Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:58 (GMT +7)
Nông dân thế hệ mới
Thứ 4, 28/06/2023 | 14:52:51 [GMT +7] A A
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân là một trong những tiêu chí quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Phát huy vai trò chủ thể của chương trình, nông dân Quảng Ninh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Với mong muốn bảo tồn, phát triển, nhân rộng cây trà hoa vàng, anh Lê Mạnh Quy (thôn 5, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) đã thu mua, đưa cây trà mọc hoang dã về trồng tại vườn nhà. Để nhân lên giá trị cho cây trà, anh Quy đã học hỏi, thử nghiệm các kỹ thuật, công nghệ chăm sóc cây phù hợp; đầu tư công nghệ ngay từ đầu, bao gồm hệ thống tạo bóng râm, che phủ quanh năm để chống nóng, hệ thống tưới nước giữ ẩm, tiêu thoát nước; tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoại mục, phân vi sinh, hạn chế dùng các loại phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu hóa học... Đến nay vườn trà của gia đình anh được nhân rộng gần 10ha.
Nhằm phát triển thương hiệu nông sản địa phương, thay vì cách làm truyền thống là sấy nóng thủ công bằng nhiệt độ cao, anh Quy sấy khô bằng phương pháp đông lạnh thăng hoa; nhờ đó hoa vẫn giữ nguyên được hương vị, màu sắc, đặc tính dược liệu tự nhiên... sau khi chế biến. Anh xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì, tích cực tham gia hội chợ OCOP, đưa sản phẩm lên các nền tảng xã hội như Tiktok, Facebook... Sản phẩm trà hoa vàng Quy Hoa của gia đình anh được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia trong tháng 5 vừa qua.
Nhận thấy giá trị của cây vải u trứng, hộ anh Nguyễn Văn Tiên (thôn Trại Lốc, xã An Sinh, TX Đông Triều) đã quyết định chuyển đổi sang trồng loại cây này, bằng cách cắt ghép cành trên 300 hốc cây vải thiều. Cây vải u trứng ra hoa cuối tháng 11 âm lịch, thu hoạch quả cuối tháng 3 âm lịch năm sau. Cây dễ chăm bón, quả chín nhanh, rất ít sâu bệnh; sản lượng quả phụ thuộc vào thời tiết, cách chăm sóc, phân bón. Anh Tiên thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có cách chăm sóc phù hợp; tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăm bón, sau khi thu hoạch quả.
Nhờ đó vải u trứng của gia đình anh những năm gần đây đều đảm bảo năng suất, chất lượng; sản lượng gần 9 tấn quả, lãi gần 200 triệu đồng/vụ, cao hơn nhiều một số loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi vịt thịt và vịt đẻ trứng, năm 2020 anh Đồng Quang Cường (thôn Cẩm Lũy, xã Cẩm La, TX Quảng Yên) đã mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng lạnh nuôi vịt thịt và vịt lấy trứng theo quy trình sản xuất công nghệ cao. Vịt được nuôi trong nhà lạnh, chuồng trại khép kín, chủ động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp với quá trình phát triển; hệ thống thiết bị cấp thức ăn, nước uống vận hành tự động; các khâu chọn lọc trứng, đảo trứng, ấp trứng trứng lộn hoàn toàn bằng máy. Các thông số chăn nuôi được mã hoá, chuyển tải và kết nối với điện thoại thông minh, qua đó dễ dàng xử lý những tình huống phát sinh. Mỗi năm anh nuôi 5-7 lứa vịt thịt (khoảng 7.000 con/lứa); duy trì thường xuyên đàn vịt đẻ 7.000 con, cung cấp cho thị trường 4.000 quả trứng.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()