Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:27 (GMT +7)
Nông dân thể hiện vai trò chủ thể mô hình liên kết sản xuất
Thứ 7, 04/03/2023 | 13:41:26 [GMT +7] A A
Hình thành và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, như các hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp... là một trong những giải pháp đưa người nông dân đến với tư duy làm ăn tập trung, có liên kết, chấp nhận sự điều tiết của thị trường. Thời gian qua, dưới sự trợ giúp của các đơn vị chức năng, những người nông dân Quảng Ninh đã phát huy vai trò của mình, thể hiện tính sáng tạo, chủ động trong các mối quan hệ sản xuất có liên kết.
Anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền (địa chỉ xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) có thể coi là nông dân điển hình sản xuất có liên kết. Từ thành công với việc chăn nuôi và nhân giống giống gà bản địa Đầm Hà, anh Tuyền nhanh chóng nghĩ tới việc liên kết với các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Anh Nguyễn Văn Tuyền cho biết: Tôi đã vận động những hộ chung ý tưởng cùng thành lập HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền. Hàng chục hộ thành viên HTX đã cùng tôi đầu tư hơn 6 tỷ đồng cho sản xuất. Đến nay HTX là trung tâm đầu mối thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi trong nuôi giống gà bản Đầm Hà.
Cái hay của HTX Tuyền Hiền là đi liền với mở rộng các hộ liên kết là mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng trình độ sản xuất. Hiện Tuyền Hiền liên kết sản xuất theo chuỗi với trên 100 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà... Công nghệ sản xuất bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, quy mô nuôi 3.000 con gà sinh sản. Gà sinh sản áp dụng với quy trình nuôi khép kín từ khâu chăm sóc, sinh sản đến ấp nở, úm gà con.
Mỗi năm, HTX Tuyền Hiền cung cấp ra thị trường trên 160.000 con giống chất lượng; liên kết nuôi từ 80.000-160.000 con gà thương phẩm; cung cấp ra thị trường trên 300 tấn gà thịt chất lượng, an toàn... Từ sự vận hành hiệu quả của Tuyền Hiền, năm 2020, HTX đã vinh dự được trình bày đề án “Liên kết theo chuỗi trong nuôi gà bản Đầm Hà” tại vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp” cấp quốc gia và được khen thưởng.
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh, hiện toàn tỉnh có 403 HTX nông nghiệp, trong đó số HTX mới thành lập trong 3 năm gần đây là 115 HTX với tổng vốn điều lệ là 178,9 tỷ đồng, và tổng số thành viên là 1.452 người. Toàn tỉnh cũng có 146 tổ hợp tác, 47 câu lạc bộ nông dân với gần 2.000 thành viên tham gia, có 70 chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Họ đều là các hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, quản lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.
Điển hình như CLB thủy sản cá rô phi Thái Lan tại Hà An, Sông Khoai, Tiền Phong và tổ liên kết trồng nấm rơm ở xã Liên Vị, Sông Khoai, Hiệp Hòa thuộc TX Quảng Yên; CLB trồng cam Canh, bưởi Diễn (TX Đông Triều); CLB nuôi tôm thẻ chân trắng tại Móng Cái; HTX phát triển Đình Trung, HTX nông lâm và dịch vụ Húc Động (Bình Liêu)...
Các mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể được hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên, quản lý dân chủ, cùng có lợi. Mục đích là cộng tác, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho mỗi thành viên. Họ sinh hoạt một cách thường xuyên và nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực như: Thông tin thời tiết nông vụ, thị trường, giá cả, thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây, con. Các thành viên mô hình kinh tế nông dân tập thể phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chia sẻ về sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất...
Khẳng định phát triển các mô hình kinh tế tập thể hiện nay đã và đang mang lại nhiều lợi ích, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, góp phần giảm nghèo, làm giàu, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()