Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:11 (GMT +7)
Nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có
Thứ 7, 27/04/2024 | 08:21:01 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển “tam nông” theo hướng nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có. Đây là cơ sở để tỉnh hiện thực hóa những mục tiêu phát triển quan trọng, đặc biệt là nâng cao mức sống khu vực nông thôn, miền núi, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Thực hiện các mục tiêu này, tỉnh phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của địa phương của nhiều loại nông sản, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ KHKT, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra hàng hóa có khối lượng lớn, giá trị kinh tế cao. Việc chuyển hướng từ canh tác truyền thống sang phương thức mới, có sự hiện diện của KHKT được nông dân chú trọng.
Là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè ở thôn Hải Đông (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà), anh Nguyễn Văn Thiện đầu tư hệ thống tưới tự động tiết kiệm cho hơn 2ha chè của gia đình, vận hành thông qua điện thoại di động. Trước đây với diện tích này, anh Thiện phải thuê 4 lao động, hiện chỉ cần một mình anh điều khiển từ xa cũng có thể hoàn thành trong chưa đầy 1 giờ. Hệ thống này không chỉ giúp cung cấp nước cho vùng chè, mà toàn bộ phân bón sử dụng là phân chuồng, phân xanh và các loại phân hữu cơ khác được hòa qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây. Anh Thiện cho biết: Áp dụng công nghệ số vào sản xuất là xu hướng tất yếu đối với nông nghiệp hiện đại. Cách làm này góp phần tiết kiệm tối đa nhân lực, mà vẫn đảm bảo hiệu quả cao nhất trên một diện tích canh tác.
Áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 95% diện tích canh tác; hơn 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất. Một số chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu: Vận chuyển, đập tách hạt, bơm nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, xúc đào mương. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt trên 80%; tưới tiêu chủ động đạt 80% diện tích. Còn nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hoá trong chế biến thức ăn chăn nuôi, tự động cho ăn, uống, máy vắt sữa, nghiền thức ăn...
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, giải pháp để hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có mà tỉnh đề ra trong giai đoạn 2020-2025 không chỉ sản xuất ra nhiều nông sản, mà phải là những nông sản có lợi thế thị trường để mang lại giá trị cao; không chỉ liên kết trong nội bộ các khâu sản xuất nông nghiệp, mà là liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ; mô hình tổ chức sản xuất phải ưu thế, tôn trọng hợp tác, sánh ngang các nước trong khu vực.
Tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi tập trung. Tỉnh quan tâm xây dựng đề án phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng nông nghiệp; đồng bộ trong quy hoạch chung của tỉnh về không gian phát triển biển, không gian canh tác đất liền… Đi liền với những chính sách, quy hoạch này là đường hướng, nguồn lực tài chính, cơ chế hỗ trợ…, là những trợ lực mạnh để “tam nông” phát triển.
Tỉnh hiện duy trì 1.070ha vùng trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 94ha lúa chất lượng cao; 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 46 vùng trồng được cấp mã số; 6 cơ sở đóng gói quả tươi... Trong đó có nhiều mô hình nổi bật: Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng được chứng nhận VietGAP tại TX Đông Triều, diện tích 150ha; vùng trồng rau an toàn tập trung ở Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Hải Hà, tổng diện tích 348ha, sản lượng trên 31.520 tấn; vùng trồng hoa tập trung tại Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên, tổng diện tích 451ha, sản lượng đạt 131 triệu bông; vùng trồng cây dong riềng tập trung tại Bình Liêu, Tiên Yên, tổng diện tích 250ha, sản lượng ước đạt 10.875 tấn; vùng trồng chè tập trung tại Đầm Hà, Hải Hà, tổng diện tích 544ha, sản lượng ước đạt 3.690 tấn.
Các vùng nông thôn trên tiến trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu song không tách rời quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Làm sao để môi trường sống nông thôn và đô thị chỉ khác nhau về tên gọi, về vùng miền, còn các tiêu chí từ hạ tầng điện, nước, viễn thông, dịch vụ, công trình công ích… phải tiệm cận nhau. Hiện thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 73,43 triệu đồng/người/năm (trong đó các xã vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo đạt 73 triệu đồng/người/năm).
Điển hình như xã Việt Dân (TX Đông Triều), bà con nơi đây đã tích cực chuyển đổi cơ cấu, quy hoạch vùng sản xuất tập trung với 300ha trồng lúa chất lượng cao, 200ha trồng cây na dai, 45ha cây cam Canh, bưởi Diễn... Thu nhập của người dân được nâng cao, thương hiệu nông sản sạch của xã được khẳng định trên thị trường. Người dân đang tích cực góp sức xây dựng NTM kiểu mẫu, để thực sự trở thành miền quê đáng sống.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()