Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:36 (GMT +7)
Nông dân tích cực chuyển đổi số
Thứ 4, 08/02/2023 | 08:02:21 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của người nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thi đua ứng dụng chuyển đổi số đang được các cấp hội nông dân Quảng Ninh chú trọng thực hiện.
Trải qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19, việc xúc tiến thương mại và vận chuyển hàng hóa tiêu thụ sản phẩm theo phương thức truyền thống bị hạn chế, khiến Cơ sở sản xuất chè Dũng Nga của anh Trần Sĩ Dũng (thôn 8, xã Đường Hoa, huyện Hải Hà) gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, thúc đẩy thương mại điện tử, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến... đã giúp anh Dũng khắc phục khó khăn, tiêu thụ được cơ bản số chè của mình. Nhờ đó, cơ sở vẫn đảm bảo hoạt động, không đứt gãy chuỗi tiêu thụ, giữ đúng cam kết với người nông dân Đường Hoa về việc bao tiêu sản phẩm chè sạch và đảm bảo công việc cho toàn bộ người lao động tại xưởng.
Anh Dũng chia sẻ: Dù trong lúc dịch bệnh căng thẳng nhất, các thông tin, hình ảnh, video clip về quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm chè sạch, chè Ngọc Thúy... vẫn được tích cực đăng tải, nhằm duy trì độ nhận diện, tăng sức cạnh tranh và tìm kiếm thêm khách hàng. Đến nay, cách làm này vẫn cho thấy hiệu quả, bởi phù hợp với thói quen tiêu dùng của đông đảo người dân. Họ quan tâm tới các thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ưa chuộng những mặt hàng sạch, tốt cho sức khỏe, mẫu mã phong phú... Những thông tin này có thể cung cấp rất đầy đủ, nhanh chóng bằng các giải pháp số hoá.
Đẩy mạnh chuyển đổi số đang được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Và với vai trò của mình, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực lồng ghép nội dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào phong trào, công tác hội. Nhất là về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.
Việc hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp bắt đầu ngay từ việc nhỏ nhất, là những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số, nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet và thương mại điện tử... Từ đó, từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư duy trong từng hội viên, các chi, tổ hội nghề nghiệp, để tham gia chủ động, hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số một cách phù hợp nhất.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Văn Độ, bên cạnh nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghệ số cũng giúp người nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất... Đây là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Sự thay đổi này không chỉ hiện hữu ở những doanh nghiệp quy mô lớn, mà ngay cả những chi, tổ hội nghề nghiệp, HTX, tổ hợp tác... cũng đã từng bước áp dụng phù hợp. Từ đó, góp phần triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh và từng địa phương.
Trong năm 2022, Quảng Ninh đã đưa được 187 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn; trên 530 bộ mã truy xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn và 72 tài khoản vận hành cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan chức năng cấp theo quy định... Điều này phần nào cho thấy thói quen giao dịch điện tử đang ngày càng phát triển; nhận thức của hội viên, nông dân về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm... ngày càng nâng cao.
Ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU "Về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tại đây xác định 20 mục tiêu cụ thể đến năm 2025, bao gồm kinh tế số có 5 mục tiêu, xã hội số 5 mục tiêu và chính quyền số 10 mục tiêu.
Về kinh tế số, tỉnh phấn đấu cơ bản đến năm 2025: Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp từ 47-50% kinh tế số; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 03 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ sô...
|
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()