Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:28 (GMT +7)
Nông dân dạy nông dân làm giàu
Thứ 4, 23/06/2021 | 09:43:04 [GMT +7] A A
“Nông dân dạy nông dân” là mô hình đào tạo nghề được đánh giá có hiệu quả hiện nay. Tại Quảng Ninh, mô hình đang được các cấp Hội Nông dân (HND) nhân rộng và coi đó là phong trào khơi dậy tinh thần tương trợ, giúp nhau vượt khó, phát triển kinh tế trong hội viên nông dân.
Cuối tháng 4/2021, HND tỉnh tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển tại vụng Ông Cụ (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả). Hội nghị thu hút 60 hội viên nông dân nuôi trồng thủy sản trong khu vực tham dự. Nhiều câu chuyện lập nghiệp, kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cá lồng bè, tu hài, ngao... của hội viên cốt cán được chia sẻ, trao đổi, đã giúp nhiều hội viên mới nắm bắt thêm kinh nghiệm, kỹ năng, quy trình nuôi thủy sản an toàn, hiệu quả. Các nội dung khác liên quan đến tiếp cận nguồn vốn, cơ chế chính sách của Nhà nước, thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất bền vững... cũng được hội nghị đề cập đến với tinh thần cởi mở, hỗ trợ lẫn nhau.
Anh Nguyễn Văn Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản nước mặn khu vực đảo Ông Cụ (TP Cẩm Phả), cho biết: Việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi thủy sản đã được hội viên thực hiện thường xuyên. Trong đó, những hội viên có thâm niên, quy mô nuôi trồng lớn sẽ hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm có được cho những hội viên mới, qua đó tiếp tục song hành, cùng giúp đỡ nhau phát triển, xây dựng vùng nuôi an toàn.
Với quan điểm, người đi trước hỗ trợ người đi sau, nhiều mô hình “Nông dân dạy nông dân” đã được triển khai rộng khắp tại các cơ sở HND trên địa bàn tỉnh. Điển hình như ông Ân Văn Kim (thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, TP Hạ Long), năm 2011 nhận hỗ trợ của tỉnh để phát triển kinh tế thông qua mô hình trồng ổi lai lê. Sau hơn 2 năm, 700 cây ổi của gia đình ông đã cho thu hoạch và mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhận thấy lợi ích từ trồng cây ổi thương phẩm, nhiều hộ trong thôn cũng tìm hiểu và đề nghị ông Kim cung cấp giống cây, hướng dẫn chăm sóc, nhân rộng mô hình. Năm 2016, ông Kim bàn bạc với các hộ dân trồng ổi trong thôn thành lập Hội Làm vườn thôn Đồng Đặng. Từ 30 hội viên ban đầu, hiện hội đã có khoảng 80 hội viên với hàng chục ha trồng ổi và cây ăn quả khác.
Hay như anh Đinh Văn Thắng (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) là một trong những nông dân tiêu biểu trong thi đua sản xuất giỏi của địa phương với mô hình nuôi gà, ngan đẻ trứng. Nhận thấy đây là mô hình có tiềm năng về phát triển kinh tế, nhiều nông dân trong vùng đã tìm đến anh Thắng tìm hiểu về quy trình chăn nuôi, kỹ thuật ấp trứng tự động bằng máy.
Sẵn sàng chia sẻ, anh Thắng đã truyền đạt tận tình, "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn nhiều hộ thực hiện thành công mô hình. Anh còn đứng ra thành lập HTX để giúp các thành viên liên kết, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, cũng như thống nhất quy trình sản xuất đảm bảo an toàn. Đến nay, các hội viên đều kinh doanh sản xuất an toàn với mức thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình "Nông dân dạy nông dân" ở Quảng Ninh đã lôi cuốn, khích lệ hàng trăm hộ dân cùng nhau phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững. Cũng từ đây đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, là tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ vượt khó, quyết chí làm giàu. Đặc biệt, mô hình này cũng đã góp phần thúc đẩy sự hình thành và liên kết giữa các hộ dân và giữa nông dân với doanh nghiệp. Nhiều nông hộ đã không còn sản xuất theo kiểu “đèn nhà ai người ấy rạng”, mà chủ động thành lập các nhóm hộ, câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau cùng làm giàu.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()