Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:32 (GMT +7)
'Nóng' đối chất từ doanh nghiệp, sếp Tổng Cục Thuế nói gì?
Thứ 6, 27/09/2024 | 22:22:28 [GMT +7] A A
Trước những đối chất, trao đổi và đòi hoàn thuế của các doanh nghiệp, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị các vụ, đơn vị trực thuộc và doanh nghiệp, người nộp thuế trao đổi thẳn thắn, làm rõ nguyên nhân những vướng mắc trong quy định, chính sách thuế và trong công tác quản lý thuế của cơ quan thuế; đưa ra giải pháp rõ ràng, khả thi…
Ngày 27/9, tại TPHCM, Tổng Cục Thuế tổ chức hội nghị đối thoại với người nộp thuế tại 5 tỉnh, thành phố phía Nam, nhằm lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện các quy định, chính sách pháp luật thuế.
Kiện ra tòa
Hơn 300 DN, người nộp thuế từ 5 tỉnh, thành phía Nam gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An đã đến đối thoại cùng Tổng Cục Thuế. Trong đó, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) được nhiều DN quan tâm.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Fococev, Quận 1 - cho biết Cục Thuế TPHCM truy thu thuế VAT và không hoàn thuế VAT cho công ty. Cụ thể, công ty bị truy thu tiền thuế VAT đã hoàn và tiền chậm nộp từ kỳ hoàn thuế tháng 1/2017 đến tháng 10/2018 và tháng 5/2020, truy thu tiền đã hoàn thuế VAT là 36,7 tỷ đồng. Từ tháng 11/2018 đến tháng 5/2020 Cục Thuế TPHCM thông báo không được hoàn và không được khấu trừ là 127 tỷ đồng.
Theo ông Phương, cơ quan công an đã xác minh chưa có căn cứ xác định dấu hiệu hành vi xuất khẩu khống hàng hóa sang Trung Quốc để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Công ty Fococev.
Công ty Fococev khởi kiện, Tòa án Nhân dân TPHCM đã hủy các quyết định thu hồi hoàn thuế, buộc Cục Thuế TPHCM hoàn trả tiền thuế đã thu hồi của Công ty Fococev và giải quyết hoàn thuế VAT cho Công ty Fococev. Cũng theo ông Phương, Cục Thuế TPHCM chỉ thực hiện một phần bản án trả 36 tỷ, chưa hoàn trả 700 triệu tiền chậm nộp.
“Công ty Fococev đồng cảm với Cục Thuế TPHCM trách nhiệm trong công tác kiểm tra hoàn thuế, nhưng không đồng ý việc phát sinh các thủ tục không đúng quy định pháp luật” - ông Phương nói.
Trả lời Công ty Fococev, bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ kê khai - kế toán thuế Tổng Cục Thuế - cho biết, Fococev là một trong những DN xuất khẩu bột sắn. DN này có mua bán với DN Trung Quốc. Qua làm việc giữa cơ quan thuế của Trung Quốc với cơ quan thuế của Việt Nam, xác định trong hợp đồng của Fococev với DN Trung Quốc, có một số DN không được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; hoặc tại thời điểm giao dịch với Fococev thì những DN này không tồn tại hoặc ngừng hoạt động tại địa chỉ đăng ký… Vì vậy, trong quá trình thực hiện, Cục Thuế TPHCM rất băn khoăn khi áp dụng thuế VAT.
Để hoàn thuế VAT của DN xuất khẩu gồm 4 điều kiện: Có hợp đồng xuất khẩu giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài; chứng từ thanh toán qua ngân hàng; hóa đơn VAT; tờ khai hải quan xác định hàng hóa đã xuất khẩu…
Vấn đề của Fococev đã được tòa án TPHCM giải quyết, Cục Thuế TPHCM đã hoàn trả 36 tỷ đồng cho công ty, chỉ còn 700 triệu đồng và sẽ hoàn trả. “Khi đã đối chiếu đầy đủ chính xác, không vướng về câu chuyện thủ tục thì TPHCM cần sớm trả tiền chậm nộp cho công ty Fococev” - bà Hải nói.
Liên quan số tiền 127 tỷ đồng, theo bà Hải, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên hủy thông báo hoàn thuế của Cục Thuế TPHCM vào ngày 6/9. Tuy nhiên, hiện nay Cục Thuế TPHCM chưa nhận được bản án chính thức của tòa án.
Công ty TNHH SAIGON PTS gửi tới 6 câu hỏi liên quan đến thuế VAT, hoàn thuế. Nội dung liên quan việc công ty xuất khẩu có liên quan đến phần tỷ trọng và việc hoàn thuế bắt buộc các nhà cung cấp phải quyết toán mới cho công ty xuất khẩu hoàn thuế.
Công ty này thắc mắc các trường hợp DN xuất khẩu phải đợi xác minh, các trường hợp phải chờ xác minh thì số tiền treo đó được giải quyết như thế nào? Ngoài ra, công ty cũng thắc mắc đến vấn đề làm việc với các công ty chuyên mua bán hoá đơn. Thời điểm giao dịch, công ty đối tác vẫn hoạt động minh bạch (chưa bị phát hiện mua bán hoá đơn) nhưng sau này đến kỳ hoàn thuế thì công ty đóng cửa khiến các hoá đơn của DN bị phạt, bị loại ra thì công ty phải làm thế nào.
Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế - cho biết, đối với trường hợp DN kê khai sản phẩm đã chế biến thành sản phẩm khác mà quy trình sản xuất sản phẩm chưa đủ cơ sở xác định, thì Cục Thuế có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Thuế để phối hợp với các bộ, cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó căn cứ vào quy trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu của DN để xác định sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản chưa chế biến thành sản phẩm khác hay đã chế biến thành sản phẩm khác theo quy định của pháp luật. Đề nghị DN cung cấp hồ sơ cụ thể và nêu rõ cơ quan thuế đang giải quyết hồ sơ hoàn thuế của DN để được giải đáp.
Về vấn đề đối tác của công ty là công ty mua bán hoá đơn, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, xét về bản chất, hoạt động mua bán 2 bên thì cơ quan thuế sẽ cho nghi vấn đối với thời điểm 2 công ty xuất hoá đơn với nhau. Việc cơ quan thuế sử dụng hệ thống hoá đơn điện tử để kiểm tra thì cơ quan thuế sẽ đặt dấu chấm hỏi việc mua bán này có thật hay không để xử lý. Đồng thời, Luật Thuế VAT sửa đổi sắp tới sẽ xem xét đây là các trường hợp bị cấm.
Không tránh né
Tại hội nghị, ông Nguyễn Nam Bình - Cục trưởng Cục Thuế TPHCM - cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, ngành thuế TPHCM thu ngân sách đạt hơn 259.900 tỷ đồng, bằng 73,9% cả năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023; nguồn thu từ sản xuất kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 150.000 tỷ đồng, bằng 74,6% dự toán năm, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Trong đó các khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng, cụ thể khu vực FDI tăng 12,2%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 21,4%, khu vực DN nhà nước trung ương tăng 16%, khu vực DN nhà nước địa phương tăng 2,9%.
Theo ông Bình, hội nghị đối thoại với 5 tỉnh thành phía Nam là cơ hội để Cục Thuế TPHCM nói riêng và Tổng Cục Thuế nói chung lắng nghe những ý kiến của DN, người nộp thuế về các vấn đề liên quan đến việc thực thi chính sách pháp luật về thuế, cải cách, thủ tục hành chính về thuế. Từ đó giúp ngành thuế xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền theo đúng chức năng, quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế - cho biết, thời gian qua, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, DN với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ. Tổng số miễn, giảm, gia hạn 9 tháng đầu năm 2024 khoảng 102.676 tỷ đồng.
Ông Mai Sơn cũng đề nghị các vụ, đơn vị của Tổng Cục thuế và Cục thuế các tỉnh, thành phố cùng DN, người nộp thuế trao đổi thẳn thắn, làm rõ nguyên nhân những vướng mắc trong quy định, chính sách thuế và trong công tác quản lý thuế của cơ quan thuế… Đề nghị các Cục thuế trả lời, đưa ra giải pháp rõ ràng, khả thi… nhằm tạo sự hài lòng, nhất trí cao cho DN, người nộp thuế tham dự hội nghị.
Hội nghị đối thoại tập trung vào các nội dung về hóa đơn, chứng từ; chính sách thuế giá trị gia tăng (gồm cả hoàn thuế); thuế thu nhập doanh nghiệp (gồm cả thuế nhà thầu); thuế thu nhập cá nhân; các ưu đãi miễn giảm, các khoản thu từ đất...
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()