Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:41 (GMT +7)
Nông nghiệp cần những giải pháp cấp bách trong đại dịch
Thứ 2, 09/08/2021 | 11:37:54 [GMT +7] A A
Chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến nhiều vùng nông sản không thể tiêu thụ hết do khó khăn trong vận chuyển đến các địa phương khác; xuất khẩu cũng bị cản trở khi chi phí logistics tăng cao, thiếu container, các thị trường siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu khiến hàng hóa ùn tắc tại cảng… Ngành nông nghiệp đang gặp phải khó khăn kép.
Khó trăm bề
Thời điểm này hàng năm, người dân ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa. Song năm nay, lúa chưa thu hoạch trên đồng ruộng ở các địa phương còn rất nhiều, nhất là lúa vụ Hè Thu, đến nay mới chỉ thu hoạch hơn 600 nghìn ha trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy. Thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu và Thu Đông sớm sẽ tập trung trong các tháng 8, 9 và 10, tuy nhiên khó khăn hiện nay là giá lúa giảm bởi đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện, giá lúa gạo đang thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 500 - 600 đồng/kg.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ rõ, hiện tại giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Các khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Trong khi Tân Cảng là cảng container chính đã ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục thì lượng container ứ đọng tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) cũng ngày càng lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc.
Khó khăn của ngành lúa gạo cũng là khó khăn của rất nhiều mặt hàng trong nhóm nông nghiệp. Theo chia sẻ của các chuyên gia, ở thị trường nội địa và xuất khẩu, ngành nông nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, ở thị trường nội địa, hàng loạt các địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh đóng cửa nên khó khăn cho khâu lưu thông hàng hóa đến người tiêu dùng.
Tình hình dịch bệnh cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, ưu tiên dành tiền cho các mặt hàng thực sự thiết yếu. Đặc biệt, hàng loạt khách sạn, nhà hàng đóng cửa; các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp cũng dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do các nhà máy giảm tối đa lực lượng công nhân viên, người lao động hoạt động trực tiếp khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, trái cây giảm xuống.
Nếu những năm trước, TP Hồ Chí Minh - thành phố không ngủ và phát triển bậc nhất cả nước có nhu cầu tiêu thụ rất cao và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho rất nhiều địa phương trên cả nước thì giờ đang là “tâm dịch” với vài nghìn ca bệnh mỗi ngày. Việc liên tục giãn cách trên diện rộng khiến nhu cầu nông sản, hàng hóa của địa phương này giảm mạnh, khó có thể hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn nông sản cho nhiều địa phương như các năm trước.
Chưa kể, ở các địa phương đang thực hiện giãn cách theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, việc vận chuyển hàng hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều bất cập trong thủ tục xét nghiệm. Lái xe đi/đến các vùng có dịch được yêu cầu phải có giấy thông hành, có phiếu xét nghiệm Covid-19 có hiệu lực trong 3 ngày. Nhiều địa phương yêu cầu tài xế phải cách ly nếu đi/về từ vùng giãn cách dịch… Những yêu cầu này do các địa phương chủ động, không có sự đồng nhất với nhau, nên nếu vận chuyển được hàng đến nơi cũng gây đội giá. Thậm chí, nhiều tài xế chấp nhận bỏ đơn hàng bởi các yêu cầu quá khắt khe.
“Nhiều tỉnh đang làm chặt trong công tác phòng chống dịch dẫn đến việc thu hoạch của nông dân nhiều địa phương gặp khó, thương lái cũng gặp khó trong thu mua. Trong khi vai trò của thương lái hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc đi thu mua hàng hóa giữa địa phương này với địa phương khác dẫn đến giá cả tăng cao. Các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản đang bị ảnh hưởng lớn về nhân lực và vận tải khi chi phí vận tải và xét nghiệm cao lên, nhân sự bố trí làm việc trực tiếp không nhiều gây ảnh hưởng đến giá nông sản”, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận.
Ngoài khó khăn trong tiêu thụ tại thị trường trong nước, các vấn đề này cũng gây đội giá cho hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cũng không dễ dàng hơn khi logistics các nước, đặc biệt từ Việt Nam đi đến các thị trường xuất khẩu đang bị đội giá nặng nề do container thiếu, giá cả vận tải tăng, do đó, nhiều doanh nghiệp không dám ký các hợp đồng vì lo ngại không đáp ứng được. Chưa kể, Trung Quốc - thị trường lớn nhất của nông sản Việt đang siết chặt các quy định nhập khẩu hàng hóa do lo ngại dịch bệnh, khiến hàng hóa ở nhiều cửa khẩu lưu thông khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị nông sản.
Những giải pháp cấp bách cho nông nghiệp kháng dịch
Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho ngành nông nghiệp, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, các địa phương cần có chính sách nhất quán. Lãnh đạo các địa phương phải lập tức vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hoá, vận tải. “Một số địa phương làm chặt quá khiến thương lái không thu mua được nông sản, do vậy các địa phương phải có phương án tạo điều kiện lưu thông, trong điều kiện đảm bảo an toàn cho thương lái”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Muốn tạo được điều kiện lưu thông an toàn cho doanh nghiệp, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là tiêm vaccine cho người làm trong ngành nông nghiệp. Bởi vaccine sẽ là “hộ chiếu” cho người nông dân ra đường để sản xuất hàng hóa, cũng là “hộ chiếu” để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Tuy nhiên, hiện nay, ngành nghề nào cũng yêu cầu được ưu tiên tiêm vaccine, trong khi tốc độ tiêm vaccine chưa theo kịp yêu cầu. Nên nhiều ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp là các địa phương cần cho phép các doanh nghiệp, Hiệp hội phối hợp với tổ chức y tế tư nhân có chứng chỉ hành nghề được phép tự tổ chức triển khai tiêm từ nguồn vaccine của nhà nước. Đây là giải pháp xã hội hóa rất phù hợp, vì doanh nghiệp vẫn được tiêm vaccine miễn phí, chỉ tốn chi phí dịch vụ tiêm và lại có thể tiêm trực tiếp tại doanh nghiệp một cách an toàn, nhanh chóng. Trong khi đó, lực lượng y tế sẽ được giảm tải.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần tạo điều kiện giãn nợ cho doanh nghiệp vì điều này không gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng do lãi suất doanh nghiệp vẫn phải đóng đầy đủ, tuy nhiên vẫn là giải pháp giúp hõ tợ hiệu quả cho doanh nghiệp; giảm lãi suất. Đồng thời, Nhà nước cũng cần chính sách giảm mức đóng bảo hiểm xã hội xuống 1% quỹ lương của doanh nghiệp (hiện tại là 2%).
Đặc biệt, việc thực hiện phương châm “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài do sức chịu đựng của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp ngành nông sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa là có hạn. Do đó đối với các ngành sản xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương sau khi được tiêm vaccine phòng dịch để các doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất; các doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu thường tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()