn vật tư đầu vào và dần tiến tới các hạng mục dịch vụ làm tăng giá trị từ con bò, như chế biến thịt bò mát, liên kết xuất khẩu thịt bò và thương mại các phụ phẩm từ bò.
Một trong những điểm cộng, cũng là nền tảng của nông nghiệp Quảng Ninh 2021 chính là sự tìm tòi, năng động của các hộ nông dân Quảng Ninh. Chính họ, bằng nhiều cách đã nâng cao trình độ canh tác, chuyển đổi phương thức sản xuất cả trong tư duy và hành động, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh thương mại điện tử...
Toàn tỉnh, hình thành được trên 1.000ha vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp VietGAP, 90ha diện tích vùng trồng trọt hữu cơ, 28 cơ sở chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ ở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm...
Đây là những điều kiện để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các kênh thương mại, bao gồm cả kênh thương mại điện tử, nâng giá trị nông sản, biến nông sản thành hàng hóa và làm hiện đại hóa người nông dân.
Từ những kết quả đạt được trong năm 2021, nông nghiệp Quảng Ninh phấn khởi bước vào năm 2022 với mức tăng trưởng đề ra cho toàn ngành là 4,5%. Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, đây là con số không nhỏ, không dễ dàng đạt được, vì vậy, toàn ngành đã khởi động ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra.
Việt Hoa
- Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh
- Đảm bảo nguồn cung nông sản thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán
- Nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng
- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đầm Hà
- "Chìa khóa" để nông nghiệp phát triển
- Hiệu quả từ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Liên kết website
Ý kiến ()