Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:05 (GMT +7)
“Nóng” khủng hoảng người di cư ở châu Âu, cộng đồng quốc tế quan ngại
Thứ 5, 11/11/2021 | 16:51:27 [GMT +7] A A
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang theo dõi cùng với sự quan ngại về tình hình ở khu vực biên giới giữa Ba Lan và Belarus – nơi hàng nghìn người di cư và tị nạn đang bị mắc kẹt giữa mùa đông lạnh giá.
Người phát ngôn của Tổng thư Liên hợp quốc Stephane Dujarric ngày 10/11 dẫn thông điệp từ người đứng đầu Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo đảm giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn trên các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp quốc tế. Ông Guterres nhấn mạnh những tình hình này không nên bị lợi dụng cho mục đích chính trị hoặc là nguyên nhân gây căng thẳng giữa các nước.
Ngoài ra, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc còn nhắc lại đánh giá của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet về tình cảnh gây ám ảnh của số lượng lớn người di cư và người tị nạn bị bỏ lại trong tuyệt vọng, khi nhiệt độ gần chạm tới ngưỡng đóng băng ở khu vực biên giới. Bà Bachelet cũng kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực cần hành động để cứu lấy mạng sống của nhiều người.
Tại khu vực biên giới Ba Lan – Belarus, nhiệt độ về đêm xuống rất thấp. Trong khi đó, nhiều người tị nạn và di cư không có nơi trú ẩn, trong tình cảnh thậm chí không có cả thức ăn và nước uống. Những người di cư gồm nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em, chủ yếu đến từ khu vực Trung Đông và châu Á.
Thời gian gần đây, căng thẳng tại khu vực biên giới giữa hai nước láng giềng châu Âu đang có dấu hiệu tăng nhiệt. Ba Lan cáo buộc Belarus để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới để đáp trả việc các nước Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt nước này. Còn phía Belarus lại thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này, cho rằng Ba Lan đang hành động theo hướng cố tình làm leo thang căng thẳng. Tranh cãi thậm chí đã vượt khỏi phạm vi hai nước láng giềng và lôi kéo sự can dự của của nhiều bên khi EU, Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ mới đây đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Belarus đang khơi mào cho một cuộc khủng hoảng người di cư mới trong khu vực.
Những bức hình về hàng nghìn người tị nạn đứng tập trung ở khu vực gần bờ dây thép gai ngăn cách biên giới Belarus – Ba Lan do truyền thông quốc tế đăng tải ngày 10/11 đã tô đậm cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang diễn biến nghiêm trọng ở khu vực Đông Âu.
Những bức hình gây ám ảnh một lần nữa gợi nhớ tới cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu năm 2015, khi nhiều người di cư được nhìn thấy đứng chen chúc xung quanh một đám lửa và ôm những đứa con bé bỏng được quấn trong nhiều lớp quần áo khi nhiệt độ đang xuống thấp. Trong khi đó, một số người khác đang ngồi trong khu lều được dựng tạm cách khu vực hàng rào biên giới chạy dọc theo khu vực Tây Bắc Grodno của Belarus, rìa phía Đông của Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên.
Các nhà chức trách Ba Lan cho biết, sự bế tắc và tuyệt vọng kéo dài đã thôi thúc nhiều người bất chấp hiểm nguy để vượt qua hàng rào biên giới. Hiện Ba Lan đang đặt quân đội trong tình trạng báo động cao dọc theo biên giới với Belarus sau khi một nhóm người tị nạn lớn áp sát biên giới Ba Lan với Belarus ngày 8/11 để xin tị nạn. Theo số liệu thống kê, hiện số binh sỹ Ba Lan được điều động tới khu vực biên giới vào khoảng từ 15.000 đến 12.000 người.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Belarus ngày 10/11 cũng ra thông báo về việc tăng số đơn vị phòng không làm nhiệm vụ dọc theo các khu vực biên giới phía Tây và Tây Bắc. Hiện cả hai nước láng giềng đang tung ra những bằng chứng để hướng sự chỉ trích vào bên còn lại.
Trong khi tranh cãi và so găng giữa hai láng giềng tiếp diễn thì hàng nghìn người di cư và tị nạn ở khu vực biên giới đang lâm vào tình cảnh thương tâm và cần tới sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở biên giới Belarus-Ba Lan. Tuy nhiên, trước câu hỏi của phóng viên về việc liệu Đức có đơn phương tiếp nhận người di cư hay không, người phát ngôn của Thủ tướng Merkel đánh giá đây là một câu hỏi hỏi "không liên quan".
Tờ The Guardian của Anh đưa tin, trong ngày 10/11, Tổng thống Putin và có cuộc điện đàm với bà Merkel và tỏ rõ lập trường về việc Moscow sẵn sàng đóng vai trò trung gian các vòng đối thoại giữa Minsk và Brussels để giải quyết cuộc khủng hoảng./.
Theo Dangcongsan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()