Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:17 (GMT +7)
Nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường
Thứ 5, 04/04/2024 | 07:48:17 [GMT +7] A A
Bằng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, các cấp hội nông dân của Quảng Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần hình thành lối sống xanh trong đời sống và sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Đường, các cấp hội đã đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của hội viên nông dân và cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện, bảo vệ môi trường; hình thành và phát triển lối sống xanh; xây dựng ý thức, thói quen thực hiện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tuyên truyền, phân loại rác tại nguồn, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức, tham gia thu gom, xử lý phao xốp, rác trôi nổi, ra quân làm sạch biển (trọng tâm là thu gom các loại phao xốp, lồng bè bỏ, rác thải... ven bờ vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long)...
Năm 2023, các cấp hội đã tổ chức 1.420 buổi tuyên truyền cho 99.456 lượt người; phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh xây dựng 16 chuyên đề; tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin của Cổng thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh, tăng cường vai trò của Cổng thông tin điện tử trong truyền tải thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về môi trường.
Với 30 mô hình bảo vệ môi trường được xây dựng mới trong năm 2023, đến nay toàn tỉnh có tổng số hơn 600 mô hình, phần việc của Hội Nông dân về bảo vệ môi trường như: “Tuyến đường nông dân tự quản”; “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”; “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải thành phân bón tại nguồn”; “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật”… Các cấp hội cũng tích cực vận động hội viên nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tái sử dụng, hạn chế sử dụng túi nilon và sống thân thiện với môi trường. Để phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, các chi hội nông dân thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; tích cực tham gia "Ngày chủ nhật xanh", vệ sinh đồng ruộng...
Toàn tỉnh có 63.889 hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp gắn với sản xuất thân thiện, bảo vệ môi trường. Cấp tỉnh đã tổ chức 5 chương trình nông dân dạy nông dân với hơn 200 hội viên nông dân tham gia trực tiếp thăm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng KHCN gắn với bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, huy động hơn 2.100 tỷ đồng nguồn vốn từ các ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và trồng cây công nghiệp; trong đó ưu tiên nguồn vốn cho các áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất; các dự án phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh và các địa phương; các dự án phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, từ đó tạo hiệu ứng, lan tỏa các mô hình đến nhiều địa phương, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, các cấp hội tích cực huy động xã hội hóa trang sắm thùng rác chuyên dụng, túi nilon màu để hội viên thực hiện phân loại ngay từ gia đình. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại gia đình của hội viên đồng thời được thực hiện với hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua các mô hình ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học, góp phần tiết kiệm tài nguyên rác, giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, phát huy vai trò người nông dân tham gia bảo vệ môi trường, trên cơ sở văn bản của tỉnh, ngay từ những tháng đầu năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo đến các cấp hội; đẩy mạnh hoạt động về công tác bảo vệ môi trường như triển khai trồng rừng gỗ lớn, ra quân dọn vệ sinh môi trường; khơi thông cống, mương, thủy lợi; tuyên truyền; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm mô hình nông nghiệp tiên tiến...
Những cách làm thiết thực, hiệu quả đang dần thay đổi nhận thức, hành vi của người nông dân, chủ động, tích cực tham gia bảo vệ môi trường từ thói quen sinh hoạt, đến sản xuất. Chất lượng môi trường của nhiều khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, góp phần xây dựng nếp sống xanh trong cộng đồng dân cư và thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()